Nữ nhà văn trẻ viết cho thiếu nhi: 'Từ nhỏ tôi đã ấp ủ viết cho trẻ em'

(PLVN) - Theo nữ nhà văn Cao Nguyệt Nguyên, bạn không thể viết cho thiếu nhi bằng đôi mắt, cái nhìn của một người lớn. Bạn phải tưởng tượng, hòa mình vào cuộc sống của các em để hiểu tâm lí của từng lứa tuổi. Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có buổi trò chuyện với cô về con đường văn chương cho thiếu nhi.

Cuốn sách nào của thiếu nhi khiến chị chọn lựa viết sách cho thiếu nhi?

- Tôi vẫn còn nhớ lúc tôi còn nhỏ, quê tôi nghèo lắm, cả xã không có nổi một thư viện, thậm chí các cửa hiệu sách báo cũng không có. Muốn mua một cuốn sách phải ra đến thị xã. Kết thúc năm học lớp 3, tôi đạt danh hiệu học sinh giỏi và trong phần thưởng của trường ngoài giấy khen và vài cuốn vở còn có một cuốn sách thiếu nhi. Đó là cuốn Đồi thỏ của Richard Adams tôi đọc say mê, và từ đó tâm hồn tôi rộng mở, tôi bắt đầu tưởng tượng về thế giới xung quanh, về cỏ cây, hoa lá, về những con vật gần gũi và coi nó như bạn mình. Đó là cuốn sách thiếu nhi đầu tiên mà tôi được đọc và cũng rất yêu quý cuốn sách này. Nó như một cuốn sách gối đầu giường của tôi thuở nhỏ. Tôi đã từng ao ước sau này lớn lên có thể viết những cuốn sách thiếu nhi, viết về thế giới xung quanh.

Viết cho thiếu nhi luôn khó vì đó là thế giới, cách nhìn đối lập với người lớn. Chị đã có một tuổi thơ như thế nào và bây giờ khi làm mẹ thì cách mình đối thoại với con trẻ và để viết ra điều đó ra sao? Có bao giờ chị tạo áp lực cho mình là năm nay phải viết tác phẩm này hay hoàn thành theo đặt hàng?

- Tôi nghĩ rằng, trong mỗi chúng ta luôn tồn tại một thế giới tuổi thơ đầy trong trẻo và đáng yêu. Chỉ là chúng ta có muốn và biết cách đánh thức nó dậy hay không thôi. Khi bạn viết cho thiếu nhi, bạn phải đắm mình vào suy nghĩ, vào cuộc sống và cái nhìn của trẻ con. Vì cái người lớn mong muốn khác với trẻ con lắm. Dù bạn sinh ra ở những năm 90 hay bạn sinh ra ở những năm 2000 thì bạn vẫn hoàn toàn có thể viết cho thiếu nhi hay được nếu bạn viết với tâm thế của một đứa trẻ.

Tôi nghĩ khi làm mẹ tôi có thêm nhiều trải nghiệm thú vị và có thêm nhiều tư liệu để viết truyện cho thiếu nhi. Tôi biết kiên nhẫn hơn, yêu thương và hiểu hơn về tâm lý của trẻ con. Đối với nghề viết, nếu không tạo cho mình áp lực thì sẽ lười lắm. Tôi luôn nhắc mình đừng lười biếng, hãy viết mỗi ngày, dù có khi không phải là bắt tay vào viết một tác phẩm thì cũng là những dòng cảm nhận, những trang nhật ký. Đôi khi áp lực cũng sẽ tạo ra những tác phẩm hay và có giá trị.

Bây giờ đã là một nhà văn có thương hiệu về văn học thiếu nhi, chị thấy bí quyết gì để viết cho thiếu nhi đọc hoài mà không chán. Đó là bí quyết, kỹ năng hay năng lượng, tưởng tượng của nhà văn? Nhiều người viết văn bây giờ họ chọn viết ngôn tình để lập nghiệp, phải chăng viết chuyện yêu đương dễ hơn viết cho thiếu nhi?

- Thực ra tôi không dám nhận mình đã là một nhà văn có thương hiệu về văn học thiếu nhi đâu, tôi vẫn chỉ là đang cố gắng viết những tác phẩm hay hy vọng sẽ được các bạn nhỏ yêu thích và có thể đồng hành được cùng với các em nhiều hơn nữa trên từng trang viết. Tôi nghĩ mỗi nhà văn đều có một định hướng và thế mạnh riêng, tôi cũng không phán xét hay phân biệt gì cả, truyện ngôn tình hay văn học thiếu nhi đều sẽ có những cái khó riêng. Hiện nay, thị hiếu của độc giả rất phong phú, mỗi người viết đều sẽ có vùng đất của riêng mình, miễn sao tác phẩm của các bạn đủ hay và chiếm được tình cảm của độc giả.

Ảnh trong bài: Nhân vật cung cấp

Ảnh trong bài: Nhân vật cung cấp

Thông điệp và sự gửi gắm trong từng tác phẩm của chị có khác với các nhà văn viết về thiếu nhi?

