Với những chiêu trò quen thuộc như những sàn đa cấp tiền ảo khác, Orius Capital chiêu dụ khách hàng bằng cách treo thưởng siêu xe, hứa hẹn lãi suất cao không tưởng gấp cả chục lần đầu tư bất động sản hay gửi tiết kiệm ngân hàng. Tuy nhiên thực tế thì Orius Capital hoạt động theo mô hình huy động vốn kim tự tháp, lấy tiền người vào sau trả cho người vào trước.
Đại diện Orius Capital tại Việt Nam dùng chứng minh giả?
Phạm Hoàng Nghi, người có 2 thẻ căn cước công dân với 2 mã số khác nhau. Hiện tại Nghi là leader của Orius Capital hay nói đúng hơn là người cầm đầu tổ chức đa cấp tiền ảo Orius Capital tại Việt Nam.
“Ceo” gốc Cà Mau này thường xuyên tổ chức những hội thảo hoành tráng ở các thành phố lớn để thổi vào tai những lời có cánh nhằm chiêu dụ khách hàng nhẹ dạ cả tin. Để thuyết phục khách hàng, Nghi thường xuyên đăng trên facebook, zalo của mình khi, đứng cạnh xe sang, check in ở những resort và số tiền lớn mà khách hàng đã chuyển tiền cho mình.
Theo như lời giới thiệu của Nghi thì Orius Capital có văn phòng đại diện và giấy phép kinh doanh tại HongKong và văn phòng phát triển châu Á thì được đặt tại Singapore. Ba nhân vật then chốt của Orius Capital là ông Diago Lospez Vea (CEO), nhà phát triển Enge Chee Seng và ông trùm Blockchain Edward Deng.
|
Căn cước công dân bị nghi ngờ giả mạo của Phạm Hoàng Nghi |
Đứng trên sân khấu chàng trai trẻ này rót những lời đường mật và tai khách hàng nào là “dự án siêu lợi nhuận, chỉ cần bỏ tiền vào là rung đùi ngồi đếm tiền với lãi suất 0,5- 2.8 % mổi ngày”, hay “Mới tham gia với Orius Capital 3 tháng nhưng đã có siêu xe và biệt thự”.
Tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên thì website oriuscapital.com được thiết kế tương tự như các website của các sàn đa cấp tiền ảo đã sập trước đây. Khi khách hàng bỏ tiền vào đầu tư đến một lúc chủ sàn cảm thấy kiếm đủ và cho sập thì khách hàng xem như mất trắng.
Cảnh báo từ Cục an ninh kinh tế
Thời gian vừa qua có rất nhiều vụ lừa đảo tiền ảo chấn động tại Việt Nam như tiền ảo AOC tại những huyện nghèo thuộc tỉnh Bắc Giang, IFan trên nền tảng huy động vốn bằng hình thức trả lãi (lending platform) hay hợp tác xã đào tiền ảo Sky Mining. Những vụ việc gắn với loại hình đầu tư mới này đều kết thúc bằng gương mặt thất thần của nhà đầu tư cùng hàng trăm nghìn tỷ đồng đã không cánh mà bay.
Theo Cục an ninh kinh tế, thời gian qua cơ quan điều tra tiếp nhận nhiều đơn tố cáo của người dân về việc đầu tư vào tiền ảo và bị chiếm đoạt tài sản.
Trên các diễn đàn liên tục quảng cáo, giới thiệu người dân dùng tiền thật mua các gói tiền ảo này để đầu tư và thu lợi nhuận khủng. Tuy nhiên, cách mua bán này tương tự như tham gia mua bán hàng đa cấp, đánh vào tâm lý muốn lợi nhuận cao của người mua.
“Người chơi được hưởng tiền lãi nhưng không biết số tiền này được trích ra từ tiền của người gửi sau, trả cho người gửi trước, tương tự tham gia đa cấp. Tuy không có gì để bán, mà bên bán hàng vẫn thu được lợi nhuận khổng lồ theo nguyên tắc 'lấy mỡ khách trước, rán khách sau”, cơ quan CSĐT khuyến cáo.
Cục an ninh kinh tế cảnh báo do không có cơ quan giám sát và không được pháp luật công nhận nên tiền ảo không được xem là tiền tệ, không có giá trị thanh toán. Do đó, rủi ro khi tham gia vào mô hình đầu tư này rất cao.