Câu chuyện ĐB Nguyễn Thanh Hải nhắc đến là của nữ sinh N.T.A.T. (15 tuổi, ngụ xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai). Cô gái bị tung clip "nóng", không chịu nổi búa rìu dư luận đã tự tử, khiến cả xã hội bàng hoàng, xót xa.
Trước khi quyên sinh, A.T. đã lên trang facebook của mình viết: “Mọi người có thôi ngay không, em sai em nhận hết. Đừng bàn tán nữa, im cả đi. Mấy người không biết nghĩ à, mấy người ép người khác vào đường cùng đúng không? Tôi van lạy mấy người hãy tha cho tôi”.
Từ kết cục đau lòng của vụ việc, bà Hải cho rằng dường như tất cả đều bất lực vì không có hành lang để ngăn chặn được thông tin tiêu cực. Sự việc đã ở mức nguy hiểm, nhưng không có cách gì để thông tin có thể ngừng phát tán.
Theo phân tích của ĐB Nguyễn Thanh Hải, thông tin trên mạng được chia thành 2 nhóm: Thông tin công cộng và thông tin riêng. Thông tin công cộng là thông tin của các tổ chức, được công khai cho tất cả mọi người, còn thông tin riêng là của cá nhân, không chia sẻ, hoặc chỉ chia sẻ với một đối tượng nhất định. Như vậy, thông tin của nữ sinh với bạn trai chỉ là thông tin riêng, nhưng sau đó thành đã trở thành tin công cộng.
Theo luật Dân sự, Hình sự, việc xâm phạm thông tin cá nhân sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Nhưng bà Hải cho rằng nếu chỉ quy định về vấn đề này trong Luật Dân sự, Luật Hình sự là chưa đủ, bởi các luật đó có tính xử lý khi hành vi đã xảy ra, gây hậu quả. Do đó cần phải quy định rõ trong Luật an toàn thông tin mạng, để có tính ngăn cản, phòng ngừa.
“Với những câu chuyện nêu trên, nếu có ứng dụng để cản lý kịp thời thì sẽ ngăn chặn được chuyện đau lòng” – bà phát biểu.
Bà cũng nói thêm: "Chia sẻ thông tin qua mạng đã trở thành vấn đề không thể thiếu. Theo tôi, cần tiếp tục nghiên cứ để bảo vệ thông tin riêng. Đó là đòi hỏi từ thực tế cuộc sống. Tôi không đồng ý với việc những quy định này ở luật khác, còn trong Luật về an toàn thông tin mạng lại không có.”
Nhấn mạnh về vai trò của Luật An toàn thông tin mạng, bà còn cho rằng: Luật sẽ giúp giảm thiểu tác động lên giới trẻ, giảm tình hình phạm tội ở giới trẻ.
"Ở phiên thảo luận về phòng chống tội phạm, các ĐB đều đã mong muốn giảm tình trạng tội phạm trẻ. Nhiều ý kiến cũng cho rằng thông tin mạng đã có ảnh hưởng không nhỏ tới sự xuống cấp về đạo đức, của giới trẻ, về tình hình tội phạm của trẻ vị thành niên… Do đó, tôi đề nghị cân nhắc các quy định cụ thể cảnh báo người dùng, ngăn chặn khẩn cấp…, để nội dung của luật có thể theo kịp cuộc sống” – ĐB Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến thông tin cá nhân trên mạng, nhưng ở một mức độ nhẹ nhàng hơn, ĐB Nguyễn Thùy Trang (Tp Hồ Chí Minh) đưa ra thực trạng về việc số điện thoại và danh tính của nhiều cá nhân đã bị thu thập, phát tán trái phép. Nhiều người bị làm phiền bởi các tin nhắn rao bán bất động sản, tin nhắn mua sim điện thoại, vay tiền ngân hàng, thậm chí là cả tin nhắn lừa đảo kiểu trúng thưởng…
“Ai cũng biết thông tin cá nhân của mình đang bị phát tán, nhưng không biết phát tán từ đâu, ai phát tán. Luật đã có nhiều quy định để bảo vệ thông tin cá nhân, cấm cung cấp, thu thập…, trừ trường hợp được đồng ý. Tuy nhiên, tôi thấy rằng để thực thi là việc khó. Bởi ở đâu cũng thấy nhan nhản việc vi phạm, các quy định để xử lý không có tính khả thi, khó kiểm soát, việc tuân thủ quy định phụ thuộc vào ý thức. Tôi đề nghị cần tổ chức thanh tra, kiểm tra, cần xác định kênh thông tin trực tuyến để tố cáo vi phạm”, ĐB bức xúc nói.