Điểm đặc biệt khác, vị thẩm phán chủ tọa từng xử tù ông Ngọc, cũng thẳng thắn thừa nhận nhiều chứng cứ buộc tội, bản thân quan tòa cũng day dứt với quyết định vội vã trong quá khứ của mình.
Lao tâm khổ tứ soạn đơn, tìm tài liệu giúp khách hàng
Theo hồ sơ vụ án và đơn kêu oan của ông Ngọc, năm 2004 ông thành lập Cty TNHH Ngọc Phúc có chức năng tư vấn đất đai. Tháng 7/2007, cơ quan chức năng ra quyết định thu hồi một phần đất thuộc xã Hải Hà để thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn. Thời điểm đó, theo báo cáo của Hội đồng xét duyệt nguồn gốc đất, xã có 49 ao hồ ở thôn An Tây thuộc diện đất lấn chiếm, dân chỉ được đền bù 70% tiền công đào đắp.
Trong số 49 ao hồ trên, có hồ rộng hơn 10.000m2 của ông Lê Hữu Việt (SN 1946) và rộng gần 6.000m2 của hộ bà Mai Thị Liên (SN 1962). Ông Việt, bà Liên thắc mắc khiếu nại cho rằng ao hồ họ đào đắp sử dụng từ 1985-1993 nên theo quy định phải có tên trong bản đồ địa chính của xã và phải được đền bù khi bị thu hồi. Ông Mai Đình Lại (SN 1945) cũng khiếu nại chuyện 9.000m2 đất ở, đất vườn đã có sổ đỏ bị thu hồi, nhưng hội đồng kiểm kê lại áp giá đền bù là đất rừng 12.000 đồng/m2 (trong khi đất vườn giá đền bù 55.000 đồng/m2).
Các hộ dân trên đã bàn giao mặt bằng để xây dựng dự án từ tháng 7/2007 nhưng chờ đợi hơn 1 năm vẫn không được xem xét, giải quyết khiếu nại. Tháng 7/2008 họ nhờ ông Ngọc tư vấn, đòi quyền lợi.
Qua tìm hiểu, ông Ngọc nhận ra luật đã quy định rõ ao hồ nếu chưa có sổ đỏ nhưng có tên trong sổ mục kê và bản đồ địa chính thì cũng được đền bù phần đất. Các hộ dân đã lên xã hỏi thông tin bản đồ địa chính, sổ mục kê nhưng không được cung cấp; nên theo nhận định của ông Ngọc, có thể cán bộ xã huyện đã báo cáo gian dối với tỉnh.
Ông Ngọc lên xã hỏi hồ sơ địa chính có tên các hộ dân hay không, được trả lời đất không thuộc diện được đền bù, đã giải phóng mặt bằng cả năm, “có gì mà đòi”. Ông tiếp tục lên hỏi Phòng TN&MT thì được trả lời việc xét nguồn gốc đất do xã rà soát, đề xuất lên.
Ông Ngọc sau đó làm văn bản đứng tên Cty TNHH Ngọc Phúc do ông làm Giám đốc, đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai (thuộc Sở TN&MT) cung cấp thông tin nhà đất. Bà Lê Thị Nhạn (Tổ trưởng tổ lưu trữ hồ sơ của Văn phòng) đã cung cấp thông tin cho ông Ngọc theo quy định.
Sau khi thu thập được sổ mục kê và bản đồ địa chính xã năm 1996 có đầy đủ thông tin đất đai liên quan đến các hộ dân; ông Ngọc thông báo với ba khách hàng, được hứa nếu đòi được tiền đền bù sẽ trả công ông Ngọc “một nửa hoặc một phần”. Các bên chỉ thỏa thuận miệng, không lập văn bản hứa thưởng.
Tháng 7/2008, ông Ngọc giúp 3 khách hàng làm đơn khiếu nại gửi cấp xã, huyện, tỉnh kèm sổ mục kê, bản đồ địa chính thu thập được. Tháng 10/2008 Hội đồng xét duyệt nguồn gốc đất xã họp lại xem xét. Tháng 2/2009 các hộ dân được trả tiền đền bù bổ sung đúng theo quy định.
Thực hiện đúng lời hứa thưởng, bà Liên sau khi nhận được 360 triệu đền bù đã gọi ông Ngọc vào nhà trả 180 triệu đúng dịp giỗ chồng bà, việc trả công công khai, có nhiều người chứng kiến, ai nấy đều vui vẻ. Ông Việt ngay khi nhận 620 triệu đền bù đã gọi ông Ngọc ra trả công 250 triệu ngay tại sân ủy ban xã. Ông Lại sau khi nhận thêm được hơn 200 triệu đền bù cũng gọi ông Ngọc vào nhà trả 47,4 triệu.
Ba khách hàng Liên, Việt, Lại đều khẳng định tiền đưa ông Ngọc là tiền hứa thưởng, trả công, hoàn toàn không ai lừa đảo ai. |
“Việc khách hàng trả tiền hoàn toàn công khai, tự nguyện. Tôi không hề ép buộc hay đòi hỏi mà hoàn toàn là khách hàng trả công như lời hứa ban đầu”, ông Ngọc nói.
