Trước những tồn tại này, tỉnh Quảng Ngãi vừa tiến hành cho tổ chức phản biện xã hội. Tại đây, cơ sở pháp lý, khoa học, thực tiễn, đặc biệt, tính hợp lý và khả thi đối với việc xả nước thải… một lần nữa được mang ra “mổ xẻ” cho thấy tính bất cập của dự án.
Nhập máy cũ về lắp ráp
Dự án Nhà máy Bột - giấy VNT19 do Cty CP Bột giấy VNT19 làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp chứng nhận đầu tư vào ngày 31/3/2011, công suất 250.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm, diện tích đất xây dựng gần 69ha tại thôn Giao Thủy, xã Bình Thới, huyện Bình Sơn. Sau đó, dự án được chuyển đến địa điểm mới là thôn Phú Long, xã Bình Phước, cùng huyện.
Qua 3 lần điều chỉnh, hiện dự án được nâng công suất giai đoạn 1 là 350.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm, diện tích đất sử dụng (giai đoạn 1) là 117ha, tổng vốn đầu tư gần 9.900 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm. Dự kiến đến quý IV/2019, Nhà máy giấy VNT-19 sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động (dự án khởi công vào quý II/2015).
Dự án được Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường vào ngày 7/9/2015 (Quyết định 2270/QĐ-BTNMT). Theo đó, nước thải sau khi được xử lý của Nhà máy giấy đạt tiêu chuẩn QCVN 12-MT: 2015/BTNMT; điểm xả thải cách bờ biển vịnh Việt Thanh từ 500-1.500m.
Ngày 3/3/2011, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư trong quá trình thiết kế và xây dựng Nhà máy phải xây dựng một hồ chứa trên bờ để nuôi cá bằng nước thải, nhằm kiểm nghiệm tiêu chuẩn nước thải trước khi xả ra biển. Tuy nhiên, trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt, Bộ TN&MT không đề cập đến vấn đề này.
Ngoài ra, các số liệu thông tin trong báo cáo ĐTM về khu vực xả thải (số liệu về địa hình, hệ sinh thái, chế độ thủy hải văn, các đối tượng bị tác động…) được chủ dự án điều tra, đánh giá sơ sài; chưa đánh giá sức chịu tải và khả năng tiếp nhận của nguồn tiếp nhận.
Trong báo cáo cũng chưa xây dựng các mô hình để tính toán mức độ lan truyền của dòng nước thải, các kịch bản khi sự cố nước thải vượt quy chuẩn xả thải ra ngoài môi trường… Từ đó, cho thấy chưa đảm bảo cơ sở khoa học để đánh giá mức độ tác động việc xả thải của Nhà máy đến môi trường xung quanh.
Trong quá trình triển khai, Dự án Nhà máy Bột - giấy VNT19 được phát hiện đã nhập máy móc cũ từ một nhà máy ở châu Âu về lắp ráp. Ngoài ra, dự án còn có dự định xả thải ra vịnh Việt Thanh, một vịnh đẹp về du lịch của Quảng Ngãi. Thời điểm này, dự án còn tính phá bỏ 50ha rừng dừa nước ở xã Bình Phước để làm hồ cung cấp nước, trong khi đây là một phần “lá phổi xanh” của Khu Kinh tế Dung Quất. Không những vậy, trong quá trình xây dựng, dự án đã san lấp nhiều hoa màu, đất đai của người dân…
Sau khi xem xét phê duyệt đánh giá tác động môi trường của Bộ TN&MT, ngày 3/4/2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi có Văn bản 1810/UBND-CNXD gửi Bộ TN&MT với nội dung: “Việc chủ dự án đặt ống xả ngầm dước mặt nước biển Việt Thanh để dẫn ra xả (cách bờ 500-1.500m) có đúng quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam hay không?”. Đến ngày 25/6/2018, UBND tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục có Văn bản số 3685 gửi Bộ TN&MT về dự án Nhà máy Bột - giấy VNT19, đề nghị làm rõ vấn đề đã nêu.
Ô nhiễm môi trường biển cần được kiểm soát
Mặc dù Nhà máy Bột - giấy VNT19 chưa chính thức đi vào hoạt động, chưa có hoạt động xả thải, nhưng qua sự cố môi trường tại một dự án lớn ở miền Trung, chính quyền địa phương, người dân và cử tri huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi hết sức quan tâm, lo ngại về vấn đề xả thải của Nhà máy sẽ ảnh hưởng, tác động đến môi trường và đời sống sinh hoạt của người dân như thế nào; phạm vi, mức độ ảnh hưởng khi Nhà máy để xảy ra sự cố môi trường, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị khi để xảy ra sự cố...
