OCOP tạo không gian phát triển cho sản phẩm đặc trưng của Hợp tác xã

(PLVN) - Thời gian qua, việc triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn TP Hà Nội đã tạo thêm động lực cho các hợp tác xã (HTX) mạnh dạn đầu tư phát triển các sản phẩm có lợi thế của mình, từng bước nâng cao chất lượng, quy chuẩn sản phẩm, tạo được lòng tin với người tiêu dùng và đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của thị trường.
Các sản phẩm OCOP của HTX ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

“Đòn bẩy” cho sản phẩm của HTX phát triển

Chia sẻ với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hào - Giám đốc HTX Nông nghiệp Tiền Lệ (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, HTX Tiền Lệ thành lập từ năm 1997, khi đó hàng trăm bà con xã viên của HTX chủ yếu canh tác nhỏ lẻ, manh mún không mang lại hiệu quả kinh tế cao nên đời sống của bà con gặp vô vàn khó khăn.

Từ năm 2007, HTX gieo trồng, chăm sóc rau theo hướng an toàn, VietGAP để nâng cao chất lượng nông sản. Đặc biệt, từ năm 2020, hưởng ứng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của huyện Hoài Đức, HTX đã chỉ đạo các xã viên tập trung sản xuất rau theo quy trình, bảo đảm đạt chất lượng theo quy định. Đến năm 2021 HTX đã có 4 sản phẩm được UBND TP Hà Nội đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận sản phẩm OCOP 4 sao: Rau dền, rau mùng tơi, rau cải ngồng, rau cải mơ.

Từ khi có các sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao, người tiêu dùng càng yên tâm, tin tưởng, lượng sản phẩm rau của HTX sản xuất và tiêu thụ tăng lên rõ rệt. Đến nay, HTX có hơn 500 hộ tham gia trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP trên tổng diện tích 33ha. Thương hiệu, chất lượng, uy tín của rau an toàn Tiền Lệ đã được cấp nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý và được 10 doanh nghiệp trực tiếp ký hợp đồng bao tiêu với sản lượng đạt xấp xỉ 50% trên tổng sản lượng của toàn HTX.

Để sản phẩm có thị trường ổn định, HTX ký hợp đồng cung ứng rau cho chuỗi siêu thị Vinmart, Big C (Hà Nội) và các cửa hàng rau sạch. Trung bình một ngày, HTX thu hoạch và tiêu thụ khoảng 15 - 20 tấn rau, với giá bán từ từ 10 - 15 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, HTX đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động thường xuyên tại địa phương, mang lại thu nhập ổn định cho bà con trong toàn xã.

“Điều này khẳng định hướng đi đúng đắn của HTX. Nó đang mở ra triển vọng phát triển mạnh mẽ cho nông sản địa phương trong thời gian tới” - ông Hào cho hay.

Ông Nguyễn Xuân Huy - Giám đốc HTX Sản xuất rau sạch Thanh Bình.

Là một trong số những HTX có nhiều sản phẩm được UBND TP Hà Nội đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận OCOP, ông Trần Văn Mạnh - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Nhân (Mê Linh, TP Hà Nội) cho biết, những năm qua thực hiện chủ trương thu hồi đất để phục vụ các dự án công nghiệp, đô thị nên diện tích đất nông nghiệp ở thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh bị thu hồi nhiều, hiện chỉ còn trên 105ha sản xuất nông nghiệp. Không còn nhiều đất sản xuất nông nghiệp nên HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Nhân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang sản xuất rau an toàn.

Cùng với việc tận dụng khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, bà con xã viên đã không ngừng nghiên cứu quy trình sản xuất, đặc tính sinh trưởng và phát triển của từng loại cây trồng sao cho phù hợp với chất đất. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhờ sản xuất rau an toàn mà nhiều xã viên đã thoát nghèo, vươn lên khá giả, ổn định thu nhập.

Năm 2021, HTX Yên Nhân tham gia Chương trình OCOP thành phố và trở thành một trong số những HTX có nhiều sản phẩm được UBND TP Hà Nội đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận 8 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sản phẩm OCOP 4 sao.

