Ông Út làm việc thiện

(PLO) - Bên cạnh phố phường xô bồ là một Sài Gòn bao dung, nhân ái. Ở đó, còn biết bao người lặng lẽ ngày ngày làm việc thiện như người bốc thuốc ở dạ cầu, nuôi dạy trẻ mồ côi, tàn tật âm thầm cưu mang, nuôi nấng, chở che cho muôn vạn phận đời. Ông Út ở hẻm 96 đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận là một trong số đó.
“Ông Việt từ thiện”.
“Ông Việt từ thiện”.

Nên duyên, thành nghiệp 

Ở đầu con hẻm số 96 đường Phan Đình Phùng có một người đàn ông ngày ngày âm thầm làm việc thiện từ vá vỏ xe đạp, xe máy miễn phí cho người khuyết tật, ngày ngày pha bình trà đá cho người lượm ve chai đến tủ thuốc cho người tai nạn, lo cái hòm cho người nằm xuống…Người dân vẫn quen gọi ông là “Việt từ thiện”.

Thật ra, tên khai sinh của ông là Đỗ Văn Út, Việt là tên mọi người gọi ông ở ngoài đời. Tính tuổi ta, năm nay ông 55. Những người sinh ra ông đã lập nghiệp ở đây từ mấy đời trước nên bây giờ ông vẫn còn giữ thói quen gọi con hẻm 96 Phan Đình Phùng là xóm.

Ngày chưa cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, xóm ông nằm xoay lưng vào con kênh. Khi có đường Hoàng Sa, hẻm trở thành đường thông, xe ra vào tấp nập. Với ông, từ khi mới lớn, nơi kiếm sống đầu tiên là đầu con hẻm. Không khác giờ, kế cột đèn là bộ đồ nghề sửa xe.

Sửa đến năm 1981, khi đủ 18 tuổi, ông bước chân vào đời lính, biên chế ở Trung đoàn Gia Định và sang Campuchia. Hơn ba năm khói lửa sống chết, hết nghĩa vụ, ông giải ngũ và bôn ba qua đủ thứ nghề: Buôn bán xe gắn máy, đạp xích lô… Cuối cùng, ông trở lại góc hẻm, dưới cây cột điện với bộ đồ nghề sửa xe cũ và kiêm luôn nghề xe ôm. 

Cả buổi trưa đến chiều ngồi cạnh ông, cả hai phần nhiều im lặng, trừ lúc ông dặn dò khách sau khi vá xong “nên thay cái vỏ mòn”, “đi cân lại cái chảng ba”… gặp người già, ông nhắc đi nhắc lại vì sợ khách nghe không rõ. Độ chừng một tiếng, ông lại bước đến cái cột điện, nơi treo bình trà đá, mở nắp kiểm tra và đổ thêm nước, đá.

Vóc người bé nhỏ, khuôn mặt khắc khổ, nhìn ông giống với mẫu người cẩn thận, kiệm lời và chịu đựng, nhưng mỗi khi mở miệng đối đáp với người quen, câu trả lời của ông lại thật hóm hỉnh, chọc cười. Người xe ôm uống nước xong quay mặt nói với vào, giọng cà rỡn: “Lần sau cho cái ca bự để đỡ mất công vặn vòi”.

Ông đáp trả: “Lần sau tui đóng chai sẵn”. Một chị ve chai đi ngang bị đau bụng, ông mở tủ lấy chai dầu. Thoa dầu xong, chị liếc xéo, chọc: “Có thuốc ngừa thai không anh?”. Ông tỉnh bơ: “Có thuốc dưỡng thai thôi!”. Người phụ nữ cười khúc khích bước đi. Họ ghẹo vì biết đường vợ con của ông cũng lắm trúc trắc trục trặc.

