10 người bị truy tố gồm: Trần Phương Bình (cựu Tổng Giám đốc DAB), Nguyễn Thị Kim Xuyến (cựu Phó Tổng Giám đốc DAB), Trần Đạo Vũ (cựu Phó Tổng Giám đốc DAB kiêm Giám đốc chi nhánh Hà Nội), Lương Ngọc Quý (cựu Giám đốc DAB chi nhánh Hà Nội), Nguyễn Thị Kim Đường (cựu Phó Giám đốc DAB chi nhánh Hà Nội), Phan Thúy Mai (cựu Giám đốc Công ty An Phát) và 4 nhân viên DAB chi nhánh Hà Nội.
Đây là vụ án thứ 3 ông Bình bị truy tố. Trước đó, ông Trần Phương Bình bị truy tố, đưa ra xét xử và tuyên phạt tù chung thân trong vụ án Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) và đồng phạm chiếm đoạt, làm thất thoát tiền của DAB năm 2018. Đến năm 2020, ông Bình tiếp tục bị truy tố, xét xử, tuyên phạt tù chung thân thứ 2 trong vụ thất thoát hơn 8.000 tỷ đồng của ngân hàng.
Theo cáo trạng, Công ty An Phát do bà Phan Thúy Mai là Giám đốc đại diện theo pháp luật. Phan Thúy Mai đã lợi dụng mối quan hệ thân thiết với Tổng giám đốc DAB Trần Phương Bình và Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Kim Xuyến (sở hữu 5% cổ phần tại Công ty An Phát) vận động để Bình, Xuyến chỉ đạo chi nhánh DAB giải ngân nhanh, phải làm hồ sơ nhanh chóng, bỏ qua các quy trình thẩm định, không thực hiện đúng các thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo, để Công ty An Phát được giải ngân các khoản tín dụng rất lớn.
Ngoài ra, bản thân Mai sử dụng các tài sản chưa đủ tính pháp lý để thế chấp, đảm bảo cho các khoản vay, sử dụng biên bản họp hội đồng quản trị giả để giao dịch vay vốn ngân hàng.
Cơ quan chức năng xác định trong thời gian từ năm 2007 đến năm 2014, một số cán bộ, lãnh đạo Ngân hàng DAB gồm Trần Phương Bình, Nguyễn Thị Kim Xuyến, Trần Đạo Vũ… đã có hành vi vi phạm quy định trong việc xét duyệt hồ sơ tín dụng cho Công ty An Phát, Công ty TNHH Star Hair, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Tràng An vay số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Ngân hàng DAB số tiền hơn 184 tỷ đồng.
Tại cơ quan điều tra, Phan Thúy Mai khai việc thực hiện vay vốn nhằm mục đích chi phí dự án và để trả gốc lãi cho các khoản vay của Công ty An Phát tại DAB. Đối với hợp đồng vay vàng khống của DAB và Phan Thúy Mai ký hợp đồng và luân chuyển có nội dung Ngân hàng DAB cho Công ty An Phát vay 115.000 chỉ vàng, tài sản đảm bảo quyền sử dụng đất mang tên Công ty An Phát trị giá hơn 447 tỷ đồng. Thực tế đây là hợp đồng khống để giúp ông Bình hợp thức hóa các khoản tiền thâm hụt vốn chủ sở hữu, Mai không mang vàng ra khỏi ngân hàng.
Về phần mình, ông Bình thừa nhận việc đồng ý duyệt cho Công ty An Phát vay vốn tại một số hợp đồng khi chưa có đủ điều kiện về tài sản đảm bảo, các hợp đồng tín dụng vay 18 tỷ thông qua Công ty Tràng An và giải ngân 35,5 tỷ đồng là do nể nang Mai đã giúp ông lập hợp đồng khống hợp thức việc âm quỹ vàng nên mới tạo điều kiện để giải ngân cho Công ty An Phát. Ông Bình khai, việc giải ngân cho Công ty An Phát cũng nhằm hợp thức hóa để thu được lãi, tránh tăng nợ xấu cho ngân hàng./.