Theo người dân xã Hòa Lạc và xã Tùng Ảnh đã hơn 20 năm nay họ chịu đựng chuyện bãi rác Phượng Thành gây ô nhiễm. Mỗi khi có mưa to gió lớn, mùi hôi thối bốc lên, sống cách bãi rác vài trăm mét cũng chịu không nổi. Có thời điểm dân phải đeo khẩu trang suốt ngày, kể cả lúc đi ngủ, ăn cơm trong màn vì ruồi muỗi quá nhiều.
Vì ảnh hưởng của bãi rác nên người mắc bệnh viêm mũi, viêm họng ngày càng nhiều, trẻ em da nổi mẩn ngứa. Gần 100 hộ khi có mưa lớn là giếng bị ô nhiễm không sử dụng được, phải mua nước đóng bình về ăn.
Ông Lê Văn Quán (từng 6 năm làm trưởng thôn Đông Xá) cho biết, năm 2000 UBND huyện cho quy hoạch bãi rác Phượng Thành với diện tích 3ha, giao HTX môi trường thị trấn Đức Thọ quản lý. Bãi rác này ban đầu chỉ xử lý rác thải của thị trấn Đức Thọ.
“Nói xử lý nhưng họ chôn lấp là chính. Lúc quy hoạch, huyện không tham khảo ý kiến nhân dân. Vị trí này không hợp lý vì ở sát khu dân cư 3 xã, nằm trên đường tỉnh lộ 554, chỉ cách Chùa Am là Di tích lịch sử cấp quốc gia 2km”, ông Quán nói.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Đức Thọ cho 28 xã thị trấn trong huyện đưa rác về đổ tại đây. Xe chở rác tấp nập chạy từ 4h sáng đến 22h đêm, khiến bãi rác quá tải, ô nhiễm ngày càng nặng. Mỗi khi có mưa lớn, nước từ bãi rác thậm chí chảy xuống sông La, gây ô nhiễm nguồn nước.
Năm 2017 huyện đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác, vốn đầu tư 6 tỷ, theo thiết kế xử lý 24 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày. Tháng 3/2018 Nhà máy đi vào hoạt động, do Cty TNHH dịch vụ xây dựng Sông La vận hành. Nhà máy hoạt động gần được một tháng thì bỗng dưng ngừng lại.
“Nhà máy xử lý rác hỏng, rác chất thành núi, người dân phản ứng gay gắt, cực chẳng đã kéo nhau ra chặn không cho xe chở rác vào bãi, có lúc rác đổ ra cả mặt đường tỉnh lộ”, một người dân cho hay.
Chủ tịch UBND xã Hòa Lạc, ông Lê Tiến Thắng thừa nhận, phản ánh của dân là có thật. Bãi rác Phượng Thành nằm trên đất xã Tùng Ảnh, nơi tiếp giáp 3 xã Hòa Lạc, Tùng Ảnh, Đức Long, nhưng bị ô nhiễm nhiều nhất thì dân Hòa Lạc.
“Dân bức xúc không có gì sai, bởi họ chịu đựng ô nhiễm thời gian quá lâu, chịu nhiều hệ lụy. Đặc biệt từ khi huyện xây dựng nông thôn mới, rác các địa phương trong toàn huyện đều tập trung về đây. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị với huyện khẩn trương xử lý vấn đề này, nhưng vẫn chưa tìm được giải pháp hợp lý”, ông Thắng cho biết.
Được biết, năm 2018, huyện ký hợp đồng với Cty TNHH MTV chế biến chất thải công nghiệp Hà Tĩnh chở rác đi nơi khác xử lý. Từ khi có dịch Covid-19 đến nay thì xe không chở rác đi nữa khiến bãi rác quá tải thêm. Hiện huyện chỉ cho phép 5 xã, thị trấn tập kết rác về đây, các địa phương khác tự tìm cách xử lý tại địa phương mình.
Dù huyện đã tổ chức phun thuốc khử mùi và ruồi muỗi, mùi hôi thối có hạn chế, nhưng ô nhiễm còn rất nghiêm trọng. Và đó cũng chỉ là giải pháp tình thế, đến nay huyện chưa tìm được vị trí thích hợp để quy hoạch bãi rác và khu xử lý rác thải.