Ông không có con. Qua mấy lần hợp tan, đến người vợ bây giờ đang sống với ông chấp nhận chuyện đó. Từ lâu, căn nhà cũ trong hẻm của cha mẹ không còn, ông xuống ở nhà vợ dưới Hóc Môn. Sau vụ tai nạn năm 2011 việc đi lại càng khó khăn nên gần đây hai vợ chồng ông  đến đường Cô Giang, cách hẻm 96 ngoài trăm mét thuê phòng trọ. Ngày ngày, vợ đi làm tạp vụ. Còn ông đã thành người “ở đậu” tại góc đường xóm mình mấy chục năm nay: hơn năm giờ sáng có mặt, hơn sáu giờ tối mới dọn về.  

Hỏi ra mới biết, những việc thiện kia, ông âm thầm làm từ lâu lắm rồi. Kể từ khi vào nghề sửa xe, vá vỏ, ông không lấy tiền của người khuyết tật. Nhìn người ngồi xe lăn bán vé số, ông “ngưỡng mộ và khâm phục ý chí vượt qua khiếm khuyết để sống” của họ.

Tủ thuốc và dịch vụ trợ táng được treo công khai đầu hẻm.
Tủ thuốc và dịch vụ trợ táng được treo công khai đầu hẻm.

Đoạn đường nơi ông ngồi thường xảy ra tai nạn, nên mỗi lần sơ cứu người té xe, ông phải chạy một đoạn mới đến tiệm thuốc tây, lại còn khi mua được khi không. Mấy năm trước, ông chợt nảy ra sáng kiến làm tủ thuốc từ thiện, vừa nhanh chóng cứu người tai nạn vừa giúp người lỡ độ mà đau bụng, nhức đầu.

Thấy cảnh người lượm ve chai đi mua bịch trà đá giữa trưa, chủ tiệm vui thì bán, buồn thì lắc, bình trà đá miễn phí ra đời. Không ít kẻ nghèo khó, chết không có tiền mua quan tài, nghĩa tử nghĩa tận, ông liên hệ cơ sở mai táng xin một cái. Cứ ba tháng gom góp, ông lại bỏ ra một ngày theo một đoàn từ thiện đi đâu đó, nơi có người nghèo. Dần dà, mọi chuyện thành quen, thành duyên, thành nghiệp.    

Khi điều thiện lây lan

Ban đầu, ông Việt làm việc một mình. Tiền sửa xe mỗi ngày, ông dành ra một phần để mua thuốc, trà, đá, mỗi thứ một ít. Sau, một người bạn già tên Đỗ Văn Phúc, làm nghề xe ôm đầu hẻm 96 thấy việc nghĩa nên góp công, góp của.

Buổi sáng, ông Phúc phụ trách tủ thuốc, buổi chiều vì giữ xe một chung cư nên ông Phúc giao lại cho cô con gái (bán thuốc lá ngoài đường) trông tới tối. Lâu dần, trong hẻm thấy chuyện giúp người nên làm bèn rủ nhau đóng góp thêm, người bịch trà, vỉ thuốc, người góp tiền, nước uống… 

Thỉnh thoảng, những người đi đường biết việc hẻm 96 có nghĩa cử đẹp cũng ghé lại góp thêm phần nhỏ. Tủ thuốc đầy lên, bình trà đá thơm ngọt hơn. Tiếng lành đồn xa, có chi nhánh ngân hàng dành một ngày lương được hơn hai triệu đồng mua thuốc bệnh đến tặng.

Bây giờ đầu hẻm đã là hai tủ thuốc. Những người bán vé số, lượm ve chai, chạy xe ôm, ba gác cũng ghé lại nhiều hơn. Chỉ tính trà đá, mỗi ngày ông Việt đổ vào bình hàng trăm lít nước.

Tôi mời điếu thuốc, ông lắc đầu “đã bỏ ba năm rồi”. Thì ra, chuyện ông bỏ thuốc lá cũng liên quan đến hành trình làm điều thiện. Nhưng những việc thiện đó khác với viên thuốc, ly trà hàng ngày: chống lại cái ác. Hàng chục năm trước, từ khi ra góc đường vá xe, chướng tai gai mắt với nạn cướp giật, trộm cắp, buôn bán ma túy trên đường, trong xóm, ông đã tham gia loại trừ.

