“Lợi hại” như xưa
Kể từ khi biến cố xảy ra, ông Thành đã chiêm nghiệm ra nhiều điều. “Có 3 thứ mà không ai có thể cho mình ngoài chính mình, đó là sức khoẻ, kiến thức và hạnh phúc”, ông chia sẻ.
Ngoài tập thể dục, ông dành nhiều thời gian để đọc sách và đi du lịch. Nhìn lại những gì đã qua, ông nói: “Đó là những cung bậc của cuộc sống. Vấn đề là mình đã không làm điều gì sai để phải áy náy. Phải có thăng trầm mới là xã hội”.
Gặp lại ông sau một thời gian dài không phải để hỏi chuyện quá khứ và ông cũng chẳng muốn chia sẻ, vì ông đã gác lại chuyện quá khứ và để tâm trí vào nông nghiệp. Trong lĩnh vực nông nghiệp, ông không phải là người mới. Ngày 28/7/2014 tới, Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) do ông làm Chủ tịch sẽ tổ chức kỷ niệm 35 năm hình thành, đồng thời đánh dấu 3 năm chuyển sang mô hình tập đoàn.
Nghe ông nói chuyện nông nghiệp hấp dẫn không kém gì chuyện ngân hàng. Đầu tiên là chuyện bò Kobe. Trên thế giới, ngoài Nhật Bản, chẳng mấy nơi nuôi được loại bò kiểu “uống bia, mát-xa và nghe nhạc” này. Ở Việt Nam, trước giờ cũng chưa có ai nuôi thành công giống bò cao cấp đó. Nhưng ông đã làm được. Gần 100 con bò Kobe đang được nuôi tại xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Đầu năm tới, CTCP Bò Kobe Việt Nam do ông và mấy người bạn góp vốn sẽ cho ra những sản phẩm bò Kobe “Made in Vietnam” đầu tiên.
Câu chuyện bắt đầu từ năm 2009, khi đó ông còn là Chủ tịch Sacombank. Trong một chuyến đi Nhật, ông và ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Kềm Nghĩa, có cơ hội đến thăm một trang trại nuôi bò Kobe. Bị ấn tượng bởi ngành chăn nuôi cao cấp này, hai người bàn bạc và quyết định mời đối tác Nhật tham gia mở trang trại tại Việt Nam. Họ đem tinh bò Kobe về phối với bò sữa Việt Nam để tạo ra con giống. Ý định sau này là tạo con giống, nuôi cho đến khi khoẻ mạnh, sau đó chuyển ra ngoài cho nông dân chăm sóc, đến giai đoạn cuối lấy về vỗ béo và làm thịt bán.
Nếu mọi người đã từng biết về một “Đặng Văn Thành - Sacombank” thì có lẽ sắp tới sẽ biết thêm một “Đặng Văn Thành - bò Kobe”.
Biến cố chỉ xảy ra với cá nhân ông trong lĩnh vực tài chính. Con trai ông vẫn đang điều hành mảng kinh doanh bất động sản và con gái ông vẫn theo ngành truyền thống của gia đình là mía đường. Vợ ông phụ giúp các con. Thời gian qua, khi ông đi “chu du thiên hạ”, vợ ông luôn ở cạnh ông. Rời Sacombank, ông cùng gia đình tính nhiều việc “đại sự” trong ngành mía đường, dù nhiều người trong ngành đang than khó.
TTC Group hiện có 7 công ty con trong ngành mía đường là Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT), Đường Biên Hoà (BHS), Đường Ninh Hoà (NHS), Mía đường - Nhiệt điện Gia Lai (SEC), Mía đường Phan Rang (PRS), Công ty Thương mại TTC và Công ty Nghiên cứu Ứng dụng Mía đường TTC. Mục tiêu quan trọng nhất mà ông Thành đề ra cho các công ty này là phải giảm giá thành, kèm theo đó là 4 nhóm giải pháp.
Ông Thành cam kết, người trồng mía sẽ đạt lợi nhuận tối thiểu 9 triệu đồng/héc-ta |
Thứ nhất là nhóm giải pháp về khuyến nông. Ông đưa ra một ví dụ cho thấy, nếu nông dân làm chỉn chu sẽ mang lại hiệu quả cao: “Nông dân khi đốn mía, họ thường để lại phần gốc, nhưng đây lại là phần có trữ lượng đường cao. Khi vận chuyển, họ ít khi che đậy. Nhiều người chặt mía xong, thay vì mang thẳng vào nhà máy thì lại để ngoài đồng… Phải giúp nông dân thay đổi những thói quen này”.
Nhưng làm sao nông dân có thể chuyên tâm sản xuất khi tình trạng được mùa - mất giá và mất mùa - được giá luôn thường trực? Ông chia sẻ một cách khắc phục mà ông đang làm: “Ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, chúng tôi cam kết với nông dân rằng, nếu họ trồng mía thì lợi nhuận sẽ được đảm bảo tối thiểu 9 triệu đồng/héc-ta, so với mức trồng lúa hiện nay ở đây khoảng 7 triệu đồng/héc-ta”.
Thứ hai là nhóm giải pháp về tổ chức sản xuất. Ông nói: “Phải có máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến, quy trình sản xuất phù hợp, kiểm soát chất lượng sản phẩm nghiêm ngặt mới tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt nhất”.
