Oái oăm chuyện Phó Chủ tịch HĐND huyện nhận... 2 nhà tình nghĩa

Cổng dịch vụ công Quốc gia hôm qua chính thức đi vào hoạt động là một minh chứng cho Chính phủ ngày càng nỗ lực vì dân. Chính phủ thì như thế nhưng ở một số địa phương lại diễn ra những chuyện "cười trong nước mắt". Đơn cử như vụ một Phó Chủ tịch HĐND huyện ở Tây Ninh bị phát hiện nhà có 2 xe hơi song vẫn nhận “nhà nghĩa tình” từ Hội Cựu chiến binh...
Căn nhà "Nghĩa tình cựu chiến binh" của ông Phó Chủ tịch HĐND huyện được hỗ trợ xây kiểu mái Thái hình chữ L khá hiện đại. Ảnh: Dân trí.
Căn nhà "Nghĩa tình cựu chiến binh" của ông Phó Chủ tịch HĐND huyện được hỗ trợ xây kiểu mái Thái hình chữ L khá hiện đại. Ảnh: Dân trí.

Một tin rất vui: Cổng dịch vụ công Quốc gia đã chính thức đi vào hoạt động vào chiều qua, cung cấp 8 loại hình dịch vụ theo hình thức trực tuyến. Đối tượng thụ hưởng là người dân sử dụng dịch vụ này, tiết kiệm thời gian, tiền bạc rất nhiều, quan trọng là không bị gây phiền hà.

Theo tính toán khoảng hơn 4.000 tỷ đồng không phải chi phí mỗi năm, ngồi ở nhà hoặc bất cứ đâu chỉ cần “bấm nút” để đổi giấy phép lái xe, cấp lại thẻ bảo hiểm y tế, đăng ký khai sinh hoặc các việc khác mà dịch vụ này cung ứng. Dịch vụ này thể hiện sự vì dân và hiện thực hóa chủ trương Chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Một tin khác, không vui chút nào: Ông Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND TP Phan Thiết (Bình Thuận) bị kỷ luật cách hết mọi chức vụ trong Đảng. Ông này dính vào chuyện sai phạm trong quản lý đất đai khi còn làm Chủ tịch UBND thành phố, đáng buồn hơn, những thuộc cấp của ông đã bị khởi tố và chờ ngày hầu tòa, họ đã trượt ngã trên đất và không đứng dậy được từ đất.

Ở một diễn biến khác, trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã nhận trách nhiệm trong việc để cán bộ gây phiền hà cho người dân khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở. Theo ông, đã vận hành mô hình “một cửa”, đã áp dụng công nghệ thông tin, tuy nhiên “phần mềm chưa phù hợp”, do đó chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân.

Chung quy, trong câu chuyện này cho thấy, yếu tố con người và ở đây là cán bộ thực thi là quyết định, công nghệ và máy móc trợ giúp giảm phiền hà nhưng con người cứ muốn gây ra phiền hà thì công nghệ cũng “bó tay”.

Gần đây, dư luận xôn xao về một số phát biểu khá nặng lời và ngôn từ quá ư dân dã của một số lãnh đạo địa phương. Liệu sẽ có giải thích do “lỗi đánh máy”, “cấp dưới viết”, “văn phòng chuẩn bị” không? Có lẽ, nghệ thuật chơi chữ chỉ nên dành cho giới văn chương, thi phú chứ không thể áp dụng trong việc quản trị xã hội một cách nghiêm túc được.

Mới đây, phát hiện một vị Phó Chủ tịch HĐND huyện ở Tây Ninh, nhà có 2 xe hơi, các con đều có chức vụ ở ngành Công an, huyện và xã, thế nhưng vẫn nhận “nhà nghĩa tình” từ Hội Cựu chiến binh. Cái khác không bàn nhưng có một chi tiết khiến người ta phải bật cười mà liên tưởng đến các động tác “chữa cháy”.

Số là, ông này đã nhận “nhà tình nghĩa” một lần rồi, nay lại nhận thêm cái nữa nên gọi là “nhà nghĩa tình” để tránh tiếng là nhận nhà tình nghĩa 2 lần (?!). Hành vi của ông này không gây phiền hà nhưng bức xúc cho người dân, minh chứng cho sự lắt léo trong quan hệ con người. 

Đọc thêm