Doanh nhân Dương Văn Chương - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Thời trang Chương là một trong những tên tuổi như vậy.
Nếu cụm từ “doanh nhân Dương Văn Chương” dường như không thực sự gây chú ý cho nhiều người, thì cái tên Chương Tailor, Chương Fashion và nhà may Chương lại mang đến một hiệu ứng ngược lại, với sự tán thưởng, hiếu kỳ hay những xuýt xoa quanh không ít giai thoại về anh.
Câu chuyện của Doanh nhân & Pháp luật kỳ này với Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Thời trang Chương góp phần “giải mã” ít nhiều về thương hiệu, tính cách và thú chơi của người đàn ông tài hoa này.
Được biết, anh may mắn kế nghiệp từ cha, điều này giúp gì cho những thành công của anh?
- Tôi may mắn sinh trưởng trong gia đình truyền thống có nghề may “cha truyền con nối”. Từ một cửa hàng nhỏ, rồi trở thành Nhà may lớn có tiếng ở Sài Gòn, sản nghiệp cha mẹ để lại không chỉ là nghề quý, thương hiệu, tên tuổi… mà còn là sự đầu tư cho tôi ăn học ở trường quốc tế danh tiếng về thời trang, để làm nên thương hiệu “Nhà may Chương” như hiện nay.
Học xong trung học, tôi đi du học ở Pháp về ngành thời trang. Về nước, tôi ấp ủ ước mơ, Nhà may Chương phải có được chỗ đứng cả ở Hà Nội - đất “kinh kỳ văn vật” với nhiều chính khách, doanh nhân… cho tới các thị trường lớn trong và ngoài nước.
Chọn dòng sản phẩm chính là thời trang công sở cho những người trong khoảng từ 30 - 45 tuổi, từ cửa hàng chính ở TP.Hồ Chí Minh, đến nay Nhà may Chương đã có thêm một số điểm nhượng quyền tại thị trường này, đồng thời phát triển thêm 5 showrooms lớn ở TP.Hà Nội.
Giờ đây, các sản phẩm mang thương hiệu Nhà may Chương không chỉ “có tiếng” trong nước, mà còn có mặt cả những thị trường khó tính, anh chia sẻ thêm?
- Với quyết tâm “đem chuông đi đánh xứ người”, tôi đã mạo hiểm “lấn sân” sang kinh đô thời trang - nước Pháp. Sau bao ngày vất vả chinh phục thị trường, tìm địa điểm... giờ Nhà may Chương đã có 1 showroom tại Pháp. Điều này đáng tự hào, không chỉ cho bản thân, gia đình, mà cho tất cả những cán bộ đang ngày đêm làm việc tại Nhà may Chương.
Gần đây, tôi nhìn thấy thị trường Nhật Bản rất giàu tiềm năng, bởi thời trang công sở của người Nhật là mặc vest và sơ mi là trang phục chính. Nhưng thách thức không nhỏ là sự k¬ tính nổi tiếng của họ, khiến bất kỳ doanh nghiệp nào muốn cung cấp hàng hóa, dịch vụ vào thị trường này cũng đều e ngại.
Đơn cử, từ tiểu tiết nhỏ nhất, như đơm chiếc cúc áo (màu tím hoặc màu xanh) phải đồng chất đồng màu với vải may áo, hay những lỗi dù nhỏ nhất cũng sẽ bị trả lại sản phẩm... Từ chỗ tìm hiểu k¬ thị trường, cầu thị tiếp thu và làm hài lòng “vị khách hàng” k¬ tính này, Nhà may Chương đã “bước 1 chân” vào thị trường này, cung cấp thời trang công sở (sơ mi, áo vest công sở) cho một số kênh đại lý phân phối lớn của Nhật Bản.
Ngoài ra, năm 2015 là thời điểm Việt Nam chính thức tham gia Cộng đồng kinh tế Asean, dù được cảnh báo về khó khăn, thách thức song chúng tôi cũng nhìn thấy không ít cơ hội.
Chính sách cho người lao động và trọng dụng người tài của Nhà may Chương như thế nào?
- Nhà may Chương trân quý tất cả người lao động, dù người đó ở vị trí nào như thiết kế, thợ may, cán bộ quản lý, cán bộ marketing... đều yêu nghề, yêu công việc, gắn kết với Nhà may Chương. Hiện nay, mức lương của người lao động từ 6 triệu đến 30 triệu đồng. Nhà may có các chính sách thuận lợi để các cán bộ, nhân viên phát huy hết khả năng, sự sáng tạo của mình.
