Nỗ lực lan tỏa ẩm thực Việt ra thế giới

(PLVN) - Việc triển khai đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 - 2024” được xem là bước đệm để đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới thông qua văn hóa ẩm thực.

Trên hành trình thực hiện sứ mệnh và vai trò truy tầm, phục dựng, bảo tồn, phát huy và phát triển, góp phần thiết thực nâng tầm nền văn hóa ẩm thực Việt Nam một cách bền vững, năm 2022, Hiệp hội Văn hóa và Ẩm thực Việt Nam (VCCA) đã triển khai Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 - 2024”.

Theo đó, VCCA tiến hành khảo sát, phát hiện, giới thiệu và thu thập dữ liệu của văn hóa ẩm thực Việt Nam, là bước đệm để đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới thông qua văn hóa ẩm thực, thúc đẩy cạnh tranh quốc gia và là tiền đề của phát triển kinh tế Việt Nam. Đề án sẽ mang lại lợi ích cho nhiều đối tượng trong 3 lĩnh vực chính: khoa học dinh dưỡng, kinh tế ẩm thực và văn hóa ẩm thực.

Nhằm tổng kết kết quả triển khai Đề án giai đoạn 1 (năm 2022), VCCA tổ chức Lễ công bố Hành trình tìm kiếm giá trị Văn hóa Ẩm thực Việt Nam. Sau 6 tháng triển khai đã thu thập được dữ liệu của 421 món ẩm thực do Sở Du lịch, Sở Văn hóa thể thao, các Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực, Trung tâm xúc tiến du lịch của 60 tỉnh thành đề cử. Các cụm Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực 3 miền Bắc, Trung, Nam với sự tham gia của hơn 30 chuyên gia ẩm thực, văn hóa đã sàng lọc ra 165 món ăn vượt qua vòng sơ khảo.

VCCA tổ chức Lễ công bố Hành trình tìm kiếm giá trị Văn hóa Ẩm thực Việt Nam.

Các món được xét chọn bám sát 3 tiêu chí: có giá trị văn hóa, lịch sử món ẩm thực được hình thành và phát triển trong những vùng miền địa lý nhất định; có giá trị đặc trưng về chất lượng (dinh dưỡng, an toàn, cảm quan), công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản và lưu thông; có giá trị kinh tế, có khả năng phát triển trong cộng đồng.

Theo đó, hội đồng chuyên môn dưới sự chủ trì của Giáo sư Lưu Duẩn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học và Công nghệ thực phẩm Việt Nam, Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm trường Đại học Công nghệ Sài Gòn cùng với các chuyên gia ẩm thực, các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu về lịch sử, đã bàn bạc, thống nhất lựa chọn ra 121 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam cho năm 2022 đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trên. Trong đó có 47 món ăn miền Bắc, 37 món ăn miền Trung và 37 món ăn miền Nam.

Trong giai đoạn tiếp theo của Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 - 2024”, VCCA sẽ tiếp tục hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu văn hóa ẩm thực Việt Nam với mục tiêu tìm ra 1.000 món ẩm thực tiêu biểu theo các tiêu chí trên trong năm 2023.

Các dữ liệu này sẽ được sử dụng để hoàn thiện “Bản đồ ẩm thực Việt Nam” vào năm 2024, tiến tới xây dựng “Bảo tàng ẩm thực Việt Nam” theo định hướng thực tế ảo 3D và Bảo tàng Ẩm thực thực tế phục vụ du khách tham quan trong và ngoài nước trong tương lai, góp phần đưa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch VCCA, hành trình phục dựng, bảo tồn, phát huy và nâng tầm nền văn hóa ẩm thực Việt Nam là quá trình dài, cần sự bền bỉ, kiên trì. “Văn hóa ẩm thực Việt Nam là một kho tàng di sản vô giá của đất nước, việc tìm hiểu và thu thập dữ liệu của văn hóa ẩm thực Việt Nam thật sự cần thiết và là bước đệm để đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới thông qua văn hóa ẩm thực, thúc đẩy cạnh tranh quốc gia và là tiền đề của phát triển kinh tế”.

Ẩm thực Việt vô cùng phong phú, đa dạng.

Việc bảo tồn, phát huy và nâng tầm nền văn hóa ẩm thực Việt Nam là quá trình dài, cần sự bền bỉ.

Bún chả là món ăn nổi tiếng của Hà thành.

Các khách mời hào hứng thưởng thức món ăn Việt. Ảnh: BTC.

Với giáo sư Lưu Duẩn, ông khẳng định: “Khi nói đến ẩm thực Việt Nam ra thế giới là một điều chúng ta vừa tự tin, nhưng cũng rất tự hào. Tuy nhiên, cũng có lúc ta thấy chạnh lòng khi thấy nhiều cửa hàng đề tên: món ăn của người Hoa (Trung Quốc), món ăn của người Thái.

Thực chất với những món ăn như thế với Việt Nam không có sự khác biệt nhiều, thậm chí chúng ta còn có nhiều sự đặc sắc hơn, nhưng chúng ta thiếu đi bộ máy, tổ chức, tư duy của việc phổ biến những tinh hoa trong món ăn Việt. Vì thế, tôi nghĩ rằng, một trong những trách nhiệm lớn của VCCA là phải phát huy truyền thống của các món ăn Việt, không những trong nước mà là ra thế giới”.

Trong khi đó, ông Lê Tân - Phó Chủ tịch VCCA nói thêm, phải làm sao để “người Việt Nam yêu ẩm thực Việt Nam, từ đó mới có thể lan tỏa điều đó ra thế giới”.