“Đây là cơ hội cho HTX mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử. Kể từ khi tham gia đánh giá sản phẩm OCOP TP Hà Nội, tới nay sản lượng rau, củ quả mỗi năm tăng gấp 3 lần so với trước kia. Các sản phẩm rau an toàn của HTX Yên Nhân được thương lái đến tận ruộng thu mua, phân phối đi các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An... Nhiều thương lái phải đặt trước với các xã viên mới bảo đảm cung ứng đủ số lượng” - ông Mạnh hồ hởi chia sẻ.

Đánh giá cao về Chương trình mỗi xã một sản phẩm, ông Nguyễn Xuân Huy - Giám đốc HTX Sản xuất rau sạch Thanh Bình (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) cho hay, chương trình đã giúp thay đổi và nâng cao ý thức làm nông nghiệp của người nông dân, từ đó cải thiện đời sống cho bà con. Nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo lòng tin cho người tiêu dùng hàng Việt.

Với những nỗ lực của HTX, vào năm 2021 HTX Nông nghiệp Thanh Bình đã được UBND TP Hà Nội công nhận 3 sản phẩm: Dưa lê, dưa lưới và dưa leo baby đạt sản phẩm OCOP 4 sao.

Theo ông Huy, đây được coi như “giấy chứng nhận” về uy tín, chất lượng sản phẩm đặc trưng của HTX Nông nghiệp Thanh Bình cũng như xã Hòa Bình.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của HTX Nông nghiệp Thanh Bình là một trong những mô hình nông nghiệp tiên phong ứng dụng công nghệ cao tại địa phương. Năm 2020, HTX đã huy động thành viên góp vốn, thuê lại phần diện tích đất đã bỏ hoang hóa nhiều năm của các hộ dân để triển khai Dự án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng cây hàng năm sang sản xuất, sơ chế, chế biến và bảo quản rau, củ, quả an toàn ứng dụng công nghệ cao trên tổng diện tích chuyển đổi trên 7.300m2. Bắt tay vào thực hiện dự án, HTX thiết kế xây dựng trên 3.000m2 nhà lưới, nhà màng với tổng mức đầu tư gần 2 tỷ đồng.

Sau hơn 1 năm triển khai trồng 10.000 gốc dưa gồm 2 giống dưa Ichiba (Nhật Bản và dưa Thiên Nữ (Đài Loan, Trung Quốc), mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. HTX hiện đã áp dụng quy trình canh tác khép kín, hiện đại ứng dụng công nghệ tiên tiến để luôn chủ động về nhiệt độ, độ ẩm, phòng ngừa sâu bệnh hại, bảo đảm môi trường lý tưởng cho cây sinh trưởng, phát triển.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao mang nhiều ưu điểm vượt trội về năng suất, chất lượng, mẫu mã và giá trị thương phẩm so với canh tác dưa leo theo phương thức truyền thống, một năm có thể trồng 3 - 4 vụ, giúp tăng năng suất, sản lượng sản phẩm.

Hiện nay, HTX Sản xuất rau sạch Thanh Bình đã có 5.000m2 nhà lưới, nhà màng để trồng các loại dưa lưới, dưa leo...

Để sản phẩm OCOP của HTX tiếp tục vươn xa

Thời gian qua, các HTX đã vận dụng, tận dụng các lợi thế tại địa phương để phát triển các sản phẩm OCOP, sau khi được công nhận đã không ngừng nâng cao về chất lượng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nghiên cứu thiết kế mẫu mã bao bì, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Đồng thời với sự hỗ trợ của Sở Công Thương TP Hà Nội cũng như chính quyền các địa phương, nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước. Nhờ vậy, uy tín và thương hiệu của các HTX ngày càng được nâng cao.

Theo bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với nhiều quận, huyện như: Ba Đình, Đống Đa, Hoàng Mai, Thường Tín, Thanh Oai… liên tục mở điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Việc mở các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn các địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tiêu thụ, quảng bá sản phẩm có thế mạnh của địa phương, cũng như các khu vực khác của Hà Nội.

Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã có hơn 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn gần 30 quận, huyện, thị xã.

Cụ thể, để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất tiêu thụ sản phẩm OCOP, UBND TP Hà Nội đã có Kế hoạch số 312/KH-UBND về phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn thành phố năm 2023.

Theo đó, để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP, ngoài các giải pháp đã được triển khai, TP Hà Nội sẽ phát triển tối thiểu 30 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn, xây dựng 5 trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển du lịch tại các huyện Gia Lâm, Thường Tín, Phú Xuyên, Chương Mỹ, thị xã Sơn Tây.

Đọc thêm