“Nông dân mất mùa bị cán bộ xã ăn chặn tiền hỗ trợ”: Lập hồ sơ khống, “ngã giá” ăn chia với dân

(PLO) - Đi sâu vào tìm hiểu vụ việc hàng trăm hộ nông dân tại xã Thanh Sơn (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) bị mất mùa thuộc diện được hỗ trợ tiền khôi phục sản xuất đã bị cán bộ xã Thanh Sơn “ăn chặn”, “xà xẻo” hàng trăm triệu đồng bằng nhiều thủ đoạn mới thấy hết nỗi thống khổ của người nông dân. Điển hình, có hộ được hỗ trợ 17 triệu đồng nhưng thực nhận chỉ 1,7 triệu đồng.
Ông  Nguyễn Vũ Hùng (62 tuổi – tổ 3, ấp 6) bị xã  “ăn gian” cả diện tích đất lẫn tiền hỗ trợ.
Ông Nguyễn Vũ Hùng (62 tuổi – tổ 3, ấp 6) bị xã “ăn gian” cả diện tích đất lẫn tiền hỗ trợ.

Kê khống diện tích, “ém” tiền trả dân

Theo thông tin chúng tôi có được, công tác xác nhận hồ sơ địa chính để làm căn cứ hỗ trợ có nhiều bất thường, có dấu hiệu kê khống số lượng đất không thuộc diện hỗ trợ để nhận tiền. Không thiếu các trường hợp đất của hộ gia đình không nằm trong quy hoạch, không nằm trong khu vực bàn giao cho xã quản lý như: đất thuộc quyền quản lý sử dụng của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp La Ngà, đất thuộc lòng hồ thủy điện Trị An nằm dưới cốt 62 (do Ban Quản lý lòng hồ Trị An quản lý) nhưng vẫn được xác nhận diện tích, đo đếm thiệt hại và cuối cùng có tên trong danh sách đề nghị hỗ trợ. Cụ thể, hiện có 22 hộ dân bị phát hiện có đất ngoài khu vực được hỗ trợ với tổng diện tích hơn 31ha vẫn được đưa vào danh sách nhận tiền. Một phần trong số 22 hộ trên đã ký nhận tiền. 

Nhẩm tính, nếu vụ việc 22 hộ dân này không được làm rõ, ngân sách sẽ mất không dưới 60 triệu đồng. Đồng thời, số tiền trên nhiều khả năng rơi vào túi một vài đối tượng là cán bộ có quyền cấp phát tiền, bởi lẽ, theo những gì chúng tôi thu thập, không ít cán bộ cấp phát đã “thuận tay” ký nhận tiền thay cho nhiều hộ dân. 

Trong tổng số tiền hỗ trợ được UBND huyện Định Quán phê duyệt gần 7 tỷ đồng, đến nay, theo thông tin chúng tôi có được, hiện đang còn ít nhất 54 hộ dân có trong danh sách được hỗ trợ nhưng không hiểu lý do tại sao chưa nhận được tiền? Số tiền “chậm giao” cũng không hề ít, hơn 125 triệu đồng. Trao đổi với một số hộ dân được biết, họ chưa hề nhận được thông báo lên nhận  tiền  hỗ trợ. Trong số này có không ít hộ được hỗ trợ lên đến cả chục triệu đồng.

Điều bất hợp lý được người dân nêu ra ở chỗ, đa phần các hộ nhận tiền hỗ trợ từ cuối năm 2017, một số ít nhận vào đầu năm 2018 nhưng tại sao các hộ trên không hề được thông tin, thông báo. Một nghi vấn được người dân đặt ra, tại sao UBND xã Thanh Sơn lại “ỉm” số tiền của 54 hộ trên hơn nửa năm qua? Người dân không loại trừ, chính 54 hộ dân là đối tượng thụ hưởng từ chính sách hỗ trợ thiệt hại nêu trên đã bị người có quyền cấp phát cố ý “quên” hoặc gạt ra khỏi danh sách?

Lập khống hồ sơ để ăn chia?

