Ở thế giới 'bùn lầy bám chặt người, xe'

(PLO) - Con đường đất vào các xã biên giới Ga Ri, La Dêê ở các huyện Nam Giang, Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) nằm cheo leo trên độ cao 1.400 mét so với mực nước biển cứ gặp mưa là nhão nhoẹt, dẻo quẹo bám chặt bánh xe nên cứ mưa dài ngày là người dân ở đây lại rơi vào cảnh thiếu đói. 
Thiếu tá Lê Văn Thắng dắt xe qua bùn lầy.
Thiếu tá Lê Văn Thắng dắt xe qua bùn lầy.

“Kẹt xe” trên đỉnh Trường Sơn

Nằm trên dãy núi Trường Sơn, ở độ cao 1.400m so với mực nước biển, đến cuối tháng 3, đầu tháng tư, xã biên giới Ga Ri vẫn ngập ngụa bùn đất với những “con đường mỡ” vì trơn trượt nếu mưa ít. Khi trời đổ mưa nặng hạt thì gọi là “đường cháo lỏng” vì bùn nhão nhoét quấn giữ chặt chân bước và bánh xe.

Để có thể đi lại trên đường, từ xe máy cho đến ô tô đều phải quấn xích vào bánh. Mỗi sợi dây xích độ được bán với giá 170.000 đồng. Vào những ngày mưa gió kéo dài vừa qua, xích độ được các tiệm xe nâng giá lên gần 300.000 đồng/sợi. Xích cũ trong máy xe ở các địa phương khác được mua gom đưa lên Ga Ri để làm “vòng cườm” cho bánh xe lăn trên con đường trơn trượt.

Từ Đồn Biên phòng (BP) Ga Ri vào thôn Da Ding, chiếc xe dù được đeo “vòng cườm” vẫn chao lắc, tung lên trời giống như người nắm bùn đất vãi mạnh về phía sau. Đại úy Đậu Phi Sơn - Phó Đồn trưởng Đồn BP Ga Ri cho biết: “Nếu nhà báo lên Ga Ri vào mùa đông vừa rồi thì mới chứng kiến hết cảnh bùn lầy, nước đọng kinh khủng. Xe máy của bà con đi không được bỏ đầy ven đường. Nơi để máy xay xát của đơn vị cũng trở thành bãi bỏ xe máy. Bà con chỉ cố đi xe được tới điểm này rồi gửi xe lại để đi bộ vào các bản. Thời điểm đó thì tất cả mọi người đều bỏ giày và đi ủng. Từ đầu tới chân, ai cũng dính đầy bùn đất đỏ.

Anh Ngô Anh Hiền - tài xế xe 76U9-1268 cho biết: “Mùa đông vừa rồi, trên này trời mưa tầm tã suốt mấy ngày đêm nên dù anh em điện khẩn cấp chở mì tôm nhưng không có xe nào lên Ga Ri được. Cỡ mùng 7 Tết, trời ngớt mưa thì xe máy bắt đầu bò lên. Được 3 hôm lại tiếp tục tắc đường, kẹt xe do bùn lầy đến nửa bánh xe, không xe nào chạy được”.

Chị Nhêế - một người dân địa phương cho biết: “Mưa mãi không hết nước, bà con ở đây ra quán mua nhưng quán nào cũng bảo không còn gì để bán cả, mì tôm không còn một gói, có quán thì đóng cửa vì không có hàng. Lúc đó, thấy đúng là khổ quá. Xã huy động đi cõng hàng thì bà con đi hết”.

Chống chọi với bùn lầy

Sau những ngày mưa gió, đường sá như những suối bùn, chiếc xe vận tải mang biển số 43H-4953 chở mì tôm, gạo, dầu ăn “liều lĩnh” tiến vào gần Ga Ri. Nhưng vượt được vài đoạn thì xe kẹt bùn khựng lại. Cả đơn vị huy động mang cuốc, xẻng ra mở đường, lát đá, lót cành cây cho xe “bươn” qua. Còn các xe vận tải khác thì chỉ vào đến xã A Xan thì dừng lại đổ hàng.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Ga Ri phải hành quân, đi bộ từ đồn xuống xã A Xan để lấy lương thực, thực phẩm. Mỗi người cõng khoảng 25kg gạo, thức ăn. Mưa gió lạnh lẽo, mọi người thỉnh thoảng còn “đứng tim” vì sét đánh chói tai. Trên vùng cao này, sét đánh xuống bản làng xảy ra như cơm bữa. Những cây to bị sét phạt đứt ngang thân, có ngôi nhà bị sét đánh thủng mái. Mỗi khi nghe tiếng sét nổ ầm ầm, mọi người chỉ biết co rúm lại, phản xạ một cách yếu ớt, sau đó lại lặng lẽ bước đi trong rừng mưa. Hành quân từ xã A Xan ngược lên đơn vị, thỉnh thoảng mọi người lại chui vào một ngôi nhà, túp lều hoang giữa đường nghỉ ngơi và thổi cơm.

Ga Ri là một trong những địa phương cuối cùng của tỉnh Quảng Nam chưa có điện lưới quốc gia. Nguồn điện để sử dụng tại Đồn BP Ga Ri nhờ vào máy thủy điện của xã. Thỉnh thoảng máy thủy điện dừng để nạo hút cát vào đường ống thì đơn vị bật máy phát điện dự phòng. Để chống chọi với mùa mưa, Đồn BP Ga Ri có 2 tủ lạnh để lưu trữ thức ăn, đảm bảo lương thực dự phòng, nhất là trong mùa mưa. Ngoài ra, Đồn cũng thực hiện tốt phương châm “hậu cần tại chỗ”.

Trong khu vực chăn nuôi của đơn vị lúc nào cũng có 60-70 con lợn. Bên cạnh đó, đơn vị còn trồng rau, nuôi bò, vịt, gà... để tạo thêm nguồn thức ăn tại chỗ. Nhưng trong bối cảnh “kẹt xe” trên đỉnh núi thì số gia súc này cũng gặp khó về lương thực. Đơn vị phải huy động cán bộ, chiến sĩ đi cõng lợn, chở lương thực, hái rau rừng, chuối rừng về để chăn nuôi.

Đọc thêm