Người làm thuê lộng quyền
Theo phản ánh của ông Thành, từ năm 1993, bà Lọc quê Thanh Hóa đưa cha chồng đến khám ở Bệnh viện mắt ở Hà Nội thì gặp và quen ông Lê Tự Triết (bố ông Thành). Đến tháng 6/1995, vợ chồng bà Lọc cùng hai người con chuyển đến sinh sống tại trang trại trong rừng ở Hương Hồ, Hương Trà và làm thuê cho gia đình ông Triết.
Trước đó vào cuối năm 1992, ông Triết thực hiện thủ tục xin khai hoang đất trống để chăn nuôi và trồng cây trên 17ha đất rừng tại Tiểu khu 112, phường Hương Hồ và được cơ quan nhà nước đồng ý cho canh tác.
Toàn bộ diện tích đất rừng này đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo các Giấy chứng nhận số CC140052 và số CC140053 do UBND thị xã Hương Trà cấp ngày 06/10/2015 công nhận cho ông Triết.
Trong quá trình sử dụng, ngày 18/11/2011, ông Triết đồng ý cho bà Phạm Thị Lọc 2 ha (Thửa số 35, khoảnh 2, tờ bản đồ 01 thuộc Bản đồ lâm nghiệp 2010). Vì toàn bộ diện tích đất trên được Nhà nước cho thuê, không thể phân thửa nên ông Thành và bà Lọc đã thỏa thuận giải quyết nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp các bên.
Ngày 30/10/2014, tại UBND phường Hương Hồ các bên cùng thống nhất phương án bà Lọc có trách nhiệm hoàn trả lại 2ha đất cho gia đình ông Thành ngay sau khi nhận được số tiền 220 triệu đồng mà gia đình ông hỗ trợ. Nội dung này đã được ghi nhận tại Thông báo số 60/TB-UBND do UBND phường Hương Hồ ban hành ngày 31/10/2014. Gia đình ông Thành đã bàn giao đầy đủ số tiền trên.
Ông Thành tiếp tục: “Đến ngày 15/10/2015, bố đồng ý tặng cho tôi toàn bộ khối tài sản nói trên. Sau này, khi tôi tiến hành thủ tục sang tên thì phát sinh tranh chấp với bà Lọc liên quan đến 2 ha thuộc Thửa đất số 35, Khoảnh 2, tờ bản đồ số 01. Để giải quyết tranh chấp, tôi đã khởi kiện vụ án dân sự đến TAND thị xã Hương Trà và đang được thụ lý giải quyết theo thông báo ra ngày 21/12/2017. Hiện vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử”.
Tháng 1/2018, Tòa Hương Trà ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là không được chặt cây, làm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp trên thửa đất số 35 nhưng bà Lọc bị cho là vẫn coi thường pháp luật ngang nhiên chặt cây.
|
Ông Thành cho rằng: “Cơ quan chức năng thiếu quyết liệt là nguyên nhân khiến bà Lọc dễ dàng khai thác rừng của tôi”. |
Đặc biệt, đối với phần diện tích không thuộc phạm vi đất có tranh chấp thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình ông Thành nhưng bà Lọc vẫn đưa người vào khai thác tiêu thụ. Bà Lọc đã chặt 20 lần trên ha rừng keo đem bán. Lần gần nhất là vào ngày 31/7/2019, bà Lọc đã thuê 9 nhân công vào khai thác khoảng 4 tấn gỗ trên diện tích 500m2.
Vì sao chưa thể xử lý dứt điểm?
Hành vi khai thác rừng người khác do bà Phạm Thị Lọc thực hiện diễn ra liên tục nhiều lần. Những lần bà Lọc chặt cây, ông Thành đều báo cho cán bộ công an, địa chính, lãnh đạo phường Hương Hồ biết và họ đều có mặt tại hiện trường nhưng chỉ tiến hành lập biên bản.
Quá bức xúc trước hành vi của bà Lọc, ngày 16/08/2018, ông Thành đã có Đơn tố giác tội phạm về những hành vi mà bà Lọc thực hiện, trình báo đến Cơ quan CSĐT Công an thị xã Hương Trà và VKSND cùng cấp yêu cầu giải quyết theo quy định.
Từ thời điểm gửi đơn đến nay, ông Thành nhiều lần liên lạc với CQĐT để trình bày sự việc: Gọi điện, gửi văn bản, làm việc trực tiếp với cán bộ phụ trách hồ sơ… nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết thấu đáo, bà Lọc vẫn khai thác rừng của ông, chính quyền lại lập biên bản, ghi nhận....
“Việc giải quyết tranh chấp thì tôi đã tiến hành một vụ kiện dân sự riêng biệt để giải quyết bằng thủ tục tố tụng dân sự. Hành vi của bà Lọc đang gây ra là nằm ngoài phạm vi tranh chấp nhưng cơ quan chức năng lại không chỉ đạo ráo riết”, ông Thành rầu rĩ nói.
Khi có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Chi cục Thi hành án thị xã Hương Trà là đơn vị có trách nhiệm ngăn chặn các hành vi làm thay đổi hiện trạng của đất. Vì lẽ đó, UBND phường Hương Hồ đẩy trách nhiệm cho Chi cục thi hành án (THA).
Tuy nhiên Chi cục THA lại lập luận không thể xác định được phạm vi, ranh giới đất; đồng thời đơn vị này không có thẩm quyền xử phạt hành chính số tiền trên 10 triệu nên phải báo cáo và đề nghị Cục trưởng Cục THADS tỉnh xem xét ra quyết định.
Ông Thành trình bày: “Để giải quyết vấn đề này, tôi đã mời Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường để đơn vị này đo đạc và đã xác định được ranh giới rõ ràng có chứng kiến của chấp hành viên nhưng các đơn vị này vẫn chưa làm tới nơi”.
Còn về phía công an, lấy lý do phải chờ kết quả xác minh chủ đất, kết quả giải quyết khiếu nại mới có thể kết luận bà Lọc có hành vi cấu thành tội phạm hay không. Phía Tòa án lại phải chờ các đơn vị trên, sau đó mới xử xem hai bên ai mới là người sử dụng hợp pháp thửa đất.
Trong khi đó, Thanh tra thị xã Hương Trà là đơn vị trực tiếp giải quyết khiếu nại lại chưa hề có kết luận nào; như vậy việc khiếu nại, khiếu kiện vẫn tiếp tục diễn ra, kéo dài.
PV đã liên lạc với ông Nguyễn Xuân Ty (Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà) tìm hiểu hướng giải quyết vụ việc và được biết: “Tôi đã chỉ đạo cho anh em rồi, lần này là phải làm tới nơi, tới chốn, xử lý dứt điểm. Đất đang tranh chấp thì phải dừng lại chứ không thể khai thác như vậy được”.
Thế nhưng sau chỉ đạo của ông Ty, bà Lọc ngừng khai thác một thời gian rồi lại tiếp tục mà không có cơ quan nào đứng ra ngăn chặn.