Bị cáo năm nay 27 tuổi, quê ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Từ ngày xảy ra tai nạn đến nay, chưa đêm nào bị cáo được ngủ ngon giấc. Cứ mỗi lần nhắm mắt lại, hình ảnh vụ tai nạn hôm ấy cứ ám ảnh trong đầu bị cáo. Hình ảnh trong đêm đen mịt mùng, thi thể người đã khuất nằm lạnh lẽo trên đường cứ ám ảnh lấy bị cáo trong từng giấc mơ, từ đêm này sang đêm khác. Bị cáo đến tòa, gương mặt phờ phạc, đôi mắt hõm sâu, dấu hiệu của nhiều đêm không ngủ. Nhất là mấy đêm liền trước ngày vụ án được đưa ra xét xử, bị cáo càng sống trong phập phồng lo lắng.
Tai nạn giữa đêm
Vụ tai nạn giao thông xảy ra hơn nửa năm trước. Đó là một đêm đầu tháng 12/2017, trên đoạn đường dẫn vào hầm đường bộ Phước Tượng thuộc xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, ô tô do bị cáo điều khiển hết nhiên liệu nên bị cáo đã đỗ xe lấn chiếm một phần đường xe chạy.
Bị cáo không đặt biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe theo quy định để người điều khiển phương tiện khác biết. Trong khoảng thời gian đó, người bị hại điều khiển xe máy đi cùng chiều phía sau đến, do không giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép (có thể dừng lại một cách an toàn) trong trường hợp có chướng ngại vật trên đường, nên đã va chạm vào đuôi xe ô tô, gây tai nạn giao thông, thiệt mạng tại chỗ.
Nạn nhân mới bước qua tuổi bốn mươi, sự nghiệp đang trên đà thăng tiến, là cha hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học, là niềm hy vọng của cha mẹ già, là chỗ dựa của người vợ. Thế nhưng tất cả đều mất đi chỉ trong tích tắc, vì cả bị cáo và nạn nhân đều bất cẩn, không chấp hành quy định của Luật Giao thông Đường bộ.
Theo cơ quan chức năng, trong vụ án này, người bị hại cũng là người có lỗi khi chạy xe quá tốc độ cho phép. Vì vậy khi gặp chướng ngại vật trên đường đã không thể giảm tốc độ để dừng lại một cách an toàn.
Phiên tòa hôm ấy, vợ con người bị hại đều không đến tham dự. Có lẽ nỗi đau quá lớn, mất mát quá nhiều, khiến vợ con người đã khuất không thể đối mặt với hiện thực, không thể bình tĩnh tham gia phiên tòa. Họ ủy quyền lại cho em trai bị hại tham gia tố tụng.
Bị cáo còn rất trẻ, cả hai con bị cáo đều còn rất nhỏ. Khi bị cáo gây ra tai nạn giao thông, vợ bị cáo chỉ mới vừa sinh con được mấy bữa. Bị cáo từng tham gia nghĩa vụ quân sự. Sau khi ra quân, anh học nghề tài xế rồi lái xe thuê kiếm tiền nuôi gia đình. Khi tai nạn xảy ra và mãi đến sau này, bị cáo vẫn còn bàng hoàng không dám tin sự việc xe hết xăng đã vô tình cướp đi một sinh mạng. Nhưng đáng tiếc, điều đó lại là sự thật.
Tuy được cho tại ngoại, nhưng vì bị cấm đi khỏi nơi cư trú trong thời gian cơ quan chức năng điều tra, hoàn tất hồ sơ vụ án nên bị cáo không thể mưu sinh. Bởi nghề tài xế của bị cáo, phải liên tục chạy từ tỉnh này sang tỉnh khác, chứ loanh quanh ở địa phương chẳng thể kiếm ra tiền.
Không thể theo nghề tài xế, bị cáo quay sang làm “thợ đụng”. Nhưng ở cái xứ ruộng đồng ấy, chẳng có gì để bị cáo làm thuê làm mướn. Chỉ mới mấy tháng, mà cả gia đình bị cáo rơi vào túng quẫn. Vay mượn mãi, bị cáo mới có được 10 triệu đồng đưa đến gia đình nạn nhân, trước mắt khắc phục một phần nào hậu quả.
Lời phân bua của bị cáo
Tại phiên tòa, bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi vi phạm. Bị cáo cũng phân bua, khi xe hết nhiên liệu, phải dừng trên đường, bị cáo vẫn nhận thức được vào thời điểm đó xe thiếu các biển báo hiệu nên đã chủ động tìm người chặt cây và dùng thân cây để làm phương tiện báo hiệu.
Cùng với đó, bị cáo đã sử dụng hệ thống đèn xe để hỗ trợ, báo hiệu để người đi đường biết là xe đang dừng đỗ. “Bị cáo không thể ngờ được hành vi trên có thể gây ra hậu quả chết người. Chỉ vì sự vô ý của mình…”, bị cáo bỏ dở câu nói.
Ban đầu, gia đình người bị hại yêu cầu bồi thường các khoản mai táng phí, cấp dưỡng nuôi hai con của bị hại và tổn thất tinh thần, tổng cộng 600 triệu đồng. Nhưng hoàn cảnh khó khăn, ăn bữa hôm lo bữa mai, bị cáo chẳng thể lấy đâu ra số tiền ấy để bồi thường. Tại phiên tòa, sau khi tiếp tục thương lượng, thỏa thuận, hai bên đã thống nhất với số tiền bồi thường là 90 triệu đồng.
Được nói lời sau cùng trước khi tòa vào nghị áo, bị cáo đứng rúm ró nơi bàn khai, giọng run run: “Bị cáo làm nghề lái xe, thu nhập không ổn định. Bị cáo còn có mẹ già, hai con đều còn rất nhỏ. Trong gia đình, bị cáo là trụ cột chính về kinh tế, kiếm tiền lo cho cả gia đình. Nếu bị cáo đi tù, cả gia đình bị cáo sẽ chơ vơ, không biết cha mẹ, vợ con sẽ phải nương tựa, dựa dẫm vào ai.
Bị cáo rất hối hận vì sự vô ý của mình đã gây nên đau thương, mất mát cho gia đình bị hại. Bị cáo rất mong nhận được sự tha thứ từ gia đình bị hại. Mong pháp luật khoan hồng, cho bị cáo được thụ án tại địa phương, để được tiếp tục lao động, kiếm tiền lo cho gia đình và dành dụm tiền tiếp tục bồi thường cho gia đình người đã mất”.
Sau khi nghị án, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo 12 tháng tù treo. Tòa cũng chấp nhận sự thỏa thuận giữa hai gia đình về mức bồi thường. Sau khi nghe tòa tuyên án, cả bị cáo và vợ đều mừng rỡ đến rơi nước mắt. Nỗi lo lắng sẽ phải đi “ngồi” tù của bị cáo lâu nay, như hòn đá nặng cứ treo lơ lửng trên đầu, cuối cùng cũng được nhất xuống.
Vợ chồng bị cáo rời tòa, tuy trên mặt vẫn còn đè nặng những nỗi niềm, nhưng ánh mắt cả hai đã sáng lên rất nhiều so với lúc đến dự khán. Sự khoan dung của gia đình người bị hại và pháp luật đã “mở” cho bị cáo cơ hội lao động mưu sinh, kiếm tiền trả dần số nợ bồi thường và lo cho gia đình.