Để có cơ sở trả lời cho chính quyền địa phương, người dân và cử tri, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ TN&MT có ý kiến về các nội dung nêu trên; xem xét, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cần thiết rà soát, đánh giá lại một số nội dung trong báo cáo ĐTM, để đảm bảo việc vận hành hoạt động của Nhà máy không gây ảnh hưởng, tác động xấu đến môi trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cũng có ý kiến đồng ý cho Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh này chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan triển khai thực hiện việc tư vấn, phản biện và giám định xã hội dự án Nhà máy Bột - giấy VNT19.
Ngày 6/4 vừa qua, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với UBND huyện Bình Sơn tổ chức tư vấn, phản biện hệ thống xử lý nước thải, tuyến đường ống xả thải của dự án Nhà máy bột giấy VNT-19, nhằm làm rõ cơ sở pháp lý, khoa học, thực tiễn, tính hợp lý và khả thi với việc xả nước thải của dự án.
Tại buổi tư vấn, phản biện, giảng viên Trường Đại học xây dựng Hà Nội; Tổng Thư ký Hội đánh giá tác động môi trường Việt Nam Trần Đông Phong nêu vấn đề, BQL dự án cần quan tâm chất lượng nước thải khi chính thức xả vào vịnh Việt Thanh, việc này phải được người dân giám sát để người dân yên tâm. Ngoài ra, hồ sơ thiết kế xả thải của Nhà máy 50.000m3/ngày đêm, tuy nhiên dung tích chứa của hồ sinh học chỉ có 25.000m3/ngày đêm. Như vậy sẽ xảy ra hiện tượng nước xả sau xử lý sẽ luôn chảy tràn. Trong khi bình thường nước thải sẽ được tích trong hồ ổn định và cá nuôi kiểm chứng trong đó không bị ảnh hưởng. Do đó, cần kiểm tra lại để đảm bảo việc xả thải đảm bảo 50.000m3/ngày đêm như thiết kế.
|
Người dân nêu ý kiến tại buổi phản biện. |
Đại diện các xã bị ảnh hưởng bởi dự án bày tỏ, khu vực xả thải tương ứng với vùng đánh bắt hải sản ven bờ của người dân làng chài. Người dân có được giám sát việc xả thải hay không, nguồn nước xả thải ra biển có đảm bảo như nguồn nước được giám sát ở trên bờ hay không; nếu xảy ra sự cố về môi trường, ai là người chịu trách nhiệm? Hồ sinh học chứa 25.000m3 chưa đủ lớn để lưu nước; đường ống xả thải liệu có gây vướng làm mất ngư cụ của người dân? Cần đặt hồ sinh học, hồ kiểm chứng và hệ thống quan trắc thuận tiện nhất cho tổ giám sát cộng đồng và người dân có thể giám sát bất cứ lúc nào...
Ông Nguyễn Văn Hai, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Bình Hải cho rằng “đây là chất thải độc” và đề nghị quy trình vận hành xử lý nước thải có hồ nuôi cá kiểm chứng và người dân được liên tục giám sát. “Tôi không rõ thông số kỹ thuật, nhưng tôi xin hỏi màu nước thải ra có làm đổi màu nước ven bờ hay không?”, ông Hai nêu vấn đề.
Ông Đỗ Thiết Khiêm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bình Sơn, đại diện chính quyền địa phương nhấn mạnh, cử tri các xã, đặc biệt xã Bình Trị (nơi có tuyến ống xả thải và điểm xả thải) có nhiều ý kiến về việc này và “chúng tôi nhận thấy ý kiến của cử tri rất xác đáng”. Chính vì vậy mà Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đặc biệt quan tâm, theo dõi để có chỉ đạo kịp thời. “Lãnh đạo huyện cơ bản thống nhất với phương án xả thải nhưng cần phải được kiểm soát, quản lý môi trường chặt chẽ, hệ thống thiết bị cần phải mới 100% như cam kết. Đề nghị Nhà máy cần phải tiếp thu, bổ sung theo ý kiến tư vấn phản biện tại Hội thảo này trước khi lấy ý kiến cộng đồng dân cư lần cuối. Đồng thời, các đơn vị thuộc huyện cần phải công khai thông tin liên quan dự án cho người dân nắm bắt”, ông Khiêm ý kiến.
|
Khu xử lý nước thải đang thành hình. |
Tương tự, ông Lê Văn Dũng, Phó Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho rằng, bảng mô tả thiết bị máy móc của Nhà máy Bột - giấy VNT19 không nêu cụ thể thiết bị có mới 100% hay không. Chỉ với một hồ chứa nước thải, khi xảy ra sự cố liệu có đảm bảo? Và tại sao đổi tuyến xả thải từ sông Trà Bồng (ban đầu) chuyển sang xả thẳng ra biển tại vịnh Việt Thanh? “Phải kiểm soát máy móc xử lý nước thải đúng như cam kết, thuê chuyên gia vận hành trong giai đoạn vận hành ban đầu. Cuộc phản biện hôm nay là sự quan tâm của người dân đối với vấn đề xử lý nước thải đảm bảo lợi ích của người dân, Nhà nước, DN”, ông Dũng nói.