Nỗ lực gỡ 'thẻ vàng' IUU: Những chuyển biến tích cực

(PLVN) - Theo kế hoạch, vào tháng 4/2024, Đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam lần thứ 5 để xem xét gỡ cảnh báo Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) cho Việt Nam. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến, nếu không gỡ được “thẻ vàng” trong năm nay thì có thể phải mất vài năm nữa Việt Nam mới có cơ hội…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến. (Ảnh: Thanh Thanh)

Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.

Thưa Thứ trưởng, kể từ lần thanh tra trước của EC, chúng ta đã khắc phục được những vấn đề nào mà EC khuyến nghị?

- Có 3 việc lớn đối với “thẻ vàng” IUU. Thứ nhất là quản lý và giám sát đội tàu. Đầu tháng 3 này sẽ sửa xong Thông tư 23 (Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT về đăng kiểm viên tàu cá; công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá; bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư; đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản; xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá) với số lượng tàu 3 “không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép) cỡ 16 nghìn chiếc sẽ được giải quyết bảo đảm được hồ sơ, bảo đảm được cấp phép, bảo đảm được đăng kiểm. Hơn nữa, khi Nghị định 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản được triển khai sẽ có thêm công cụ để xử lý vi phạm, sẽ có phần mềm kết nối tất cả các thiết bị hành trình. Đây là 3 giải pháp để chúng ta quản lý, giám sát đội tàu.

Thứ hai là truy xuất nguồn gốc. Trên cơ sở khuyến nghị của EC chúng ta đã xử lý các tàu đánh cá vi phạm mà hồ sơ không bảo đảm. Ví dụ như Bà Rịa - Vũng Tàu đã phải dừng một số cảng cá, rút Giấy phép kinh doanh của một số doanh nghiệp vi phạm. Kiên Giang cũng là địa phương đi đầu, đã xử một vụ môi giới tàu cá Việt Nam đánh bắt ở nước ngoài với mức 8 năm tù, vừa rồi lại chuẩn bị 2 vụ nữa vi phạm vùng biển ASEAN, 2 vụ chuẩn bị xử (Cà Mau, Quảng Ngãi)... Nếu xử và có Nghị quyết của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về án lệ thì chúng ta có bước thực thi vụ án này, từ đó chúng ta có bước thực thi nghiêm túc hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn. Đây cũng là vấn đề rất gay gắt mà Đoàn thanh tra EC yêu cầu.

Một việc nữa là, để triển khai gỡ “thẻ vàng” IUU, chúng ta có rất nhiều văn bản chỉ đạo. Vừa rồi, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chủ trì cuộc họp tại Kiên Giang, tới đây sẽ có Chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng sẽ trực tiếp triển khai nhiệm vụ này. Tôi hy vọng những kết quả về IUU của Việt Nam thì chúng ta sẽ gỡ được “thẻ vàng”.

Là người theo dõi rất lâu lĩnh vực này, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về khả năng đáp ứng các điều kiện để gỡ “thẻ vàng” lần thứ 5 này?

- Sau 4 lần kiểm tra, thứ nhất, EC vẫn đánh giá hướng đi của chúng ta rất đúng. Thứ hai, chúng ta rất tích cực, nhưng việc tổ chức thực hiện, đặc biệt ở các địa phương còn yếu. Vì vậy đợt này, có Chỉ thị của Ban Bí thư, cả hệ thống chính trị đều vào cuộc, không chỉ riêng các Bộ, ngành TƯ. Điều quan trọng là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, các thành tố trong xã hội đều vào cuộc… Và với 3 vấn đề lớn nêu trên, tôi tin rằng sẽ được giải quyết có tính căn cơ hơn.

Thưa Thứ trưởng, vấn đề căn bản vẫn là thực thi mà vấn đề này đã nói nhiều rồi. Liệu lần thứ 5 này chúng ta có cơ hội?

- Các chuyển biến tích cực trong nỗ lực gỡ “thẻ vàng” đã được thể hiện. Nhưng như tôi đã nói, các địa phương chưa vào cuộc rất rõ. Tôi là người đi kiểm tra IUU ở các cảng cá nhiều nhất nước này, có cảng cá tôi đến 3 lần, tôi giở từng cuốn nhật ký, nhưng hỏi đến Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Giám đốc Sở thì hiếm có người đi tận nơi lắm, may ra có Phó Giám đốc Sở. Cho nên, quan tâm chưa đúng mức. Các cụ nói phải “thuộc bài”, phải “tròn vai”, phải biết được 14 hành vi vi phạm IUU như thế nào và giải pháp cụ thể của từng địa phương. Lần này có Chỉ thị của Ban Bí thư thì tất cả vào cuộc, kể cả đầu tư cơ sở hạ tầng, kể cả bổ sung đội ngũ, hoàn thiện trang thiết bị, kể cả trực và tổ chức thực hiện.

Các văn bản chỉ đạo đều đủ rồi, biện pháp triển khai cũng đầy đủ hết. Năm 2024 cơ hội gỡ “thẻ vàng” rất lớn, nếu qua năm 2024 châu Âu bầu cử lại chính quyền thì phải một vài năm họ mới đề cập đến việc này và chúng ta mất đi cơ hội…

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nếu không tháo gỡ được “thẻ vàng” IUU trong năm 2024, hoạt động xuất khẩu sang EU sẽ bị đình trệ vì thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác còn bất cập. Những ngành hàng như cá ngừ, mực, bạch tuộc và cá biển sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất…

Đọc thêm