Không có bị hại, vẫn tuyên “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”
Khoảng 3 tháng sau, ngày 21/5/2009 ông Ngọc nhận được giấy mời lên làm việc của CA huyện Tĩnh Gia nhưng ông không có mặt vì bận việc. Vài ngày sau, CA huyện tiếp tục mời ông lên lần hai, hỏi “tại sao lại lấy của người dân nhiều tiền thế”, ông Ngọc trả lời “đó là tiền hứa thưởng, khách hàng tự nguyện trả ông vì đã có công giúp đòi tiền đền bù bổ sung”.
Ngày 27/8/2009, CA huyện Tĩnh Gia khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, khởi tố bị can với ông Ngọc, rồi bàn giao Cơ quan CSĐT CA tỉnh điều tra. Ngày 6/9/2009 ông Ngọc bị bắt.
Theo cáo buộc, ông Ngọc “đã có hành vi lừa dối các hộ nói diện tích đất của họ không được đền bù, muốn được đền bù phải để Ngọc “chạy” mới được đền bù. Để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Ngọc yêu cầu các hộ viết giấy nhận nợ khống, lập hợp đồng gian dối, giả mạo chữ ký của bị hại để chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn (477 triệu đồng - NV)”.
Chưa dừng lại, ngày 19/3/2010 CQĐT CA tỉnh khởi tố bổ sung ông Ngọc tội “môi giới hối lộ”. CQĐT cho rằng khoảng tháng 5/2005 ông Ngọc “nhận làm dịch vụ” 3 sổ đỏ chuyển đổi mục đích sử dụng đất của ông Lê Văn Luật (xã Hải Yên). Ông Luật viết đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất đưa Chủ tịch xã ký, chuyển hồ sơ cho ông Ngọc cùng 80 triệu đồng. Ông Ngọc chuyển hồ sơ và 75 triệu cho ông Hoàng Văn Chúc (SN 1949, thị trấn Tĩnh Gia, đã mất). Ông Chúc gặp ông Vũ Đình Thám (SN 1948, cán bộ Phòng TN&MT) đưa hồ sơ và 54 triệu nhờ làm.
Theo Kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa, Thám khai Chúc đưa cho Thám 2 lần tiền tổng cộng là 6 triệu đồng. Căn cứ hồ sơ, tài liệu chứng minh Nguyễn Văn Ngọc đã nhận của ông Lê Văn Luật 80 triệu đồng, đưa cho Chúc 75 triệu đồng, Chúc đưa cho Thám 6 triệu đồng, còn lại không có cơ sở Chúc đưa cho Thám. Do vậy Chúc chịu trách nhiệm số tiền 69 triệu đồng. Cũng theo CQĐT, trong quá trình điều tra, Thám đã tự nguyện nộp 40 triệu đồng để khắc phục hậu quả, còn Chúc tự nguyện nộp 31,8 triệu đồng.
Ông Thám sau đó đã trình Chủ tịch UBND huyện Lê Minh Thông (đã mất) ký cấp 3 sổ đỏ chuyển mục đích sử dụng đất. Trong khi đó tỉnh đã có quy định không chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở tại khu kinh tế Nghi Sơn.
Theo cáo trạng của VKSND huyện, trong vụ án này ông Luật “là người đưa ông Ngọc 3 bộ hồ sơ và 80 triệu, do không hiểu biết pháp luật, sau khi làm xong 3 sổ đỏ đã tự giác đến CQĐT tố cáo, nên không khởi tố hành vi đưa hối lộ, và trả lại 80 triệu cho ông Luật”.
Ngày 21/7/2010, TAND huyện mở phiên sơ thẩm vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; nhận hối lộ và môi giới hối lộ” nhưng phải hoãn vì vắng mặt nhân chứng, cần làm rõ chứng cứ buộc tội. Phiên sơ thẩm lần 2 ngày 2/11/2010, tuyên ông Ngọc 9 năm tù (7 năm về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 2 năm về tội “môi giới hối lộ”); ông Hoàng Văn Chúc 15 tháng tù hưởng án treo về tội Môi giới hối lộ; ông Vũ Đình Thám 2 năm tù về tội nhận hối lộ.
Ông Ngọc kháng cáo kêu oan. Ba người được cho là “bị hại trong vụ án” cũng kháng cáo khẳng định mình không phải là bị hại, đề nghị tuyên ông Ngọc không phạm tội lừa đảo. Ở chiều ngược lại, VKSND tỉnh kháng nghị đề nghị tăng nặng hình phạt với ông Ngọc.
Tại phiên phúc phẩm ngày 12/1/2011, TAND tỉnh bác kháng cáo của các bị cáo và người liên quan, chấp nhận kháng nghị của VKS tỉnh, tuyên tăng nặng hình phạt với ông Ngọc từ 9 lên 15 năm tù (7 năm về tội Lừa đảo, 8 năm về tội môi giới hối lộ).
Ông Lê Duy Vẽ, nguyên thẩm phán TAND huyện Tĩnh Gia, người hai lần ngồi ghế chủ tọa xét xử sơ thẩm, tuyên ông Ngọc có tội, sau đó cũng day dứt khôn nguôi: “Tôi day dứt từ lúc tuyên xong bản án… Tôi day dứt nhất về việc kết án ông Ngọc phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đúng ra tôi tuyên ông Ngọc không phạm tội lừa đảo vì không có bị hại… Bản thân tôi cũng không đồng tình với quyết định của mình nhưng vì nhiệm vụ phải làm… Từ đó đến nay tôi luôn mong chờ sẽ có cơ quan nào đó có thể làm sáng tỏ việc này”.
Mời bạn đọc đón đọc kỳ sau.