Ông Thăng khẳng định PVN làm đúng quy định
Trong phiên xét xử sáng 20/3, ông Thăng thừa nhận việc có trách nhiệm trong việc bảo toàn và phát triển vốn của PVN trên cương vị Chủ tịch HĐQT. Tuy nhiên, ông cho rằng năm 2011 đã không còn giữ chức vụ này nên trách nhiệm thu hồi 800 tỷ đồng thuộc về PVN.
Đại diện VKS hỏi việc Nghị quyết 7289 về việc góp vốn đã được Thủ tướng phê duyệt chưa, ông Thăng khẳng định “Không có quy định nào phải trình xin ý kiến Thủ tướng khi ký Nghị quyết”.
Ông Thăng cho rằng trong nghị quyết có nhiều nội dung nhưng chưa phải là quyết định, mới là báo cáo. Theo ông, nghị quyết cũng chỉ là nội bộ, việc đầu tư ra ngoài phải có ý kiến của Thủ tướng. “Nghị quyết đó chưa cần có ý kiến của Thủ tướng vì nó chưa là quyết định tham gia góp vốn”, nguyên chủ tịch PVN nói. Ông Thăng cũng khẳng định PVN đã làm đúng quy định trước khi đầu tư vào Oceanbank.
Công tố viên tiếp tục hỏi về việc Bộ Tài chính từng yêu cầu PVN báo cáo tình hình Oceanbank trước khi góp vốn, ông Thăng cho rằng công văn đó chỉ để PVN biết, không để thực hiện. Việc PVN đầu tư vào Oceanbank, theo nguyên chủ tịch PVN là không chỉ đầu tư ngoài ngành mà còn giải quyết hệ lụy là ngân hàng Hồng Việt.
Đại diện VKS đặt câu hỏi về việc kiểm tra, giám sát hoạt động của Oceanbank, kết luận thanh tra số 427 năm 2012 của Ngân hàng Nhà nước thấy rằng Oceanbank thua lỗ. Ông Thăng cho rằng việc kiểm tra giám sát là của các bộ, ngành. Bản thân ông Thăng khẳng định không biết kết luận thanh tra số 427 vì đã chuyển công tác. Còn các báo cáo trình lên khi ông đang ở PVN đều cho thấy Oceanbank hoạt động tốt.
Công tố viên sau đó đã đọc Kết luận thanh tra ngày 27/12/2012 cho thấy Oceanbank kinh doanh thua lỗ gần 1.000 tỷ đồng năm 2011. Theo đại diện VKS, căn cứ vào số liệu này, PVN cho rằng Oceanbank làm ăn có hiệu quả là không có căn cứ.
Lúc này ông Thăng cho rằng PVN đầu tư vào Oceanbank được chia cổ tức, là có lợi nhuận, hiệu quả. Tuy nhiên, đại diện VKS cho rằng đánh giá đó chỉ là nhận thức cá nhân của bị cáo.
Ông Hà Văn Thắm khai gì?
Cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank phủ nhận việc đánh giá ngân hàng này là yếu kém. Ông nói “Vì tỷ lệ an toàn vốn thấp, Oceanbank thiếu khoảng hơn 60 tỷ đồng trích lập dự phòng. Do Oceanbank chỉ có vốn 1.000 tỷ, nếu tăng lên 2.000 tỷ sẽ có tiền trích lập dự phòng”.
Ông Hà Văn Thắm với tư cách người làm chứng |
Trước câu hỏi của luật sư về PVN có tìm hiểu Oceanbank hay không? Ông Thắm cho biết ngân hàng đã niêm yết công khai báo cáo tài chính trên mạng, ban trù bị Hồng Việt có thể tự lấy, tự đánh giá không cần tiếp xúc. Nguyên Chủ tịch HĐQT Oceabank cũng cho rằng PVN áp dụng tiêu chuẩn cách tính lỗ mới nên mới đánh giá Oceabank thua lỗ.
Nói về thỏa thuận góp vốn với PVN vào tháng 9/2008, ông Thắm cho rằng các điều khoản PVN đưa ra đều chấp nhận. Ông Thắm cho rằng điều kiện của PVN là tiếp thu toàn bộ cơ sở vật chất và nhân sự của Hồng Việt. Theo lời ông Thắm, bị cáo Đinh La Thăng xem việc ký biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác là một việc nghiêm túc và yêu cầu các bên phải tuân thủ.
Ông Thắm trình bày việc tăng vốn điều lệ là theo nội dung đại hội cổ đông, ở đó có người của Ngân hàng Nhà nước làm giám sát. Ông này cũng khẳng định, Oceanbank đã làm tất cả các nghiệp vụ để đảm bảo tính pháp lý cho việc tăng vốn như xin giấy phép tại Sở kế hoạch và Đầu tư, xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước.
Cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank cho biết PVN từng có cơ hội “thoát lỗ” khi có đối tác muốn mua lại 20% vốn của tập đoàn tại Oceanbank. Tuy nhiên, sau khi ông Thắm vướng lao lý thì ngân hàng Oceanbank bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng. Việc này, theo ông Thắm là không đúng. Nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank cho rằng: “Việc mua 0 đồng hay không còn phải xem bản chất ngân hàng có yếu kém không”, ông Thắm nói.