Nỗi lo bong bóng lan đột biến từ “vết xe đổ” hoa Tuylip

- Ngọc Sơn Cước và hàng loạt những cây lan đột biến có giá từ chục tỷ đến vài trăm tỷ khiến thị trường gần đây trở nên sôi động. Nhưng có lẽ nhiều người đã quên mất “vết xe đổ” từ một loài hoa: Hoa Tulip
Nỗi lo bong bóng lan đột biến từ “vết xe đổ” hoa Tuylip

Hội chứng hoa Tulip xảy ra vào đầu thế kỷ XVII. Thời điểm đó, hoa tulip mới được nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ nhưng đã trở thành một hiện tượng vô cùng lạ thường tại Hà Lan.

Conrad Gesner, người tự nhận mình là công dân châu Âu đầu tiên đã thấy cành hoa tulip đầu tiên vào năm 1559 tại một vườn hoa tại Augsburg. Người này sau đó đã giới thiệu tuylip đến giới nhà giàu ở Hà Lan. Nhưng chính ông cũng chưa bao giờ nghĩ rằng loài hoa này sẽ trở thành hiện tượng làm khuynh đảo cả bầu trời Âu châu chỉ trong thời gian ngắn.

Còn ở Việt Nam, lan vốn là thú chơi du nhập. Xưa nay, người ta vẫn nói “Vua chơi lan, quan chơi trà” bởi lan là loài vương giả chi hoa - vua của các loài hoa. Vương giả nên đó là thú chơi xa xỉ của vua chúa ngày xưa. Còn dần về sau này, lan cũng chỉ là thú chơi bình dân, nghiêng nhiều về sở thích và đam mê. Thế nhưng những ngày gần đây, thú chơi lan bắt đầu sốt sình sịch trở lại với những cuộc giao dịch lan đột biến lên tới cả vài trăm tỷ. Có nhiều đồn đoán, lý giải về cơn sốt này.

Đa chiều - Nỗi lo bong bóng lan đột biến từ “vết xe đổ” hoa Tuylip

Hoa lan đột biến.

Trở lại Hà Lan những năm đầu thế kỷ XVII, nhà thơ Cowley ví von hoa tulip “Chẳng khác gì vàng bạc và lụa là, chỉ đôi mắt của những kẻ sang trọng nhất mới thực sự xứng đáng để ngắm nhìn vẻ đẹp đó”. Tầng lớp thương nhân trung lưu Hà Lan ráo riết chạy theo cơn sốt hoa tulip.

Lý do chính khiến hoa tulip trở thành một món hàng ai cũng khao khát sở hữu chủ yếu bởi giá thành quá cao, việc chiết ghép đối với loài hoa này gần như là không thể. Chưa kể, quá trình trồng củ tulip đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật cũng như sự chăm sóc đặc biệt.

Nhưng thứ khiến nó trở nên có giá trị gấp cả ngàn lần chính là “virus” hoa tulip. Virus hoa tulip khiến những bông hoa xinh đẹp bị "vỡ". Nét điểm xuyết với những dải màu kéo dài dọc theo bông hoa, trên nền trắng của cánh hoa làm cho tulip thêm phần rực rỡ.

Được biết, Semper Augustus là dòng hoa "vỡ” được săn lùng nhiều nhất ở thời điểm đó. Một cành Semper Augustus được bán với giá 5.500 florins, tương đương 540.000 USD (khoảng 12 tỷ đồng) theo thời giá ngày nay.

Khi ấy, người ta đua nhau trồng hoa tulip và nuôi hy vọng bông hoa sẽ “vỡ”. Nhưng họ lại không biết thứ gì có thể khiến một bông tulip bị “vỡ”, bèn nghĩ ra những cách quái dị như trộn phân chim bồ câu vào phân bón, trộn vữa tróc ra từ tường cũ, rắc lên đất trồng những thứ chất nhuộm tự chế với niềm tin, nó thể khiến bông hoa tulip “vỡ”.