Bên cạnh đó, Nhà may còn có chính sách chăm lo đời sống vật chất tinh thần của người lao động như các chương trình du lịch, nghỉ mát, giao lưu văn hóa, văn nghệ .... Vì thế, có trường hợp đã “tạm biệt” Nhà may Chương để sang công ty khác, hoặc mở cửa hàng riêng, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau lại quay về với “ngôi nhà” của chúng tôi.
Thêm nữa, còn có chính sách đào tạo người lao động thường xuyên, liên tục, giúp các nhà thiết kế, thợ may, nhân viên marketing, cán bộ quản lý... nâng cao chuyên môn, tay nghề và sự sáng tạo. Đặc biệt, chính sách trọng dụng nhân tài của Nhà may Chương là những người thiết kế giỏi và cán bộ marketing sẽ được hưởng “hoa hồng” tương xứng với công sức của họ. Tạo niềm vui, niềm tự hào cũng là động lực mạnh mẽ nhất để người lao động cống hiến hết mình, gắn bó với Nhà may.
Để giữ khách hàng thân thiết, Nhà may Chương có chính sách chăm sóc khách hàng như thế nào?
- Chúng tôi mong muốn bất kỳ khách hàng nào khi sử dụng sản phẩm đều cảm thấy mình sang trọng, chuyên nghiệp. Đó là cách tôi hình dung về trải nghiệm của khách hàng khi mặc những bộ trang phục của Nhà may Chương. Bao nhiêu sang trọng, tinh tế… đều chỉ có ý nghĩa khi giúp cho khách hàng tôn vinh vẻ đẹp của mình.
Phương châm của chúng tôi là luôn tạo sự khác biệt, sáng tạo không ngừng, không chỉ ở mẫu mã, kiểu dáng mà còn ở hệ thống dịch vụ. Từ những thay đổi nhỏ trong cách thức phục vụ cho đến những chính sách ưu đãi lớn với khách hàng đều nhằm mang đến những trải nghiệm thú vị nhất.
Được biết, khách hàng “ruột” chính là những người quảng bá cho thương hiệu Nhà may Chương hiệu quả nhất, anh nghĩ sao?
- Đúng vậy, cách bán hàng truyền khẩu là một trong những kênh bán hàng hay, hiệu quả, rất phù hợp với văn hóa Việt Nam. Nhà may Chương may mắn có nhiều khách hàng thân thiết, tin tưởng, thậm chí còn “PR” miễn phí giúp chúng tôi. Khách hàng của chúng tôi chủ yếu là dân công sở, văn phòng và giới doanh nhân. Giờ đây, Nhà may Chương còn cung cấp sản phẩm cho các chính trị gia và người mẫu, diễn viên, ca sĩ, những người nổi tiếng trong giới showbiz.
Một kỷ niệm vui, đó là có một vị khách hàng giờ trở thành người bạn thân thiết. Anh ấy là lãnh đạo một công ty, ban đầu là khách lạ, khó tính đến may 1 bộ vest cho mình, giấu nhẹm mình là ông chủ giàu có của một công ty lớn. Nhưng ngay sau khi mặc ưng bộ vest đầu tiên của Nhà may Chương, anh ấy đã “PR” Nhà may Chương cho chính đội ngũ nhân viên của mình tới may.
Nếu gặp những khách hàng cực kỳ khó tính, không vừa ý với sản phẩm và nổi giận, cáu gắt, thậm chí “bắt đền”… thì sao? Anh có thể chia sẻ về cách ứng xử của Nhà may Chương?
- Bất kỳ khách hàng nào đến với Nhà may Chương đều được đón tiếp chu đáo, nhiệt tình. Từ việc tư vấn chất liệu vải, màu sắc, phong cách cho phù hợp với nhu cầu, thẩm m¬. Khi sản phẩm đã hoàn thành, nếu khách hàng chưa vừa ý, chúng tôi sẽ chỉnh sửa cho phù hợp. Thậm chí, nếu do chúng tôi, thì có thể đổi sản phẩm cho khách hàng. Nhưng những trường hợp này chỉ là thiểu số thôi.
Còn lại, tất cả mọi người khi đến với Nhà may Chương đều yêu mến, tin cậy. Nên chúng tôi chỉ coi những khúc mắc đó là bài học kinh nghiệm, để tích lũy, rút kinh nghiệm và hoàn thiện mình hơn thôi. Với Nhà may Chương “Khách hàng là Thượng đế”, khách hàng phải được mặc những bộ đồ đẹp nhất, sang trọng nhất và tinh tế nhất.
Mọi người rất ngưỡng mộ anh, bởi anh không chỉ là một trong những “thợ cả” với tay nghề cao, cảm nhận về thời trang tốt, mà còn là nhà quản lý có tầm nhìn, anh nghĩ sao?
