Theo một hành khách SN 1984 (HKTT Hà Nội, tạm trú TP HCM), từ khi có thông tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus Corona chủng mới SARS-CoV-2 gây ra, đi đâu ông cũng “kè kè” chai gel rửa tay khô trong người, đúng theo khuyến cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế.
“Do đặc thù công việc, tôi thường xuyên đi máy bay, có tuần tới 3-4 chuyến nội địa. Hàng chục chuyến bay gần đây, tôi vẫn được đem gel rửa tay khô lên máy bay mà không gặp vấn đề gì. Có mấy lần còn cho hành khách ngồi cạnh dùng ké. Rất an tâm và vui vẻ”, ông nói.
Bất thường xảy ra vào tối 9/3/2020, khi ông đến sân bay Nội Bài để bay từ Hà Nội vào TP HCM, giờ khởi hành dự kiến 21h, chuyến bay VN285. Lúc qua cửa an ninh, bất ngờ ông bị nhân viên an ninh yêu cầu bỏ lại chai gel rửa tay khô với lý do “gel này nếu đốt sẽ cháy”.
“Chỉ là một chai gel rửa tay khô trị giá vài chục ngàn đồng và 99,999% nếu không có chai gel này trên chuyến bay kéo dài 2 tiếng đồng hồ thì tôi cũng không hề hấn gì. Nhưng chuyện tưởng như rất nhỏ mà lại không nhỏ. Việc nhân viên an ninh bất ngờ yêu cầu bỏ lại chai gel khiến tôi giật mình băn khoăn: Vì sao không thực hiện đồng nhất mà lúc mang được lúc không? Trong giai đoạn gel rửa tay là vật bất ly thân với nhiều người, vì sao sân bay không thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng hướng dẫn tình huống này? Vì sao cả thế giới, cả đất nước vào cuộc chiến sinh tồn với Covid-19, mà Nội Bài lại có một động thái dường như “đi ngược” đến thế? Nội Bài cấm mang gel rửa tay khô dựa trên căn cứ khoa học nào? Chính vì vậy tôi đã nán lại định hỏi cho ra lẽ” - nam hành khách cho biết.
Sau đó, nhân viên an ninh hướng dẫn ông “nên mua loại gel rửa tay khô nào đốt không cháy mà dùng”. Khách phản biện: “Có loại gel rửa tay khô nào không có cồn đâu mà đốt không cháy? Anh có thể tư vấn cho tôi loại gel không cháy đó hay không?”. Đến lúc này nhân viên an ninh nói khách “tự đi mà tìm hiểu”.
Dường như để “thanh minh”, sau đó nhân viên an ninh đổ gel rửa tay của vị khách ra rồi châm lửa đốt lên được một ngọn lửa kiểu ri rỉ âm ỉ, dù khách không yêu cầu. Nhân viên an ninh tiếp tục “lên lớp” khách cách phòng Covid-19 “bằng nhiều biện pháp khác như đeo găng tay, mặc áo dài tay...”.
“Tôi đề nghị nhân viên an ninh Nội Bài lập biên bản về việc cấm khách mang theo gel rửa tay khô nhưng lực lượng này nhất quyết không chịu lập. Tôi đành bỏ lại chai gel rửa tay khô để được đi qua cửa an ninh vì sợ trễ bay”, thế nhưng bất ngờ về sân bay Nội Bài chưa hết với vị khách này.
Đi vào phòng chờ, vị khách này gặp một người bạn khác cũng bay cùng chuyến. Bất ngờ ở chỗ người bạn mang theo tới ba chai nước rửa tay loại loãng hơn, nên khả năng hàm lượng cồn lớn hơn, nhưng nhân viên an ninh lại cho qua. “Như vậy chứng tỏ lực lượng an ninh sân bay Nội Bài làm việc theo kiểu rất “ngẫu hứng””, nam hành khách nói.
Một khách khác cùng chuyến bay VN285 lại được mang tới tận 3 chai gel rửa tay |
Vẫn lời vị khách: “Nhân viên an ninh có lý khi nói gel rửa tay nếu đốt sẽ cháy. Nhưng trong khi toàn quốc đang xem việc chống dịch như chống giặc, Nhà nước khuyên người dân dùng gel rửa tay khô nếu không thể rửa bằng nước. Nên nếu có quy định cấm đem gel rửa tay khô lên máy bay, thì quy định này cần phải xem lại. Còn nếu không thể xem lại quy định này do gel rửa tay tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp an toàn bay thì cần thực hiện đồng loạt quy định, chứ không phải cấm người này nhưng lại cho qua với người khác”.
Sau khi nhận được phản ánh của hành khách, hôm qua (10/3), PLVN đã liên hệ với sân bay Nội Bài. Tuy nhiên một lãnh đạo Văn phòng Cảng hàng không Nội Bài trả lời rất chung chung, kiểu: “Cụ thể được mang theo gel hay không phải tùy thuộc vào loại chai khách mang theo, dung tích bao nhiêu, loại cồn nào, số lượng bao nhiêu?”. Vẫn lời vị này: “Nếu là gel rửa tay thông thường có dung tích 5-10ml thì là chuyện thông thường”, dù thực tế tìm đỏ mắt ở thị trường có chai gel rửa tay nào chỉ có dung tích vài giọt như vị này nói.
Vẫn lời cán bộ này: “An ninh sân bay khi quyết định không cho mang theo thì nghĩa là không cho mang lên tàu bay chứ không phải tịch thu”, “Hành khách có thể gửi người nhà mang về, hoặc ký gửi lại ở sân bay để lấy khi quay lại”.
PV cũng liên hệ với ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) để hỏi về vấn đề này, nhưng không thể kết nối điện thoại. BCĐ Quốc gia phòng chống dịch và Bộ Y tế nói gì về câu chuyện này, PLVN sẽ phản ánh ở các số báo sau.