- Mỗi nhà văn khi viết chắc chắn đều sẽ có những gửi gắm và thông điệp riêng của mình vào tác phẩm. Sẽ không nhà văn nào giống nhà văn nào cả, nếu mà giống nhau thì chẳng còn gì là thú vị. Cùng là viết về một đề tài những mỗi nhà văn sẽ đều chọn cho mình một cách tiếp cận khác nhau với cách nhìn khác nhau. Có người tiếp cận đề tài trực tiếp thông qua câu chuyện, nhưng cũng có nhà văn tiếp cận theo kiểu gián tiếp bằng lối viết phong phú hơn.

Tôi đã nói điều đó như một cách tự căn dặn bản thân rằng: Đừng chỉ viết những câu chuyện của bản thân, của tuổi thơ mình ở thập niên 1990 nữa. Thế giới tuổi thơ của các con bây giờ khác lắm, thế giới hiện đại với biết bao luồng thông tin, những thứ xung quanh cũng đã thay đổi nhiều rồi. Hãy viết về cuộc sống của các con ở thời điểm hiện tại, hãy đi sâu vào những cảm nhận, những góc khuất của cuộc sống để hiểu hơn về đời sống tinh thần của bọn trẻ, dù là ở thành phố hoặc nông thôn. Trẻ con ở thời hiện đại tuy cuộc sống đầy đủ, tiện nghi nhưng lại rất dễ bị tổn thương, hay tủi thân và dễ mang nhiều mặc cảm. Các con cần được người lớn đồng hành qua những câu chuyện, những trang sách hay sẽ chia sẻ với các em được nhiều điều.

Chị hãy nói chút gì đó về hành trình viết văn và sự gợi mở của mình cho những ai đang có ý định đi vào con đường văn chương trẻ nhỏ?

- Tôi vẫn luôn từng nói với các bạn trẻ khi mới bước vào con đường văn chương “Hãy cứ viết đi, cứ trải nghiệm ở các thể loại văn học khác nhau để tìm ra một vùng đất và thế mạnh thực sự của mình. Đừng sợ hãi, dù con đường sáng tác văn học mênh mông và vô cùng đơn độc. Có thể lúc đầu bạn tưởng tượng đứng bên này bờ nhìn bên kia đã tưởng mình sang được. Nhưng càng bơi lại càng thấy biển cả rộng vô cùng và có lúc tưởng chừng như bị đuối sức, mình sẽ chìm nghỉm giữa vô tận mà chẳng bao giờ tới được bờ. Đó là lúc cần phải nuôi dưỡng niềm đam mê viết mỗi ngày”.

Khi bạn thực sự muốn viết cho thiếu nhi, hãy viết bằng tất cả đam mê của mình, bằng cái nhìn của một đứa trẻ thơ. Hãy hiểu các bạn nhỏ hiện nay cần gì, muốn gì và thực sự mong chờ điều gì ở những trang viết. Viết cho thiếu nhi thực sự không đơn giản nhưng nếu kiên trì và dành nhiều tâm huyết tôi nghĩ bạn hoàn toàn có thể chinh phục được các bạn độc giả nhỏ thôi.

Xin cảm ơn và chúc nữ nhà văn thành công hơn nữa trên con đường đã chọn.

Cao Nguyệt Nguyên sinh năm 1990, tại Quảng Yên, Quảng Ninh. Tốt nghiệp Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội, Cao Nguyệt Nguyên là một trong những tác giả trẻ nhất có nhiều tác phẩm được chọn đưa vào sách giáo khoa. Cao Nguyệt Nguyên là cây viết trẻ, năng động, đang sung sức và khát khao tìm kiếm sự đột phá trong cách viết.

Các tác phẩm đã xuất bản: Trăng màu hổ phách (tập truyện ngắn), Đèn trời trên bến không trăng (tập truyện ngắn), Nguyện của đêm (truyện dài), Truyện Kiều tự kể (sách nghệ thuật)… Các giải thưởng: Cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ quân đội 2013 - 2014; Văn học Hạ Long 2015 - 2017; sáng tác tiểu thuyết về đề tài công đoàn, công nhân 2021 - 2023…

Chia sẻ về phụ nữ viết văn thì đa đoan, Cao Nguyệt Nguyên đã từng cho biết: “Phụ nữ viết văn chúng tôi lại thuộc típ những người phụ nữ nhạy cảm và đặc biệt hơn một chút. Là chúng tôi mang vào mình nghiệp viết, niềm đam mê và dấn thân trong ngòi bút. Khi gắn bó với ai đó thì phải xem họ có thật sự là người hiểu mình không, đủ bao dung và chấp nhận, ủng hộ con đường đi của mình không. Có lẽ vì thế mà đa số những người nữ viết văn e dè và chậm hơn trong việc kết hôn. Nhiều người nói phụ nữ viết văn đa đoan, có lẽ vì chúng tôi là những người quyết liệt cả trong công việc lẫn chuyện tình cảm. Với tôi, không để cho mình phải trả giá hay đánh đổi điều gì trong tình cảm để đến với văn chương vì tôi luôn xác định ngay từ đầu. Nếu yêu tôi thì phải hiểu, chấp nhận và ủng hộ con đường đi của tôi. Còn nếu không thì sẽ không yêu ngay từ đầu”.