- Từ nhỏ, tôi đã nuôi dưỡng, ấp ủ giấc mơ làm đẹp, làm giàu không chỉ cho bản thân, mà còn cho nhiều người, cho cộng đồng nữa. Lớn lên, tính cách này ngày càng định hình đậm nét. Khi Nhà may Chương đã nổi tiếng hai miền Nam, Bắc, thì tôi lại ý định đưa thương hiệu Nhà may Chương ra nước ngoài.
Ban đầu, mọi người trong gia đình không đồng ý. Vì đi xa, lợi nhuận nhiều và rủi ro lớn. Nhưng tôi quyết rồi, nghĩ là làm, những ngày sang Pháp, sang Nhật Bản tìm thị trường, tìm bạn hàng vất vả vô cùng, quên ăn trưa, quên ăn tối là chuyện thường... nhưng cảm giác thành công là niềm vui khó tả. Và tôi cứ mong muốn mở rộng nữa, tạo ra thật nhiều công ăn việc làm cho người Việt Nam, phải đóng góp nhiều hơn nữa trong việc phát triển kinh tế nước nhà và mang nhiều ngoại tệ về cho đất nước. Đó là ước muốn, niềm say mê cháy bỏng và lẽ sống của tôi.
Thời gian anh dành cho gia đình nhỏ của mình như thế nào?
- Đúng là tôi cứ mỗi tuần ở một nơi, lúc thì Hà Nội, khi thì Sài Gòn, lúc ở Nhật, khi lại ở Pháp. Nên thời gian tôi dành cho gia đình không nhiều. Nên cứ rảnh rỗi, là tôi lại đưa con đi chơi công viên, hoặc tới những khu du lịch, nghỉ dưỡng. Tôi mong muốn gửi gắm vào con trẻ nhiều điều, học mà chơi, chơi mà học.
Tôi mong muốn con tôi luôn có ước mơ lớn và không ngừng sáng tạo. Tôi luôn nói với con, con đừng bao giờ bằng lòng với ước mơ chỉ tốt nghiệp đại học, ra trường, đi làm vài triệu đồng là đủ. Mà con phải nghĩ lớn, ước mơ làm đẹp, làm giàu cho mình, cho xã hội. Đó mới là điều quý nhất.
Được biết, anh có thú chơi tao nhã, cầu kỳ, mà rất nhiều người mơ ước, ngưỡng mộ. Anh có thể chia sẻ về thú chơi này?
- Sau những giờ làm việc vất vả, căng thẳng, stress, ai cũng tìm thú vui cho mình. Có người dành thời gian quán bar, có người lại thích vào casino, người thích tennis, tập golf. Về thể thao tôi thích tập gym và chơi golf.
Còn về vật nuôi, tôi thích nuôi chim cảnh quý. Hiện nay, tôi đang sở hữu rất nhiều chim quý. Trong giới chơi chim, mọi người gọi tôi là “ông vua chim màu Việt Nam”. Hiện tại, ở cả hai nhà tại TP.Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội tôi có 5 chim hoàng khuyên đấu, 5 chào mào đấu, 1 bạch khuyên Indonesia, chào mào bạch, chào mào đầu trắng, sáo bạch, chích chòe than bạch… trị giá vài tỷ đồng. Con rẻ nhất có giá tới 250 triệu đồng/con.
Tôi mê chơi hoàng khuyên từ 5 năm trước. Để tìm mua được những chú chim mình thích, tôi lặn lội tới khắp các nơi như Hà Giang, Sơn La, Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng, TP.Hồ Chí Minh, TP.Hà Nội rồi ra cả nước ngoài để... mua chim. Chú bạch khuyên mắt trắng tôi mua từ Indonesia mới nhập về với giá hơn 300 triệu đồng.
Tôi ví những chú chim đấu giống như các ngôi sao bóng đá nổi tiếng mà nhiều “ông chủ” câu lạc bộ muốn sở hữu. Và các chú chim quý được tôi chăm sóc, nuôi dưỡng và cưng chiều như con vậy. Mỗi khi bên chúng, tôi cảm thấy vơi vất vả, thấy cuộc sống tĩnh tại, trầm lắng và nhẹ nhàng hơn.
“Tôi mong muốn con tôi luôn có ước mơ lớn và không ngừng sáng tạo. Tôi luôn nói với con, con đừng bao giờ bằng lòng với ước mơ chỉ tốt nghiệp đại học, ra trường, đi làm vài triệu đồng là đủ. Mà con phải nghĩ lớn, ước mơ làm đẹp, làm giàu cho mình, cho xã hội. Đó mới là điều quý nhất.”