Oan án “phá rừng” ở Phan Thiết: Khởi tố, bắt giam oan rồi “phủi” trách nhiệm bồi thường!

(PLO) - Sau gần 3 năm bị khởi tố, gần 4 tháng bị bắt giam oan về tội “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng”, đến ngày 28/2 vừa qua 3 cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Phan Thiết là ông Nguyễn Quang Dũng, Nguyễn Văn Chỉ và Huỳnh Văn Năm đã được đình chỉ vụ án hình sự, đình chỉ bị can với căn cứ do “chuyển biến của tình hình” thay đổi chính sách pháp luật nên hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
Từ trái qua ông Nguyễn Văn Chỉ, Nguyễn Quang Dũng và Huỳnh Văn Năm sau khi được đình chỉ vụ án. Ảnh: Tuổi trẻ

Trải qua 2 vòng tố tụng với nhiều phiên tòa bị hoãn để trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng vẫn không thể buộc tội được các ông Dũng, Chỉ và Năm vào tội phá rừng, ngày 27/2/2017, VKSND tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định “ Đình chỉ vụ án hình sự” và quyết định “ Đình chỉ vụ án đối với bị can” với căn cứ “do chuyển biến tình hình”. Cả 3 ông Dũng, Chỉ, Năm tiếp tục khiếu nại vì cho rằng căn cứ đình chỉ như vậy là không đúng căn cứ pháp luật, làm phương hại nghiêm trọng đến danh dự, quyền lợi của họ. 

Trở về sau ba năm mang thân phận bị can, ông Nguyễn Quang Dũng từ một đảng viên 30 năm tuổi Đảng, nguyên Trưởng ban Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Phan Thiết, chỉ vì khắc phục hậu quả bão lũ mà vướng án oan, nay gần như kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần. Ông Nguyễn Văn Chỉ (SN 1963), cũng từ một Trưởng phòng Kỹ thuật của BQLRPH Phan Thiết, ông Huỳnh Văn Năm từ một kiểm lâm viên gương mẫu vì nôn nóng thực thi công vụ mà bị khởi tố, bắt giam oan. Sau khi được đình chỉ, vì miếng cơm manh áo mưu sinh, các ông Dũng, Chỉ và Năm gắng gượng quay lại công tác tại BQLRPH Hồng Phú. “Dù anh em đồng nghiệp cũng thông cảm nhưng vì cái quyết định đình chỉ với căn cứ không đúng pháp luật như trên của VKSND tỉnh Bình Thuận khiến chúng tôi rất đau đớn, mặc cảm, thấy như mình là kẻ phạm tội được pháp luật khoan hồng, được mọi người tạo điều kiện cho chúng tôi tái hòa nhập cộng đồng vậy. Chúng tôi vô cùng uất ức vì nỗi oan này, quyết phải khiếu nại đến cùng chứ không thể để những người khởi tố, bắt giam oan chúng tôi nay ban ơn tha miễn cho chúng tôi như thế được…”, ông Dũng cay đắng trình bày. 

Theo các quyết định đình chỉ của VKSND tỉnh Bình Thuận, căn cứ đình chỉ là do trong quá trình giải quyết vụ án, ngày 28/6/2016 Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư 21 quy định về khai thác, tận dụng, tận thu lâm sản (thay thế Thông tư 35 năm 2011); đồng thời ngày 1/11/2016 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 49 về Quy chế quản lý rừng. Theo đó, việc khai thác, tận thu, tận dụng gỗ rừng trong rừng sản xuất do chủ rừng tự quyết định, không phải xin phép. Theo lập luận của VKSND tỉnh Bình Thuận thì do có sự chuyển biến tình hình nên hành vi của ông Dũng không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Đó là căn cứ để giải oan cho ông Dũng và hai đồng nghiệp thoát khỏi cái án “bị can” như cái thòng lọng treo trên đầu họ suốt 3 năm qua. Tuy nhiên, bằng Quyết định đình chỉ như trên, VKSND tỉnh Bình Thuận không chỉ “ban ơn” tha miễn cho những người đã bị chính họ khởi tố, bắt giam oan mà còn “phủi” luôn trách nhiệm bồi thường oan sai cho các công dân trên một cách ngoạn mục. Các ông Dũng, Chỉ và Năm khẳng định, các ông đã bị khởi tố, bắt giam oan thì phải nhận được quyết định đình chỉ với căn cứ “hành vi không cấu thành tội phạm” để được minh oan và được bồi thường. 

Như Báo Pháp luật Việt Nam đã có bài phản ánh, vào tháng 4/2012 bão số 1 đổ bộ vào xã Tiến Thành làm gãy đổ một số cây keo lá tràm do BQLRPH Phan Thiết quản lý. Theo cáo buộc, mặc dù không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác tận thu nhưng ông Nguyễn Quang Dũng đã tổ chức việc khai thác lâm sản trái phép, trực tiếp ký hợp đồng thuê nhân công, chỉ đạo cấp dưới lập phương án khai thác và kiểm tra giám sát việc khai thác lâm sản trái phép. Ông Chỉ lập phương án thu gom và trực tiếp kiểm tra, giám sát việc khai thác và ký nghiệm thu số lượng lâm sản trái phép; ông Năm biết sự việc nhưng vẫn tham gia kiểm tra giám sát, ký hồ sơ nghiệm thu. Số lượng gỗ bị quy kết khai thác trái phép là 66,162m3 gỗ tròn keo lá tràm, thuộc trường hợp “phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng” theo khoản 2 Điều 175 về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”.

Các ông Dũng, Năm, Chỉ tiếp tục kêu oan, cho việc họ thi hành công vụ tận thu cây gãy đổ khắc phục hậu quả bão lũ không thể coi là khai thác rừng trái phép. Hơn nữa, việc tận thu cây đổ thực hiện tại khoảnh rừng đã ra ngoài quy hoạch rừng sản xuất nên không phải là khách thể của tội danh trên. Dù không có căn cứ buộc họ vào tội danh trên nhưng VKSND tỉnh Bình Thuận vẫn “cố đấm ăn xôi” cho rằng hành vi của họ đủ yếu tố cấu thành tội phạm nhưng do chuyển biến tình hình nên được tha miễn. Lập luận như vậy là khiên cưỡng, không thuyết phục, cố ý làm sai lệch bản chất sự việc để “phủi” trách nhiệm khắc phục hậu quả vụ án oan. Cần phải khẳng định, hành vi phá rừng (nếu có) vẫn rất nguy hiểm, chưa bao giờ không còn nguy hiểm cho xã hội, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. 

Bản chất sự việc đã sáng tỏ, việc cơ quan tố tụng của tỉnh Bình Thuận khởi tố, bắt giam các ông Dũng, Chỉ, Năm về hành vi vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng là trái pháp luật, oan sai. Đề nghị VKSND tỉnh Bình Thuận thẳng thắn, công tâm xem xét lại sự việc một cách toàn diện, trả lại công lý cho ba ông Nguyễn Quang Dũng, Nguyễn Văn Chỉ và Huỳnh Văn Năm - dẫu muộn. 

Đọc thêm