Thứ ba là nhóm giải pháp về thị trường. Ông cho biết, TTC Group đang sử dụng nhiều kênh phân phối khác nhau theo từng đối tượng khách hàng như người tiêu dùng, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Với mỗi kênh khách hàng, theo các nhu cầu cụ thể, có thể đưa ra nhiều loại bao bì với chủng loại sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường như đường que, bao 1 tấn, 20kg, 10kg. Ông khoe: “Chúng tôi đang cung cấp đường que cho nhiều khách sạn tại TP. HCM”.
Cuối cùng là phát triển các sản phẩm “cạnh đường” và “sau đường” nhằm góp phần giảm giá thành hiệu quả. Tổng công suất các nhà máy điện sản xuất từ bã mía trong TTC Group hiện khoảng 100MW, trong đó 50% phục vụ nhu cầu nội bộ, còn lại bán cho lưới điện quốc gia. Ông nhấn mạnh: “Nếu Nhà nước có chính sách giá điện tốt cho các nhà máy kiểu này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tham gia tích cực vào việc sản xuất điện, giải quyết một phần tình trạng thiếu điện vào mùa khô, vì mùa khô thì thuỷ điện thiếu nước để chạy máy nhưng lại là mùa vụ mía”. Còn sản phẩm “sau đường” trước mắt sẽ là cồn thực phẩm.
SBT đã ký bản ghi nhớ với đối tác về việc đầu tư xưởng sản xuất cồn tại Tây Ninh. SBT và BHS đang có những khách hàng lớn như Pepsi, Coca-Cola, Vinamilk… Những người trong ngành đều đã biết đến SBT và BHS. Sắp tới, PRS sẽ sáp nhập vào SBT và NHS sáp nhập vào BHS, tạo thành tổ hợp doanh nghiệp mía đường quy mô lớn tại Việt Nam.
Con tằm thì phải nhả tơ
Thời gian qua, ông Thành ở Singapore một thời gian. Ông chia sẻ, “máu” doanh nhân có sẵn trong người nên nhiều lúc định đi nghỉ nhưng rồi không thể không bàn chuyện làm ăn. Ở đây, ông đã tìm được đối tác mua đường. Sắp tới, TTC Group sẽ xuất khẩu những tấn đường đầu tiên đi Singapore để thăm dò nhu cầu tại thị trường này.
Sau bò Kobe, mía đường, hiện nay dừa là câu chuyện mới của Đặng Văn Thành. Đầu năm 2014, CTCP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) thuộc TTC Group đã đầu tư 6 triệu USD xây nhà máy sản xuất sữa dừa (nước cốt dừa) đóng chai với công suất khoảng 10 triệu lít mỗi năm. Ông cho biết, tháng 12/2014 tới, nhà máy sẽ khánh thành và đi vào hoạt động. “Hiện đã có một công ty Mỹ và một công ty Indonesia muốn bao tiêu toàn bộ đầu ra, nhưng chúng tôi muốn giữ lại 20% để gây dựng thị trường trong nước”.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, CTCP Thành Ngọc mang tên vợ chồng doanh nhân này có nhà máy sản xuất trà tại Lâm Đồng. Năm ngoái, thương hiệu trà Ngọc Bảo đã xuất 2 container đầu tiên đi Mỹ.
Thời gian đâu ông có thể làm nhiều việc như thế? Ông nói: “Có tin không, tôi vẫn còn dư thời gian. Điều quan trọng nhất là tư duy quản trị. Làm ngân hàng hay làm gì cũng thế, người quản trị phải có khả năng lắp ghép các bộ phận riêng rẽ thành một guồng máy hoàn chỉnh, đến lúc đó mọi thứ sẽ tự động chạy”.
Vậy ông có ý định quay lại lĩnh vực ngân hàng không? “Khi thời điểm thích hợp” là câu trả lời của ông. Ông tiết lộ, ông sắp ra mắt trung tâm đào tạo về ngân hàng và cá nhân ông sẽ tham gia giảng một số buổi về quản trị ngân hàng.
Trung tâm này do CTCP Đào tạo Việt Thành Công (Viet Victory) quản lý. Mục tiêu là đào tạo các kỹ năng ứng dụng và bổ sung kiến thức chuyên sâu cho sinh viên ngành ngân hàng, cũng như trau dồi nghiệp vụ và kinh nghiệm quản trị cho nhân viên của các ngân hàng.
Ông bộc bạch: “Tôi luôn tâm niệm rằng, đã là doanh nhân, khi có điều kiện và có thể đóng góp được gì cho đất nước, cho xã hội thì tôi sẵn sàng làm”. Đó cũng là thông điệp ông viết trong tài liệu giới thiệu về Viet Victory với tư cách là nhà sáng lập.
Ông bổ nhiệm ông Trần Xuân Huy, nguyên Tổng giám đốc Sacombank, làm trợ lý và thay ông điều hành trung tâm này. Nhiều nhân viên cũ của Sacombank sẽ được mời về để tham gia giảng dạy. Đến nay, trung tâm đã nhận được đơn đặt hàng từ nhiều ngân hàng.
“Xã hội đã phân công, đã mang thân tằm thì phải nhả tơ. Công việc mới này sẽ giúp tôi thoả mãn một phần tâm huyết đối với hoạt động ngân hàng”, ông tâm sự.