Không ít tin báo kịp thời của ông lên lực lượng chức năng phường, quận, không ít lần ông trực tiếp tham gia vây bắt… Ông rơi vào “tầm ngắm” của giới phạm pháp. 

Một buổi mờ sáng của năm 2011, đang trên đường đi làm (lúc bấy giờ vợ chồng còn ở dưới thị trấn Hóc Môn) ông bị “trả đũa”. Bốn đối tượng kè theo ông một đoạn đường, đến khúc vắng, hai kẻ rú ga vượt lên trước cúp đầu xe ông. Linh cảm có chuyện chẳng lành, thay vì dừng lại, ông lao thẳng xe vào hai đối tượng nọ.

Một người lái xe ôm ghé thùng trà đá miễn phí giải khát.
Một người lái xe ôm ghé thùng trà đá miễn phí giải khát.

Vỏ trước nổ tung, người và xe vật ra đường. Trước lúc bất tỉnh, ông còn kịp nhìn thấy hai kẻ lạ mặt phía sau xuống xe, bước tới dòm mặt ông. Thấy đầu nạn nhân phụt máu, mềm oặt, chúng bỏ đi. 

Người đi đường phát hiện, lay gọi ông tỉnh dậy. Về nhà băng bó vết thương xong thấy bình thường nên ông không đi khám nữa. Ai dè, hơn hai tuần sau đó, một đêm đầu đau như búa bổ, sốt li bì. Người vợ vội vàng đưa ông đến nhà thương mới hay não tụ máu sau cú té.

Bác sĩ phải khoan hai bên sọ hút máu bầm ra. Ai cũng bảo ông mạng lớn, phải người khác coi chừng đã “rồi đời”. Sau hai tháng nằm viện mất hai chục triệu, ông trở lại con hẻm, tiếp tục đối mặt với cái ác như một lời cảnh báo. 

Bao năm làm việc thiện, không ít lần xong việc, lòng ông cứ day dứt. Người nghèo khó khi nằm xuống, được tặng cái hòm tử tế cũng mừng, nhưng đám ma đâu chỉ có cái hòm là xong, tẩm liệm, xe cộ, lò thiêu… cái gì cũng tốn tiền. Mấy đám gần đây, cơ sở mai táng chỗ ông quen chỉ tính gói gọn chừng 10 triệu đồng, giá thế đã là rẻ nhiều mà gia đình lo đâu có đủ.

Lúc đó, mọi người tứ tán, quen ai xin nấy để góp vô, nhưng không lẽ cứ xin hoài coi sao đặng. Ông ước, giá như biết thêm những điểm từ thiện, để còn giới thiệu cho người nghèo khi hữu sự. 

Câu chuyện buồn bỗng bị cắt khi bà bán cơm trong hẻm đi ra cất tiếng chen ngang. Bà có người em ruột đang sống ở Canada, đọc báo hay tin hẻm 96 làm nhiều việc thiện nên gọi về hỏi thăm. Cuối cuộc điện thoại, người em gái hỏi chị có góp gì không, người chị nhanh miệng: “Có chớ!”. Ông ngước lên nghe rồi cười nhẹ. Bà bán cơm đi rồi, ông Việt mới kể, đều đặn mỗi tháng hai lần, chị góp 300 phần cơm chay cho người nghèo. 

Thỉnh thoảng, người đi ngang đường lại rà thắng xe dòm dòm ông. Vẻ mặt hơi ngượng ngùng, ông lẩm nhẩm: “Chuyện này người Sài Gòn làm thiếu gì”. Lời lẩm nhẩm ấy vô tình đã nói thay cho những ai chọn nơi này làm bến đậu: Bên cạnh một Sài Gòn xô bồ, chụp giựt, vội vàng là một Sài Gòn bao dung, nhân ái. Ở đó, còn biết bao người vẫn lặng lẽ ngày ngày làm việc thiện như ông, cha con ông Phúc, bà bán cơm trong hẻm hay người bốc thuốc ở dạ cầu, nuôi dạy trẻ mồ côi, tàn tật. 

Đọc thêm