Nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng cao
Như thành thông lệ, dịp cuối năm là thời điểm nhu cầu mua sắm, chi tiêu tăng cao, nếu không có những biện pháp kiểm tra, rà soát về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm là rất lớn.
Tại Hà Nội, sáng 8/1/2021, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội phối hợp với các lực lượng chức năng đã kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh thực phẩm tại địa chỉ N02, LK 54 khu Cổng Đồng, phường La Khê, quận Hà Đông, do bà Đỗ Thị Nụ làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn liên ngành đã phát hiện nhiều sai phạm trong kinh doanh của cơ sở.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đang hoạt động kinh doanh các sản phẩm bao gói sẵn như: thịt sấy khô, thịt gà sấy khô, hành khô, hạt điều khô, bánh tráng, đậu Hà Lan sấy, xúc xích các loại, ruốc, chà bông... Khi thấy Đoàn kiểm tra tới, chủ cơ sở lập tức đóng cửa cố thủ trong nhà không hợp tác làm việc. Phải mất gần một ngày Đoàn kiểm tra chốt trực và mời chính quyền địa phương tới phối hợp làm việc, chủ cơ sở mới chịu hợp tác kiểm tra.
Qua kiểm tra, cơ sở có hoạt động kinh doanh hàng hóa thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng không có giấy phép kinh doanh theo quy định. Bên cạnh đó, qua quá trình kiểm tra hàng hóa, Đoàn kiểm tra phát hiện 847 kg sản phẩm các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có tem nhãn, thông tin sản phẩm theo quy định.
Đây đều là những sản phẩm chủ lực phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Sau khi kiểm tra và lập biên bản, Đoàn kiểm tra đã tiến hành niêm phong toàn bộ 847 kg hàng hóa. Đồng thời ra quyết định xử phạt hành chính 37,5 triệu đồng.
Mới đây, chiều 10/1/2021, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Phước phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bình Phước tiến hành kiểm tra một xe ô tô tải cũng phát hiện trên xe chở 1.920 kg thịt gia cầm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, đã bốc mùi ôi thiu. Tiếp tục điều tra, lực lượng chức năng phát hiện thêm kho hàng đông lạnh tại Công ty TNHH Kỹ nghệ Lưu Nguyễn tại phường Sơn Giang, thị xã Phước Long.
Tại thời điểm kiểm tra, kho hàng có chứa 14.420 kg thịt gia cầm đông lạnh trong các container, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Bình Phước đã lập biên bản xử lý theo quy định, đồng thời tiến hành làm thủ tục tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa nói trên. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Tăng cường kiểm tra giám sát
Để đảm bảo công tác ATVSTP nhất là dịp Tết Nguyên Đán sắp tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo triển khai sớm các biện pháp bảo đảm ATTP.
Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về ATTP cũng vừa ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa lễ hội Xuân 2021. Công tác bảo đảm ATTP được triển khai trên phạm vi cả nước từ ngày 1-20/3/2021.
Ngoài việc tăng cường thanh, kiểm tra và các biện pháp giám sát thực phẩm của cơ quan nhà nước, theo các chuyên gia, mỗi cá nhân người tiêu dùng hãy luôn là người tiêu dùng thông minh, cần phải tăng cường cập nhật kiến thức về ATTP; lựa chọn mua sản phẩm của các cơ sở kinh doanh cố định, có địa chỉ rõ ràng, được phép kinh doanh, được phép cấp giấy phép chứng nhận đủ điều kiện ATTP.
Đối với những thực phẩm đóng gói cần có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác đầy đủ rõ ràng trên sản phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh, thông tin về chất lượng, hướng dẫn bảo quản sử dụng, hạn sử dụng trên nhãn.
Đối với các thực phẩm tươi sống, ngoài việc chọn sản phẩm rõ nguồn gốc, trong quá trình chế biến thực hiện phải nấu chín thực phẩm để tránh ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt, không tham giá rẻ, mua các sản phẩm không rõ ràng, không đăng ký công bố chất lượng sản phẩm để đảm bảo sức khỏe cho mình và người thân.
Nếu người tiêu dùng sau khi ăn có dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu điều trị kịp thời và báo cơ quan chức năng, địa phương về sản phẩm thực phẩm không an toàn để kiểm tra, xử lý theo quy định.
Theo thông tin từ Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm, trong năm 2020, công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm đã được các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo và triển khai thực hiện phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch bệnh, cơ bản kiểm soát và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm.
Cụ thể đã hậu kiểm 469.083 cơ sở, đã xử lý 27.631 cơ sở, tổng số tiền phạt 138.23 tỷ; giá trị tang vật thu giữ trên 28,5 tỷ đồng; đình chỉ lưu hành 559 loại thực phẩm của 49 cơ sở; số cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm: 1.894 cơ sở; tiêu hủy 5.689 loại thực phẩm do không đảm bảo chất lượng ATTP (thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng...), hàng hóa vi phạm bị tạm giữ trên 87 tấn (bao gồm các sản phẩm: bia, rượu, bánh kẹo, rau, củ quả, trứng gia cầm, thủy, hải sản, thịt lợn...); chuyển cơ quan điều tra 09 vụ việc có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng giả, sử dụng giấy tờ giả; khởi tố 07 vụ, 08 bị can về tội “Vi phạm các quy định về ATTP” theo Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).