Năm 2017 được ngành LĐTB&XH xác định là năm “Đền ơn đáp nghĩa” và việc ngăn chặn trục lợi chính sách NCC sẽ phải là một trong những việc cần làm cấp bách.
NCC - không thể 70 năm vẫn còn nhức nhối
Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 8,8 triệu NCC, trong đó có trên 1,4 triệu NCC được hưởng các chế độ trợ cấp thường xuyên và vẫn còn rất nhiều trường hợp đang chưa được công nhận bởi nhiều lý do, chủ yếu là thiếu giấy tờ để chứng minh do tư liệu, nhân chứng lịch sử không đầy đủ hoặc không còn như đại diện các Sở LĐTB&XH đã nêu ra tại Hội nghị chuyên đề về giải quyết hồ sơ NCC tồn đọng được Bộ LĐTB&XH tổ chức tháng 2/2017.
Đặc biệt, tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016, phương hướng, mục tiêu năm 2017 do Bộ LĐTB&XH tổ chức, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu ngành LĐTB&XH tập trung hỗ trợ xây dựng nhà cho NCC dứt điểm trong năm. Đặc biệt, “Giải quyết các trường hợp tồn đọng trong thực hiện chính sách NCC, không thể 70 năm vẫn còn nhiều vấn đề nhức nhối. Đó không còn là chế độ về kinh tế mà là vấn đề danh dự của cá nhân, gia đình, thậm chí là của cả dòng họ, làng xóm” – Phó Thủ tướng nói.
Báo cáo kết quả thực hiện thí điểm việc xem xét, giải quyết hồ sơ tồn đọng đối với liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh tại 5 tỉnh, TP Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Long An và Đà Nẵng, ông Huỳnh Văn Tí, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, chuyên gia cao cấp của Bộ, Tổ trưởng Tổ công tác xác nhận hồ sơ NCC tồn đọng T.Ư cho biết, đến cuối tháng 11/2016, nhìn chung các tỉnh, TP được chọn làm thí điểm về cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ. Đã có 86 trường hợp gồm 75 hồ sơ liệt sỹ (cả chống Pháp và chống Mỹ) và 11 hồ sơ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh được đề xuất Thủ tướng phê duyệt.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, “Năm 2017 sẽ giải quyết cơ bản các hồ sơ tồn đọng của NCC vì việc xem xét, xác nhận hồ sơ NCC với cách mạng mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, đó không chỉ là việc thực hiện đúng chính sách của Đảng, Nhà nước, mà còn giải tỏa, mang lại danh dự cho cả một dòng họ, khi người thân của liệt sỹ đã chờ đợi quá lâu...”.
Làm giả hồ sơ “ăn” tiền chính sách
Trong khi rất nhiều người NCC thực sự rất khó khăn để được hưởng chính sách của Nhà nước thì tình trạng làm hồ sơ giả của NCC để trục lợi chính sách xảy ra trên nhiều tỉnh, thành của cả nước. Kết quả thanh tra, rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC cho thấy, để có những bộ hồ sơ NCC giả, bắt đầu từ người khai không trung thực được “hợp thức hóa” bằng xác nhận của chính quyền địa phương, bằng những huân, huy chương “đi mượn”, giấy chứng nhận thương tật được “chạy mà có”, hồ sơ “nhập nhằng” về giấy tờ gốc…
Theo Thanh tra Bộ LĐTB&XH, nhiều hồ sơ được lập nhờ giả mạo người làm chứng; tẩy sửa, ghi thêm nội dung vào giấy tờ gốc; tự chế ra con dấu giả đóng vào hồ sơ… “Công phu” hơn, nhiều trường hợp làm giả giấy tờ, con dấu, giả chữ ký của địa phương này rồi mang đến địa phương kia gửi vào đó để xin hưởng chính sách nên không có trong danh sách hồ sơ lưu. Tỷ lệ hồ sơ NCC có sai sót hoặc tẩy xóa, sửa chữa, viết lại nội dung, có thời điểm được xác định lên đến hơn 20%.
Mới đây, qua rà soát việc giải quyết hồ sơ NCC tồn đọng đang được Bộ LĐTB&XH tiến hành, Tổ công tác cho biết, việc xác lập hồ sơ ở các địa phương nói chung vẫn còn có trường hợp chưa thật chặt chẽ, cơ sở chưa thật vững chắc, thiếu chuẩn xác, chất lượng hồ sơ chưa bảo đảm, vẫn còn biểu hiện tập trung nhiều vào thủ tục hành chính, chưa coi trọng đúng mức đến việc đánh giá các yếu tố thể hiện trong hồ sơ.
Từ thực tế thanh tra hồ sơ NCC, nguyên nhân dẫn đến “sự ra đời” của hàng loạt hồ sơ NCC giả một phần do việc Pháp lệnh ưu đãi NCC “nới lỏng” cánh cửa với những trường hợp không còn giấy tờ gốc, và chỉ cần giấy xác nhận của hai người làm chứng là đủ điều kiện xét chế độ, nhiều đối tượng đã lợi dụng để nghiễm nhiên hưởng chính sách NCC khi không phải đối tượng.
Ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục NCC, Bộ LĐTB&XH thừa nhận: “Vấn đề kéo dài suốt mấy chục năm qua. Trước đây, những hồ sơ không đủ điều kiện đã bị chúng tôi loại ra. Khi chính sách nới lỏng, đối tượng vứt giấy tờ cũ đi, rồi đến tìm cán bộ địa phương trình bày: Chúng tôi mất hết giấy tờ rồi, giải quyết cho chúng tôi. Cán bộ địa phương còn trẻ, không nắm rõ được lai lịch của họ thì chỉ biết làm theo quy định”.
Hậu quả của sự giả dối này không chỉ nằm ở khoản tiền trợ cấp đã phải chi sai đối tượng (lên đến hàng nghìn tỷ đồng), các chính sách ưu đãi, hỗ trợ (như cộng điểm thi đại học, cho vay vốn sản xuất ưu đãi…) đã thực hiện rất khó thu hồi, mà còn làm mất đi sự công bằng xã hội, khiến những người/thân nhân NCC thực sự, người dân cảm thấy bất bình, giảm niềm tin vào những chính sách tri ân NCC đầy nhân văn của Đảng và Nhà nước.
Theo các chuyên gia, để ngăn chặn tình trạng trục lợi chính sách, đòi hỏi sự trung thực rất lớn từ những người tham gia quá trình xây dựng hồ sơ NCC để bịt kín những kẽ hở mà những kẻ trục lợi có thể lợi dụng. Cùng với đó, ngành LĐTB&XH cần tăng cường hơn nữa năng lực và hoạt động thanh tra công tác NCC để kịp thời phát hiện, ngăn chặn ngay những hành vi trục lợi chính sách từ lúc manh nha. Thực tế cho thấy, rất nhiều trường hợp NCC giả đã được phát hiện qua công tác thanh tra và từ các đơn thư tố cáo.
Và trên hết, các chuyên gia kiến nghị, những chính sách NCC cần liên tục được cập nhật, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo đúng và đầy đủ đối tượng, tránh trường hợp bỏ sót đối tượng được hưởng trong khi “mở cửa” cho những kẻ “đội lốt” NCC trục lợi chính sách mang tính chính trị - xã hội sâu sắc này.