Trong số báo trước, chúng tôi đã thông tin 46 hộ dân bị một số cán bộ xã “ăn chặn” tiền hỗ trợ gần 32 triệu đồng. Hộ ít, bị xén 200.000 đồng, hộ nhiều lên đến vài triệu đồng. Không ít hộ, tiền bị cán bộ xã “ăn chặn” nhiều hơn số thực lãnh, như: hộ bà Nguyễn Thị Hào tổng tiền hỗ trợ được 3,2 triệu đồng nhưng bị xã “xén” mất 2 triệu đồng, hộ ông Lê Văn Trọng tổng tiền hỗ trợ được 4 triệu đồng nhưng bị xã “xẻo” mất 2,8 triệu đồng… Điều này cho thấy số tiền bị thất thoát, rơi vào túi riêng của lực lượng cấp phát đã chiếm hơn 15% trên tổng số tiền cấp phát. 

Tuy nhiên, theo thông tin từ một cán bộ xã Thanh Sơn, số tiền bị “ăn chặn” của 46 hộ trên còn ít so với những gì vị này biết được. Đó là 19 hộ dân, tập trung nhiều ở ấp 5, ấp 2, ấp 3, ấp 6 xã Thanh Sơn. Vì đây là những ấp có diện tích trồng điều – xoài lớn nên tuy chỉ có 19 hộ bị thiệt hại nhưng số tiền hỗ trợ lên hơn 180 triệu đồng. Tiền về đến xã, tổ cấp phát chỉ trả cho 19 hộ chưa đầy 120 triệu đồng, phần cán bộ tự ý giữ lại, “xà xẻo” hơn 62 triệu đồng.

Danh sách các hộ dân bị “xà xẻo” tiền hỗ trợ mất mùa.
Danh sách các hộ dân bị “xà xẻo” tiền hỗ trợ mất mùa.

Điển hình, có hộ bị “ăn chặn” đến gần hết số tiền được nhận như hộ bà Lê Thị Phước (ấp 5) được hỗ trợ 17 triệu đồng nhưng số tiền thực nhận chỉ 1,7 triệu đồng, còn 15,3 triệu đồng tổ cấp phát tự ý ngắt lại không cấp. Các hộ ông Điểu Lôi (5,9 triệu đồng), Vũ Văn Luận (20 triệu đồng), Nguyễn Văn Trịnh (13 triệu đồng), Trần Văn Hòa (10 triệu đồng),… đều bị tổ cấp phát cắt xén gần phân nửa và không hề có một lý do gì. Bình quân, hơn 30% tiền hỗ trợ của 19 hộ này có dấu hiệu “chui” vào túi riêng của người cấp phát.

Qua đây, dư luận đặt nghi ngờ phải chăng có dấu hiệu “ăn chia” từ một số hộ dân, ban ấp đến cán bộ xã trong quá trình kê khai diện tích đất và xác minh thiệt hại hồi năm 2017? Không loại trừ tình trạng kê khống diện tích thiệt hại để trục lợi từ tiền hỗ trợ từ ngân sách.

Thủ đoạn “xà xẻo” tiền hỗ trợ

Một trong những thủ đoạn gian dối của một số cán bộ xã Thanh Sơn phụ trách việc kê khai thiệt hại và cấp phát tiền hỗ trợ, theo thông tin chúng tôi có được là tự ý lập phiếu nội bộ chi tiền. Điều này hoàn toàn trái ngược với quy trình chi trả tiền hỗ trợ. Theo quy trình, huyện sẽ gửi xuống xã danh sách các hộ dân được hỗ trợ, trong đó thể hiện số tiền chi tiết mỗi hộ được nhận, người nhận tiền ký thẳng vào danh sách. Cấp phát xong, danh sách sẽ được chuyển về huyện lưu trữ.

