PGĐ Bệnh viện Phong - Da liễu TƯ Quy Hoà bị tố gian dối về bằng cấp: Bộ Y tế có bao che vi phạm?

(PLO) - Bộ Y tế vừa công bố Kết luận thanh tra (KLTT) xác minh đơn tố cáo đối với ông Vũ Tuấn Anh, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hoà (đóng tại TP Quy Nhơn, Bình Định). Tuy nhiên, các cán bộ, bác sỹ đứng đơn tố cáo cho rằng, kết luận này là không thuyết phục, chưa rõ ràng và nhiều mâu thuẫn.
Văn bằng Cục KT&KĐCLGD và văn bằng ông Tuấn Anh cung cấp cho Đoàn thanh tra mâu thuẫn nhau
Văn bằng Cục KT&KĐCLGD và văn bằng ông Tuấn Anh cung cấp cho Đoàn thanh tra mâu thuẫn nhau

Không đủ cơ sở công nhận bằng cấp, vẫn cho là “tố cáo không đúng”

Đơn tố cáo của 4 cán bộ, bác sỹ đang công tác tại Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hoà (BV) nêu rõ, theo quy định về hệ thống văn bằng của nước ta thì khoảng thời gian từ tháng 10/2013 đến ngày 3/6/2016, ông Tuấn Anh chưa được công nhận tiến sỹ (TS). Văn bằng chưa có giá trị pháp lý nhưng ông Tuấn Anh vẫn khai trình độ chuyên môn là TS để ứng cử vào các chức danh lãnh đạo BV và ứng cử cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020.

Tháng 03/2017, Bộ Y tế đã thành lập Đoàn thanh tra thực hiện xác minh tố cáo (do ông Vũ Sỹ Vân- Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế làm trưởng đoàn). Ngày 08/5/2017, Bộ Y tế có KLTT số 510 cho rằng nội dung tố cáo đối với ông Tuấn Anh “không đúng”.

Tại KLTT này, Bộ Y tế nêu, trong Văn bản trả lời số 2716 ngày 25/10/2013, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, (Cục KT&KĐCLGD) Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Trường Đại học (ĐH) Jutendo Nhật Bản là trường ĐH có uy tín, đã được Hội đồng Kiểm định Đại học Nhật Bản kiểm định chất lượng. Theo trang web chính thức của Tổ chức Quốc gia về đánh giá các văn bằng ĐH Nhật Bản trong hệ thống giáo dục của Nhật Bản , chương trình đào tạo TS kéo dài từ 3 – 5 năm tùy chuyên ngành. Ông Vũ Tuấn Anh theo học chương trình đào tạo TS trong 2 năm do đó hiện tại Cục chưa có đủ cơ sở để công nhận văn bằng này” và “trong trường hợp ông Tuấn Anh có nguyện vọng được công nhận thì Cục sẽ liên hệ với cơ quan quản lý giáo dục để… xem xét. “

Như vậy có nghĩa, tại thời điểm ứng cử vào chức danh lãnh đạo, văn bằng của ông Tuấn Anh chưa được công nhận, tức là ông Tuấn Anh chưa phải là TS. Thế nhưng, mặc dù kết luận “tố cáo không đúng” nhưng Kết luận 510 của Bộ Y tế lại không đề cập đến tài liệu, chứng cứ quan trọng liên quan đến tố cáo như: bảng khai lý lịch và các văn bản thể hiện việc khai nhận bằng cấp, trình độ chuyên môn khi ứng cử chức danh Giám đốc BV của ông Tuấn Anh. 

KLTT không đi thẳng vào nội dung tố cáo ông Tuấn Anh có khai bằng cấp không đúng quy định pháp luật tại thời điểm ứng cử hay không mà Bộ Y tế vẫn vội vàng đưa ra kết luận “tố cáo không đúng”. KLTT  chẳng khác gì bảng tóm tắt quá trình công tác, học tập của ông Tuấn Anh và “hành trình” từ việc chưa được công nhận bằng tiến sỹ đến khi được công nhận văn bằng. 

