CA huyện kết luận “quan xã” “có sai phạm”
Trong đơn tố cáo của ông Thẩm mà CA huyện Định Quán nhận do Viện KSND tỉnh Đồng Nai gửi đến, hai nhân vật được nhắc đến nhiều nhất là ông Phạm Hữu Quyết (Chủ tịch UBND xã Phú Ngọc) và ông Lê Bá Diệt (Phó Chủ tịch UBND xã Phú Ngọc).
Trong Thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm số 769/TB-CSĐT do Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Thượng tá Nguyễn Văn Quang ký ngày 26/4/2019, nêu rõ ông Thẩm tố cáo có 3 lần chính quyền xã tổ chức lực lượng xuống hủy hoại tài sản nhà ông: Lần thứ nhất, ngày 7/2/2012 ông Quyết trực tiếp chỉ đạo lực lượng CA, xã đội xuống đất nhà ông chặt phá 30 cây sao, 50 cây gỗ dầu, 1300 cây tràm; Lần thứ hai, gần hai năm sau, ngày 2/2/2014 ông Diệt và ông Quyết (khi đó là Trưởng CA xã) trực tiếp chỉ đạo lực lượng CA, xã đội xuống nhà ông chặt 100 cây chuối, 800 cây tràm; Lần thứ ba, hơn ba năm sau đó, ông Quyết điện thoại chỉ đạo ông Diệt cùng lực lượng CA, xã đội xuống nhổ 900 cây tràm.
Tổng giá trị thiệt hại ba lần ông Thẩm bị chặt phá là 5,8 triệu đồng, chưa tính tiền thuê nhân công trồng và chăm sóc. Ông Thẩm đề nghị CA huyện Định Quán khởi tố xử lý Chủ tịch và Phó Chủ tịch xã Phú Ngọc về tội “hủy hoại tài sản”.
Văn bản của CA huyện nêu rõ: “Kết quả làm việc với những người liên quan đều khẳng định việc ông Thẩm có thuê người trồng cây cối, hoa màu trên diện tích trên và UBND xã Phú Ngọc đã 3 lần đến thửa đất 41, 42 chặt nhổ cây cối”.
Những cuộc chặt nhổ cây cối, hoa màu của dân nêu trên, được ông Phạm Hữu Quyết (Chủ tịch UBND xã Phú Ngọc) và ông Lê Bá Diệt (Phó Chủ tịch UBND xã Phú Ngọc) lý giải với công an huyện ra sao? Với cuộc thứ nhất, được cho là động thái “tổ chức hưởng ứng ngày đất ngập nước thế giới và tổ chức vệ sinh, lao động tại khu vực đầu cầu La Ngà”. Với cuộc thứ hai, được cho là chỉ “xuống để kiểm tra và lập biên bản”.
Với cuộc thứ ba, được cho là “khi đến tổ kiểm tra phát hiện trên thửa đất 41,42 có trồng 150 cây tràm… nên theo chỉ đạo của ông Phạm Hữu Quyết (lúc đó đang đi học) và chỉ đạo của Đảng ủy xã Phú Ngọc (chỉ đạo miệng) tổ kiểm tra đã lập biên bản xác định hiện trạng của khu đất và nhổ toàn bộ số cây tràm (khoảng 150 cây) nói trên đưa về UBND xã Phú Ngọc” (hết trích nguyên văn).
Quá trình điều tra, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã Phú Ngọc xác nhận không lập biên bản hành chính, không ra quyết định xử lý vi phạm hành chính, không ra quyết định cưỡng chế xử lý vi phạm hành chính…
Trong văn bản, CA huyện Định Quán xác định những việc làm trên của Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã Phú Ngọc đã “vi phạm khoản 1 và khoản 2 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính”. Việc hai “quan xã” cho rằng “không có người vi phạm nên không lập biên bản vi phạm hành chính là không có cơ sở, không đúng quy định” vì thực tế hai lần đi chặt nhổ cây, đều có người làm thuê cho ông Thẩm và con trai ông Thẩm tại khu đất.
CA huyện xác định “từ những sai phạm trên của ông Phạm Hữu Quyết và ông Lê Bá Diệt đã dẫn đến việc ông Thẩm làm đơn tố giác ông Quyết và ông Diệt có hành vi hủy hoại tài sản, gửi đi nhiều nơi gây phức tạp tình hình an ninh trật tự tại địa phương”. Về phía CA huyện, cho hay cơ quan này “có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND huyện Định Quán chỉ đạo UBND xã Phú Ngọc tổ chức họp kiểm điểm trách nhiệm với sai phạm nói trên của ông Phạm Hữu Quyết và Lê Bá Diệt”.
Trở lại với ông Thẩm, nhận thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm nói trên, ông vừa vui, vừa ngậm ngùi. Vui vì ít nhất CA huyện đã xác minh được những sai phạm bước đầu của một số “quan xã” Phú Ngọc; ngậm ngùi vì như ông nói: “Dùng vũ lực sai luật, sai thẩm quyền, cán bộ xã hành xử như vậy khác gì “lục lâm thảo khấu”?”.
