NSƯT Trần Nhượng “vác tù và hàng tổng“ lúc về hưu

(PLO) -Về hưu, người ta thường rảnh rỗi hơn, nhưng với Đại tá - NSƯT Trần Nhượng thì không phải như vậy. Gánh trọng trách là người đứng đầu một trung tâm chuyên gìn giữ và phát triển di sản nghệ thuật sân khấu khiến ông bận rộn vô cùng. Nhưng với ông, công việc "vác tù và hàng tổng" cũng là sự đền đạp lại hình nghệ thuật mà cả đời ông "nặng nợ"
NSƯT Trần Nhượng “vác tù và hàng tổng“ lúc về hưu
Nhiều người bảo từ khi về hưu, hình như khó gặp NSƯT Trần Nhượng hơn thì phải. Hình như từ ngày nghỉ ở Đoàn kịch CAND ông bận rộn hơn?
(Cười) – Về hưu có khi bận gấp mười hồi còn là Đại tá Công an ấy chứ. Trước đây, là Giám đốc Đoàn kịch ngành Công an Nhân dân, được bao cấp nên chẳng phải lo lắng nhiều về vấn đề tài chính mà chỉ cố gắng làm sao hoàn thành chuyên môn.
Khi về hưu, "nặng nợ" với sân khấu quá nên tôi “ôm đồm” công việc Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật Sân khấu. Nhiệm vụ mới của tôi là bảo tồn, lưu giữ các di sản nghệ thuật sân khấu đồng thời phát triển nó. Mà sân khấu thì rất nhiều loại hình nghệ thuật như chèo, cải lương, rối nước, kịch…
NSƯT Trần Nhượng trong một vai diễn
 NSƯT Trần Nhượng trong một vai diễn
Một khối lượng công việc quá lớn, khiến tôi muốn rảnh rang cũng khó. Phải “gánh” nhiều việc cơ quan lại là đơn vị tự hạch toán, tự đi tìm nhà tài trợ để bảo tồn, phát triển nghệ thuật sân khấu nên việc lại dồn thêm việc. Bận rộn là lẽ dĩ nhiên rồi.
Nói như vậy có nghĩa là ông đang thực sự là người “vác tù và hàng tổng”?
Quả thật, nhiều khi mình cũng có suy nghĩ như thế thật. Việc đã không dễ dàng gì đã đành, tiền túi cũng phải bỏ ra không ít lần. Thậm chí đôi lần bà xã tôi còn đưa cho tôi số vàng bà tích cóp được cho tôi để dùng cho việc “vác tù và” này.  Nhưng ngẫm lại, mình phải có trách nhiệm thôi. Với lại, tình yêu dành cho nghệ thuật sân khấu nó lớn quá, về hưu rồi, không làm thì cũng không chịu được. Cả cuộc đời tôi đã gắn bó với sân khấu rồi còn gì.
Vậy có lúc nào ông nghĩ đến điểm dừng, khi một yếu tố khách quan nào đấy làm ảnh hưởng đến công việc?
Cũng khó mà nói được. Nhưng cứ làm được thì tôi sẽ tiếp tục cống hiến. Cả một kho di sản nghệ thuật sân khấu do tiền nhân để lại lớn đến như vậy, không lưu giữ bảo tồn, làm nó bị mai một thất lạc thì chúng ta còn để lại được gì cho con cháu nữa .
Là nghệ sỹ sân khấu có “số má”, nhưng hình như khán giả biết đến Trần Nhượng nhiều nhất là qua những bộ phim truyền hình?
Từ khi về hưu, NSƯT bận rộn hơn với công việc "vác tù và hàng tổng"
 Từ khi về hưu, NSƯT bận rộn hơn với công việc "vác tù và hàng tổng"
Danh hiệu NSƯT tôi có được là nhờ sân khấu. Nhưng đúng là không thể phủ nhận khán giả biết đến tôi nhiều hơn nhờ truyền hình.
Tôi cũng là người rất có duyên với truyền hình. Sau khi tham gia bộ phim truyền hình đầu tiên “Vệt sáng ngược” của Điện ảnh CAND tôi đã được nhiều đạo diễn phim truyền hình quý mến và cho cơ hội đến với lĩnh vực này.
Thậm chí đã có thời gian không ngắn, tôi còn tổ chức cả những chương trình truyền hình cùng Đài truyền hình Việt Nam, HTV, Điện ảnh Quân đội. Thời gian đó tôi lên truyền hình còn nhiều hơn lên sân khấu. Những bộ phim như: Đêm hội Long Trì, Những bông hoa nhỏ, Ai giận ai thương… khán giả bắt đầu biết đến cái tên Trần Nhượng.
Tôi cũng là người đến với VTV đầu tiên qua vai trò của người lồng tiếng cho các bộ phim nước ngoài như: Ô sin, Cô chủ nhỏ, Quyền được yêu…
Nói về truyền hình, nó chiếm một phần không nhỏ trong con đường nghệ thuật của tôi.
Ai gặp ông cũng bảo ông rất hiền lành, mực thước. Nhưng khi vào nghề, ông lại diễn rất nhiều vai diễn phản diện, thậm chí là cả những vai ông trùm ma túy đầy mưu mẹo lọc lừa. Tại sao lại có sự “lột xác” ấy?
(Cười) – Có lẽ mỗi lần diễn, tôi coi đó là một sự thể nghiệm của người nghệ sỹ. Đã là diễn viên, khi đọc kịch bản, sống cùng nhân vật thì phải vận dụng hết tài năng để diễn xuất vai diễn đấy. Sự lột xác cũng từ đó mà ra.
Xin cám ơn NSƯT Trần Nhượng

Đọc thêm