Oan án ở tù 5 năm bỗng được trả tự: Điều tra lại vẫn không làm rõ được nỗi oan xuyên 3 vòng tố tụng

(PLO) - Vụ án Đào Xuân Phương kêu oan về tội “Cố ý gây thương tích” sau 3 lần tuyên hủy để điều tra, xét xử lại từ đầu mà căn cứ buộc tội vẫn không thuyết phục sẽ được TAND tỉnh Thái Nguyên xét xử phúc thẩm vào ngày 19/6/2017. 
Văn bản thể hiện các cơ quan tố tụng cấp thành phố lúng túng thực hiện hoạt động tố tụng sau khi bị TAND tỉnh hủy bản án sơ thẩm vào năm 2014

Đây là vụ án có rất nhiều điểm mờ, anh Đào Xuân Phương sau 5 năm tạm giam điều tra và gần 3 năm trả tự do để chờ xét xử lại, bản chất vụ án vẫn chưa được làm sáng tỏ. Các cơ quan tố tụng của thành phố đã nhiều lần phải làm công văn xin ý kiến về vụ án lên cấp tỉnh, cấp trung ương…

VKSND Tối cao khẳng định “chưa đủ cơ sở vững chắc buộc tội”

Kể từ sau khi TAND tỉnh Thái Nguyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND TP ở phiên xét xử ngày 15/9/2014, rất nhiều hoạt động tố tụng liên quan đến vụ án đã được diễn ra. Cụ thể, tại Công văn số 183/CV-TA ngày 05/12/2016 của TAND TP Thái Nguyên ghi rõ: “Ngày 15/7/2015, hội nghị 3 ngành của TP thống nhất thỉnh thị vụ án lên VKSND tỉnh Thái Nguyên. Ngày 05/8/2015 VKSND tỉnh tổ chức họp liên ngành cấp tỉnh và cấp thành phố để nghe báo cáo về vụ án. Kết luận trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra bổ sung. Ngày 02/02/2016VKSND TP tổ chức họp 3 ngành, thống nhất xin ý kiến 3 ngành cấp tỉnh. Ngày 24/02/2016 VKSND tỉnh họp liên ngành cấp tỉnh và thống nhất xin ý kiến thỉnh thị vụ án lên 3 ngành cấp trung ương”. 

Kết quả xin ý kiến của cấp trung ương được ghi lại như sau: “Ngày 23/5/2016, VKSND TP họp 3 ngành thông báo kết quả thỉnh thị của VKSND tối cao. Tại công văn số 1500/VKSTC-V2 ngày 26/4/2016 của VKSNDTC trả lời “Theo hồ sơ vụ án chưa đủ căn cứ vững chắc để buộc tội cố ý gây thương tích đối với Đào Xuân Phương”. Tuy đã có ý kiến từ cấp trung ương nhưng ngày 17/8/2016 VKSND TP vẫn quyết định chuyển hồ sơ vụ án sang TAND TP và bảo lưu quan điểm truy tố Đào Xuân Phương về tội cố ý gây thương tích. 

Như Báo PLVN đã đề cập, tại Bản án phúc thẩm ngày 15/9/2014 của TAND tỉnh Thái Nguyên khẳng định: “Tất cả những lời khai của những người làm chứng mà bị hại và mẹ bị hại khai nhìn thấy bị cáo ném bị hại đều khẳng định “không nhìn thấy ai ném” hoặc “không có mặt ở hiện trường”. Như vậy, ngoài lời khai chỉ đích danh anh Phương cầm đá ném bị hại (của bị hại và mẹ bị hại  - PV) thì không còn nhân chứng nào khác chứng kiến được sự việc này. 

Như vậy có thể thấy ý kiến “Theo hồ sơ vụ án chưa đủ căn cứ vững chắc để buộc tội cố ý gây thương tích đối với Đào Xuân Phương” của VKSND tối cao là hoàn toàn xác đáng. Vậy căn cứ vào đâu, vào điều luật nào để VKSND TP Thái Nguyên vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố Đào Xuân Phương? 