Nhiều nội dung mâu thuẫn

Không đồng tình với KLTT nói trên, 4 cán bộ, bác sỹ đứng đơn tố cáo đã có đơn gửi Bộ trưởng Bộ Y tế và Thanh tra Bộ Y tế cho rằng KLTT trái ngược với những chứng cứ mà đoàn thanh tra thu thập được, trái với các quy định của pháp luật có liên quan.

Cụ thể, Công văn của Cục KT&KĐCLGD nêu rõ ông Tuấn Anh theo học chương trình đào tạo TS trong 2 năm, tức là thời gian đi học là chưa đủ. Do đó hiện tại Cục KT&KĐCLGD chưa có đủ cơ sở công nhận văn bằng này. Đến ngày 3/6/2016, ông Tuấn Anh mới được công nhận là TS.

Theo quy định về tiêu chuẩn lãnh đạo các đơn vị của Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện hạng I thì phải là TS hoặc bác sỹ CKII. Đối với ông Tuấn Anh do đi học TS nước ngoài nên theo quyết định 77/2007, văn bằng chỉ có giá trị pháp lý khi đã được Cục KT&KĐCLGD công nhận. Tuy nhiên khi bằng cấp chưa được công nhận, chưa có giá trị pháp lý, ông Tuấn Anh đã khai trong hồ sơ là TS để ứng cử vào chức danh lãnh đạo BV. “Nội dung tố cáo này của tôi có chứng cứ đã rất rõ nhưng lại bị cho là tố cáo không đúng?”- một bác sỹ bức xúc nói.

Các bác sỹ cũng chỉ ra nhiều nội dung mâu thuẫn trong KLTT như: trong phần tài liệu người bị tố cáo cung cấp có ghi “văn bằng TS y khoa số 2124 ngày 11/3/2010”, nhưng trong phần tài liệu do BV cung cấp lại ghi “Báo cáo kết quả công tác, học tập ở nước ngoài của đồng chí Vũ Tuấn Anh (kèm theo xác nhận của Trường ĐH Juntendo, Tokyo, ngày 11/3/2010 về xác nhận TS y khoa số 2124”. Vậy ở đây là “văn bằng” hay là “giấy xác nhận”? Theo các bác sỹ, thực tế tài liệu thu thập là giấy chứng nhận- Certificate, không có văn bằng số 2124.

Một điều kỳ lạ nữa, trong phần kết quả kiểm tra xác minh có nêu “ông Tuấn Anh hoàn thành khóa học, được trường ĐH Juntendo, Nhật Bản cấp văn bằng TS Y khoa số 2124, ngày 11/3/2010, được trao vào ngày 20/02/2010”. Như vậy, ông Tuấn Anh được trao văn bằng trước khi được cấp?

Trong KLTT cũng nêu “Cục KT&KĐCLGD công nhận Văn bằng số 2124 ngày 20/02/2010. Trong khi cái mà ông Tuấn Anh cung cấp là “Văn bằng TS Y khoa số 2124 ngày 11/3/2010”. Vậy đâu mới là văn bằng chính xác của ông Tuấn Anh, việc công nhận văn bằng của Cục KT&KĐCLGD có vấn đề hay kết luận của Bộ Y tế sai sót?

“Đơn tố cáo của tôi là có cơ sở, phù hợp với các chứng cứ xác minh về việc ông Tuấn Anh đã khai man là TS để ứng cử vào vị trí Giám đốc bệnh viện, vi phạm tư cách cán bộ Đảng viên, vi phạm quy định số 181 của Ban Bí Thư Trung ương và vi phạm Điều 13 trong 19 điều Đảng viên không được làm (báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch, lịch sử bản thân không trung thực)”- một bác sỹ khẳng định.

Đọc thêm