Tuy nhiên, khi chúng tôi trao đổi với một số hộ dân đã nhận tiền hỗ trợ thì được họ cho biết, khi nhận tiền, cán bộ trong tổ cấp phát (xã, ấp) đưa phiếu trong đó thể hiện số tiền hộ dân được nhận nhưng lại ký vào bản danh sách của huyện gửi xuống. Vì vậy, một số hộ khi nhận tiền phát hiện ra sự chênh lệch giữa tiền trong danh sách “ký” và phiếu chi (thực nhận) đã khiếu nại với tổ cấp phát.

Một cán bộ của UBMTTQ xã Thanh Sơn xác nhận có việc tổ cấp phát tiền tự ý lập phiếu nội bộ và chi tiền theo phiếu nhưng lại yêu cầu người dân ký nhận vào danh sách có số tiền in sẵn theo phê duyệt của UBND huyện. Vị cán bộ của UBMTTQ xã cũng nghi vấn có sự gian lận tại khâu này. Ông cũng cho biết, đầu năm 2018, khi đoàn giám sát của UBMTTQ xã Thanh Sơn làm việc với các tổ cấp phát tiền, phát hiện hiện tượng hộ dân nhận tiền không ký theo số tiền thực nhận trên phiếu chi mà lại ký theo danh sách của UBND huyện phê duyệt.

Một sự thật, theo lời kể của một số hộ dân, khi đến nhận tiền, cán bộ xã, ấp trong tổ cấp phát luôn hỏi lại diện tích canh tác của từng hộ. Đồng thời cán bộ “trả giá” với người nhận tiền, mục đích làm sao “ép” hạ thấp diện tích thiệt hại của từng hộ xuống. Sau đó, cán bộ chi trả tiền trên số diện tích thực tế (luôn ít hơn danh sách mà UBND huyện lập).

Ai thắc mắc sẽ bị dọa cắt luôn tiền hỗ trợ. Trường hợp hộ ông Nguyễn Vũ Hùng (62 tuổi, ngụ tổ 3, ấp 6) là minh chứng rõ nhất: Khi kê khai, ông Hùng có 2,7 ha theo sổ nhưng cán bộ xã chỉ đồng ý thống kê 2,5ha (?!). Khiếu nại không có kết quả nên ông Hùng đồng ý. Tại lúc nhận tiền, thay vì được 5 triệu đồng (2,5ha) nhưng người phát tiền chỉ đưa ông 4 triệu đồng với lý do xã chỉ công nhận cho ông 2ha nên nhận 4 triệu là đúng. 

Người dân cho rằng, hành vi “ép” người dân tự hạ thấp diện tích thiệt hại để chi trả ít tiền đi của các tổ cấp phát tiền vừa không đúng chức năng, vừa sai nguyên tắc tài chính và có dấu hiệu cố ý làm trái các quy định pháp luật để trục lợi. Trong đơn tập thể của nông dân xã Thanh Sơn đã tố cáo nhiều cán bộ thuộc UBND xã Thanh Sơn “ăn chặn”, “xà xẻo” hàng trăm triệu đồng từ ngân sách tỉnh Đồng Nai chi hỗ trợ nông dân bị thiệt hại phục hồi sản xuất do mất mùa cây điều và cây xoài năm 2017.

Với những gì chúng tôi thu thập được, ông Nguyễn Hữu Dũng, người phụ trách tài chính– kế toán của xã Thanh Sơn bị tố cáo có dấu hiệu dùng nhiều thủ đoạn để “ăn chặn” tiền hỗ trợ của người dân nghèo. Kế đó, trách nhiệm của một số cán bộ xã Thanh Sơn có liên quan trực tiếp đến việc cấp phát tiền gồm bà Nguyễn Thị Minh (kế toán) và bà Mai Thị Hà (thủ quỹ) và một số trưởng ấp. Xa nữa, cần xem xét vai trò là người chịu trách nhiệm quản lý hành chính cao hơn.

Trên đây mới là những “phần nổi” của vụ việc, trong chương trình hỗ trợ nông dân mất mùa của UBND tỉnh Đồng Nai còn hàng loạt dấu hiệu sai phạm khác sẽ được chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc. 

Đọc thêm