Chưa hết, tại bản án phúc thẩm, HĐXX phúc thẩm cũng đặt nghi vấn, tất cả những nhân chứng đều được công an phường Phú Xá lấy lời khai ngay sau ngày xảy ra sự việc nhưng vì sao trong hồ sơ vụ án không có tài liệu nào thể hiện điều này? Tất cả tài liệu ban đầu do Công an phường Phú Xá thu thập còn tài liệu nào chưa đưa vào hồ sơ vụ án hay không? Nếu có thì lưu ở đâu? Với các nhận định trên, HĐXX phúc thẩm đã quyết định hủy án, chuyển hồ sơ cho VKSND TP Thái Nguyên để giải quyết lại. 

Điều tra lại vẫn không làm rõ bản chất sự việc

Theo hồ sơ mà chúng tôi nhận được, tất cả những yêu cầu mà HĐXX TAND tỉnh Thái Nguyên đề nghị phải điều tra lại đều không được cơ quan điều tra công an TP Thái Nguyên làm rõ. Trong suốt quá trình điều tra lại, cơ quan điều tra ra 4 bản kết luận điều tra, tuy không làm rõ được tình tiết nào (so với yêu cầu của HĐXX phúc thẩm) nhưng cơ quan điều tra vẫn khăng khăng giữ nguyên quan điểm đề nghị truy tố Đào Xuân Phương tội cố ý gây thương tích. 

Cụ thể như sau: Các bản điều tra kết luận điều tra lại, điều tra bổ sung đều chỉ có duy nhất nội dung: giữ nguyên quan điểm tại bản kết luận đề nghị truy tố Đào Xuân Phương về tội cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, như chúng tôi đã dẫn chứng ở trên, những quan điểm truy tố này, sau khi được VKSND và TAND TP Thái Nguyên đồng tình truy tố và tuyên phạt Phương 5 năm tù giam đều đã bị TAND tỉnh Thái Nguyên huỷ án.

So sánh 2 bản án được thực hiện vào 2 thời điểm khác nhau của TAND TP Thái Nguyên (vào năm 2014 - bị hủy án và năm  2017), chúng tôi nhận thấy, nội dung 2 bản án gần như giống hệt nhau. Điều này chứng tỏ, sau khi bị TAND tỉnh hủy án và đề nghị làm rõ những vấn đề liên quan, các cơ quan tố tụng cấp thành phố đã không làm rõ thêm được vấn đề gì.  Tình tiết khác nhau duy nhất xuất hiện chính là lời khai của các nhân chứng do HĐXX nhận định nhưng trang trước lại mâu thuẫn với trang sau. 

Cụ thể: Tại Bản án số 69/2017/HSST của TAND TP Thái Nguyên, trang 10 ghi “bà Năm khai có thấy gạch ném về phía Lương nhưng không biết ai ném”, trong khi đó, tại trang 12, lại ghi bà Năm khai “Lương bị ném lúc nào tôi không nhìn thấy”. Rõ ràng, những lời khai mâu thuẫn của các nhân chứng vẫn không được điều tra làm rõ. 

Cộng thêm những tình tiết đã được HĐXX đề cập đến với mục đích làm rõ bản chất vụ án cũng không được cơ quan điều tra làm sáng tỏ như việc bổ sung hồ sơ từ công an phường Lưu Xá; Như việc điều tra rõ ràng việc bị hại Lương khai “tự ngã” ở Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên (có bệnh án cung cấp - vật chứng) hay là chỉ có lời khai của ông Thông cho rằng, ông Thông khai như vậy để Lương được hưởng bảo hiểm y tế… 

Hoặc ngay cả những lý lẽ, luận điểm mà VKSND TP Thái Nguyên đưa ra khi ra quyết định gia hạn thời hạn truy tố như Văn bản số 04/KSĐT ngày 24/2/2016 yêu cầu làm rõ các nội dung như “đấu tranh với ông Thông để làm rõ việc Lương có nói với ông Thông tại sao Lương bị thương không”; “Đấu tranh với Lương để xác định vì sao bị Phương ném vào mặt gây thương tích nặng như vậy Lương lại không phản ứng gì” cũng không được cơ quan điều tra làm rõ. 

Thế nhưng các cơ quan tố tụng TP Thái Nguyên vẫn kiên quyết truy tố và tuyên phạt Đào Xuân Phương 5 năm tù giam vì tội cố ý gây thương tích. Có lẽ Đào Xuân Phương chỉ còn biết trông chờ vào sự công tâm và hy vọng công lý sẽ được thực thi vào ngày 19/6 tới đây khi TAND tỉnh Thái Nguyên sẽ đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm lần thứ 2.

Đọc thêm