Còn hoa lan ở Việt Nam trước khi trở thành “nữ hoàng” thì đơn thuần chỉ là một “cô gái đẹp”. Trong tự nhiên, lan là loài cây có thể sống trong sự khắc nghiệt của thời tiết nên mang trong mình sức sống mãnh liệt. Kể cả khi gần gũi hơn với thế giới loài người, loài hoa này cũng không cầu kỳ trong chăm sóc.

Rồi một ngày, cái tên lan đột biến bỗng sốt giá đùng đùng ở Việt Nam, chẳng khác gì loài hoa tulip ở Hà Lan vào thế kỷ XVII. Người ta bán lan đột biến theo kie (1 kie bằng 1cm), lấy thước đo chiều dài của cây lan mà tính tiền. Có giao dịch, 1 kie lan giá lên đến 15 tỷ đồng.

Nếu như giá trị hoa tulip nhờ vào “virus” thì giá trị của cây lan nằm ở sự “đột biến”. Theo những người sành chơi lan, những giò lan rừng đột biến gen có mặt hoa, hình dáng độc, lạ. Những màu đắt đỏ nhất là 5 ct (năm cánh trắng) với mắt hồng, đỏ, tím...; hoặc màu hồng cả bông, tím cả bông... Đặc biệt, độ tương phản giữa màu hoa và mắt hoa càng lớn thì cây lan đột biến càng có giá trị. Ngoài ra thân, lá hoa của lan đột biến cũng có đặc điểm riêng mà chỉ người có kinh nghiệm trồng lan, chơi lan nhiều năm mới đúc rút ra được.

Đa chiều - Nỗi lo bong bóng lan đột biến từ “vết xe đổ” hoa Tuylip (Hình 2).

Trở lại với Ngọc Sơn Cước 250 tỷ đồng làm mưa làm gió thời gian gần đây, chủ sở hữu tiết lộ, thân thế của nó ban đầu cũng hết sức đơn sơ, giản dị - một cây lan rừng ven đường. Khi mua về trồng, chăm sóc, chủ nhân mới phát hiện ra nó là loài lan đột biến quý. Thậm chí nghe đâu còn có thông tin, Ngọc Sơn Cước trong quá trình ươm trồng còn bị ong châm, tưởng hỏng, ai ngờ trở thành cây quý với giá trị cao như hiện tại.

Sự may rủi cũng như độ khan hiếm đã đẩy giá lan đột biến lên cao vút? Hay một số người nhận thấy tiềm năng hiếm có ở thị trường lan đột biến mà đẩy giá bằng nhiều cuộc giao dịch “khủng” không rõ thực hư?

Hoa tulip ở Hà Lan sau cơn sốt nghiễm nhiên trở thành một kênh “cổ phiếu” được đầu cơ điên cuồng. 1 củ hoa có thể đổi được 1 cỗ xe kéo, hàng chục tấn lúa mạch, hàng trăm cân phomat hay 5 hecta đất. Thậm chí có những thời điểm một số củ tulip hiếm nhất được bán với giá tương đương 100.000 USD và có thể tăng gấp đôi mức giá chỉ trong 1 tuần.

Thế nhưng, tháng 2/1637, thị trường bỗng nhiên đổ sập. Giá của hoa tulip rơi thẳng đứng chỉ còn 1% giá trị. Nhiều người mất sạch tài sản.

Diễn tiến của hoa lan đột biến ở Việt Nam chưa dám nói là trùng khớp 100% với hoa tulip ở Hà Lan nhưng dường như đang chạy song song với quỹ đạo của nó. Ở thời điểm hiện tại, có lẽ, lan đột biến cũng đang manh nha ở giai đoạn đầu cơ, thổi giá. Nếu không nhạy bén, biết đâu một ngày, bong bóng hoa lan vỡ… nỗi đau sẽ của những kẻ đi sau…

Đọc thêm