1. Sân Ga Hà Nội đêm cuối năm, những chuyến tàu cuối năm vội vã đến rồi lại đi. Bên đường ray, thấp thoáng bóng người đàn ông ngoài 50 tuổi với mái tóc điểm bạc, khuôn mặt đen sạm, đôi mắt ánh lên nét nghiêm nghị trong bộ đồng phục màu xanh sẫm, mũ kê pi, đôi giày mòn vẹt và găng tay lao động. Ông là Chu Hữu Hảo, Tổ trưởng tổ tuần gác cung đường Văn Điển (Công ty cổ phần Quản lý đường sắt Hà Hải).
Đêm giao thừa, ông vẫn dạo một vòng dọc cung đường sắt từ ga Văn Điển (huyện Thường Tín) đến ghi gác Định Công (quận Hoàng Mai). Trên vai chiếc túi nhỏ đã cũ sờn, tay cầm đèn, ông tỉ mẩn đi dọc bên phải đường ray quan sát từng thanh tà vẹt, từng con ốc. Phát hiện lỏng ốc siết lại ngay cho chặt, nếu gặp sự cố lớn hơn như gãy tà vẹt, đường ray khuyết tật thì phải đánh dấu báo cáo cấp trên.
Thấy những vị khách mướt mồ hôi lần mò đi như chạy theo cho kịp, ông cười: “Cung đường này là nhàn nhất vì địa hình trong thành phố bằng phẳng, chứ các anh em khác trực cung đi qua vùng rừng núi quanh co đèo dốc mới vất vả”.
Đoạn đường 10km, cả đi cả về hơn 20km, ngày thường hay lễ Tết thì việc đi tuần bộ cũng chia đều ba ca. Hàng chục năm trong nghề, khi nghỉ hưu có người đã đi bộ hết quãng đường bằng bốn lần chu vi trái đất.
Đêm cuối năm, ông cho hay chẳng nhớ nổi bao nhiêu lần đón giao thừa ngoài đường. Niềm vui phút giao mùa chính là cảnh hành khách vui mừng đón giao thừa trên Tàu. Ông kể: “Giao thừa trên tàu đặc biệt lắm. Tàu đêm giao thừa, khách thức cả. Không khí năm mới cũng khiến mọi người thân thiện, gần gũi nhau hơn. Khi tàu lướt qua tôi đang đeo đèn đứng bên đường ray, nhiều người vẫy tay hét lớn: “Chúc mừng năm mới”. Lời chúc đầu tiên của năm xúc động lắm. Rồi cứ đi qua mỗi ghi gác lại nhận được lời lời chúc Tết từ đồng nghiệp. Như thế là đi nhặt niềm vui trên đường, vất vả gì”.
Không có phương tiện nào thay thế được đôi chân bền bỉ và bàn tay người tuần đường, duy tu, sửa chữa. Mùa xuân đẹp hơn vì có những con người hy sinh niềm vui riêng để giữ gìn niềm vui chung. Tiếng còi tàu vọng đến, ông rời khỏi đường ray, đứng nghiêm, giơ tay lên mũ chào đoàn tàu đang tiến đến thông báo mọi thứ đã sẵn sàng và an toàn đến khi bóng đoàn tàu xa mờ.
2. Màn pháo hoa chào năm mới kết thúc, dòng người du Xuân ra về, bỏ lại phía sau cơ man là rác. Đó cũng là lúc bắt đầu ca làm việc vất vả nhất trong năm của những công nhân dọn vệ sinh môi trường.
|
Ngày làm việc cuối cùng của năm cũ với những người dọn vệ sinh môi trường bắt đầu sớm hơn ngày thường khoảng bảy tiếng |
Trong làn mưa bụi giăng khắp lối, đường xá lao xao tiếng chổi tre. Tiếng chổi mỗi lúc một gần, bóng người lao công trong mưa Xuân mỗi lúc một rõ hơn. Dáng đi khỏe khoắn, chị Nguyễn Thị Hồng Uyên, công nhân dọn vệ sinh phường Đồng Xuân (Hà Nội) nói vui: “Bao nhiêu năm làm nghề là bấy nhiêu giao thừa ngoài đường đón Tết với rác”.
Ngày làm việc cuối cùng của năm cũ với những người dọn vệ sinh môi trường bắt đầu sớm hơn ngày thường khoảng bảy tiếng. Chị Uyên chia sẻ: “Quét loanh quanh trong khu phường Đồng Xuân mà đêm giao thừa nào tôi cũng một mình kéo tận 3 - 4 xe rác. Quét xong đường thì chờ những người bán đào, quất cuối cùng về hết để dọn cành lá, đất cát họ bỏ lại. Tới khoảng hơn 1h sáng lại sang khu vực Hồ Gươm hỗ trợ bên đó. Khoảng 5h sáng mùng Một thì ai nấy mới được về nhà”.
Chị Uyên vừa nói vừa nhanh tay chổi: “Lạnh lắm nên cứ phải quét nhanh thì người mới ấm lên được”. Hơn 12h đêm, gom thùng chứa và xe chở rác nhỏ về điểm tập kết chờ xe lớn tới bốc, nhóm đống lửa nhỏ từ củi phế liệu, các chị ngồi quây quần kể cho nhau nghe những câu chuyện về chuyện Tết năm nay, chuyện nhà cửa, gia đình, con cái. Tiếng tí tách lửa hồng, tiếng cười đùa làm đêm Xuân thêm ấm áp.
3. Trong không khí tĩnh lặng tinh khôi sáng mùng Một đầu năm, vẫn có một địa chỉ nhộn nhịp tiếng nói ân cần, thủ thỉ sẻ chia của nhân viên trực tổng đài 111 (trước đây là Đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em 18001567 thuộc Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hôi). Đây là tổng đài đặc thù tư vấn trẻ em, xử lý các thông tin từ các cuộc gọi khẩn liên quan đến vấn đề bạo lực trẻ em, hoặc các trợ giúp liên quan đến thực hiện quyền trẻ em.
|
Với tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nghề, những người trực tổng đài đêm giao thừa không một lời kêu ca |
Chị Phan Lan Hương vào làm ở Trung tâm đã gần chục năm nhưng vẫn không quên cảm giác lần đầu tiên không được đón giao thừa cùng gia đình. Năm đầu tiên được phân công trực tết, cảm giác hẫng hụt đeo bám cả tuần. Với những người quê xa như chị, Tết là dịp được chờ đợi nhất năm vì có dịp trở về quây quần bên gia đình.
Những ngày cuối năm, ngồi một mình trong căn phòng bé xíu, chị vừa buồn vừa sợ: “Nghĩ đến mâm cơm tất niên cả nhà ngồi quây quần mà mình lại không được tham dự, nước mắt cứ ứa ra. Đến cơ quan, nhìn thấy các đồng nghiệp ai cũng đã sẵn sàng cho ca làm việc bận rộn đêm giao thừa, rồi khi ngồi trước màn hình máy tính, đeo tai nghe, công việc đã cuốn mình đi”.
Phải đi làm trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và mới là điều không ai muốn, nhưng với tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nghề, những người trực tổng đài không một lời kêu ca. Niềm vui với họ là những kỷ niệm nho nhỏ từ mỗi cuộc điện thoại. Chị kể: “Cuộc gọi “xông đất” năm đó là từ một vị khách “nhí”. Cô bé gọi không phải để được tư vấn, cũng không cần sự trợ giúp gì, chỉ đơn giản nói một câu: “Con gọi điện chúc các cô năm mới vui và hạnh phúc”. Chỉ vậy thôi cũng đủ ấm lòng”.