Ô tô sửa chữa được bảo hành tối thiểu 2 tháng: Quy định chỉ là hình thức!?

(PLO) -Quy định của Thông tư 53 nghe rất tiến bộ, vì ở chừng mực nào đó đã bảo vệ được quyền lợi cho khách hàng là các chủ phương tiện giao thông cơ giớ. Tuy nhiên, chế tài để đảm bảo cho các quy định này được thực thi trong thực tế lại khôn có, bởi vậy nhiều người cho rằng quy định trên cũng chỉ là hình thức.
Ô tô sửa chữa được bảo hành tối thiểu 2 tháng: Quy định chỉ là hình thức!?
Quy định rõ quyền và nghĩa vụ
Ngay khi PLVN điện tử có bài phản ánh những quy định tại Thông tư 53 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quy định về bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trong đó có nêu về thời hạn bảo hành đối với ôtô sửa chữa, bảo dưỡng không được nhỏ hơn 2 tháng, nhiều bạn đọc đã có ý kiến phản hồi theo hướng tích cực. 
Đa phần các ý kiến đều cho rằng quy định của Bộ GTVT đã mở rộng thêm quyền lợi cho khách hàng- là các chủ phương tiện cơ giới đường bộ. Tuy nhiên, không ít quan điểm lại tỏ vẻ hoài nghi và cho rằng quy định trên khó được thực thi nghiêm túc trong thực tế. Bởi lẽ chế tài để xử lý các hành vi vi phạm không hề có.
Đối tượng áp dụng tại Thông tư là các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới tham gia giao thông. Theo Thông tư này, từ ngày 1/12/2014, xe cơ giới phải duy trì các tính năng và tình trạng kỹ thuật thông qua biện pháp bảo dưỡng bắt buộc hoặc sửa chữa theo yêu cầu. Trước khi tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa phải kiểm tra xe cơ giới để đưa ra giải pháp phù hợp. Xe cơ giới phải được bảo dưỡng khi hoạt động đến chu kỳ bảo dưỡng theo quy định. Chu kỳ bảo dưỡng của xe phải được xây dựng phù hợp trên cơ sở yêu cầu của nhà sản xuất và đặc thù trong khai thác sử dụng (địa hình hoạt động, phân vùng lãnh thổ, khí hậu, yêu cầu kỹ thuật).
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng yêu cầu các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa sau khi hoàn thành việc sửa chữa, khắc phục hư hỏng của xe cơ giới phải kiểm tra và vận hành thử phương tiện, đảm bảo phương tiện vận hành ổn định, an toàn mới cho phép xuất xưởng để tham gia giao thông. Các xe cơ giới xuất xưởng sau khi bảo dưỡng định kỳ phải có biên bản bàn giao xe, trong đó ghi rõ thời hạn và các điều kiện bảo hành chất lượng sau dịch vụ. Thời hạn bảo hành không được nhỏ hơn 2 tháng hoặc 1.500 km xe chạy tùy theo điều kiện nào đến trước, tính từ thời điểm giao xe xuất xưởng. 
Nhưng thiếu cơ sở để xử lý
Thông tư này có tất cả13 điều nhưng tuyệt nhiên không có điều luật nào quy định về hình thức xử phạt- tức là các chế tài áp dụng với hành vi không tuân thủ các quy định mà Thông tư đã đưa ra. Lý giải về điều này với PLVN, ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ GTVT)- đơn vị được cho là đã tham mưu cho Bộ GTVT ban hành văn bản trên- thừa nhận các quy định tại Thông tư 53 không mang tính chất xử phạt mà chủ yếu để điều chỉnh hành vi của các chủ phương tiện. Theo đó, các chủ phương tiện phải mang xe đi bảo dưỡng, sửa chữa theo quy định nhằm đảm bảo an toàn kỹ thuật cho xe cơ giới giữa hai kỳ đăng kiểm. 
Ông Hà giải thích thêm, Thông tư 53 cũng không điều chỉnh các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện mà chỉ là cơ sở để các chủ phương tiện có trách nhiệm bảo dưỡng, sửa chữa xe theo quy định.
Thông tư quy định xe ô tô sửa chữa, bảo dưỡng được bảo hành thiểu 2 tháng nhưng lại thiếu chế tài để đảm bảo thực hiện (ảnh minh hoạ từ Internet)
Thông tư quy định xe ô tô sửa chữa, bảo dưỡng được bảo hành thiểu 2 tháng nhưng lại thiếu chế tài để đảm bảo thực hiện  (ảnh minh hoạ từ Internet)
Bình luận về việc này, một luật sư cho rằng, trong nhiều trường hợp, để đạt được mục tiêu nào đó, một số Bộ, ngành cũng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh các vấn đề thuộc phạm vi quản lý của mình. Nếu văn bản này có nội dung khuyến khích người dân nên làm việc gì và làm như thế nào thì thông thường đó chỉ chỉ là những quy định mang tính định hướng, khuyến khích. Nhưng một khi văn bản luật đã đặt ra quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên liên quan thì văn bản đó phải có quy định về hình thức xử phạt đối với những đối tượng không làm đúng nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.
Tuy vậy, theo sự giải thích của vị Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GTVT) thì mặc dù Thông tư 53 đã quy định rõ, các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa có trách nhiệm bảo hành tối thiểu 2 tháng hoặc 1.500km cho các phương tiện cơ giới đường bộ đã đến tiệm của mình sửa chữa, bảo dưỡng. Nhưng nếu các chủ cơ sở này vì lý do nào đó mà thoái thác trách nhiệm hoặc cố ý không bảo hành đúng với thời hạn và số ki-lô-mét nêu trên thì các khách hàng cũng không có cơ sở để khiếu nại. Đồng nghĩa với đó là các cơ quan chức năng khi thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện vi phạm cũng đành bó tay vì không có…chế tài.

Trách nhiệm của đơn vị vận tải, chủ xe, lái xe: kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên trước và sau mỗi chuyến đi hoặc sau mỗi ngày hoạt động để nắm chắc tình trạng hoạt động của xe cơ giới. Kịp thời phát hiện, khắc phục các hư hỏng, đảm bảo cho xe cơ giới hoạt động an toàn, ổn định; theo dõi và chấp hành việc bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện theo chu kỳ bảo dưỡng nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật của xe cơ giới theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật khi tham gia giao thông đường bộ….

Trách nhiệm của các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa: có đủ năng lực và trang thiết bị cần thiết để đảm bảo chất lượng công tác bảo dưỡng, sửa chữa; bảo đảm chất lượng bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa xe cơ giới đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; sử dụng thiết bị chuyên dùng, các biện pháp kỹ thuật tiên tiến bảo đảm an toàn lao động, chất lượng trong công tác bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới….
(Trích Thông tư 53/2014/TT-GTVT quy định về bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa phương tiện giao thông cơ giới đường bộ)

Đọc thêm