Trưởng ấp bị kỷ luật vì… xác nhận đúng sự thật
Lần giở hồ sơ vụ việc, còn thấy một số cán bộ địa phương còn có những sự trù dập liên quan vụ việc. Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã kết luận khu đất nằm trên code 62, tức là không ngập nước. Thực tế khu đất này cho tới nay ông Thẩm không tranh chấp với ai. Sự thật rõ ràng là thế. Vậy mà chỉ chuyện xác nhận sự thật này, cũng đã có một cán bộ xã, vì không chấp nhận sai trái, vì tôn trọng sự thật và pháp luật, mà đã bị… kỷ luật.
Sự kiện này đã được ghi rõ trong biên bản làm việc vào chiều ngày 28/9/2017, do ông Ngô Tấn Tài (Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán) chủ trì cuộc họp. Buổi làm việc còn có ông Nguyễn Văn Cư (Chánh Thanh tra huyện), ông Hồ Cảnh Hoài (Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường), ông Nguyễn Xuân Hạnh (Bí thư xã Phú Ngọc), ông Lê Bá Diệt (Phó Chủ tịch UBND xã Phú Ngọc) và một số người khác. Trong biên bản tất cả cùng ký tên, có ghi lại sự việc năm 2012, ông Trần Trọng Sự, Trưởng ban ấp 1 đã xác nhận với nội dung: “Đơn trình bày của ông Vũ Từ Thẩm là hoàn toàn đúng sự thật và từ trước đến nay (khu đất – NV) không ngập nước và không tranh chấp…”.
Vị Trưởng ban ấp 1 đã xác nhận đúng theo thực tế như trên, vậy nhưng trong biên bản có các quan chức lãnh đạo từ huyện đến xã ký tên, đã cho rằng ông Sự “xác nhận không đúng thực tế”.
Hậu quả cho người dám nói thật, như biên bản ghi rõ “UBND xã Phú Ngọc đã ban hành Quyết định số 122/QĐ-UBND ngày 18/7/2013 kiểm điểm đối với ông Trần Trọng Sự với hình thức khiển trách; Về mặt Đảng: Đảng ủy xã Phú Ngọc ban hành Quyết định số 65-QĐ/DU ngày 9/10/2013 kỷ luật đối với ông Trần Trọng Sự - Bí thư Chi bộ ấp 1 với hình thức khiển trách” (hết trích nguyên văn).
Ông Thẩm tâm sự, câu chuyện khiến ông đau đớn, vì người khác dũng cảm dám nói lên sự thật bênh vực mình mà bị liên lụy. Thế nên ông càng quyết tìm chứng cứ, theo đuổi sự việc để đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình, tìm lại công bằng cho những người đã vì ông mà “vạ lây”.
Ông nói biết là khó, vì sai phạm hủy hoại tài sản giữa thanh thiên bạch nhật phải sau hơn bảy năm ông kiên trì đâm đơn khiếu kiện, mới ra kết quả rõ ràng. Nhưng ông có niềm tin là “bàn tay không che nổi mặt trời”, rằng cán bộ địa phương không phải là “vua con”, không thể bưng bít được mọi thông tin sai trái, không thể từ chối quyền được cấp sổ đỏ của dân chỉ bằng một thông báo “hồ sơ không đủ điều kiện”.
Người đàn ông nửa đời người khốn khổ vì chuyện xin cấp sổ đỏ một miếng đất, lại tiếp tục hành trình vạch ra sai phạm của cán bộ địa phương, phát hiện ra UBND xã Phú Ngọc có dấu hiệu ngụy tạo một số nhân chứng, báo cáo sai lệch thực tế lên huyện, tỉnh, hòng quyết không cấp “sổ đỏ” cho dân.
PLVN sẽ tiếp tục phản ánh sự việc.
Đồng Nai: Cán bộ địa phương lộng quyền 'bóp méo' Luật Đất đai
Rất nhiều năm nay, những ai đi qua đoạn cầu La Ngà trên Quốc lộ 20 (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) hướng TP HCM – Đà Lạt đều thắc mắc vì sao phía bên trái đường, có một dải đất tuyệt đẹp bên đường, nhưng hàng chục năm nay không xây cất, chỉ có căn nhà tạm giữa vườn tràm, phía mặt tiền là các hộ dân dựng lều bán cá khô.
Tìm hiểu sự việc mới được biết thửa đất trên thuộc thửa đất số 41 và 42 tờ bản đồ số 34, được ông Vũ Từ Thẩm (SN 1956, thường trú ấp 3, xã Phú Ngọc) nhận sang nhượng từ 31 năm nay. Cũng vì mảnh đất này, mà gần nửa đời người ông Thẩm lao đao kiện tụng, khi chính quyền địa phương nhất quyết không cấp sổ đỏ cho ông.