Phá dỡ tàu cũ trái phép ngay tại bãi bồi ngoài đê Văn Úc

(PLO) - Hai tháng qua, một con tàu cũ đã được chuyển đến khu vực bãi bồi ngoài đê Văn Úc, đoạn gần chân cầu Khuể (thuộc địa bàn xã Chiến Thắng, huyện An Lão) để tiến hành phá dỡ. Nhưng sai phạm của doanh nghiệp do không đủ điều kiện phá dỡ tàu cũ lại chưa được cơ quan chức năng xử lý triệt để.
Tàu bị “xẻ thịt” tại khu vực bãi bồi sông Văn Úc
Tàu bị “xẻ thịt” tại khu vực bãi bồi sông Văn Úc

Theo phản ánh của người dân xã Chiến Thắng, huyện An Lão, khoảng cuối tháng 5 vừa qua, một con tàu đã được chuyển đến khu vực bãi bồi ngoài đê Văn Úc đoạn gần xưởng đóng tàu của Công ty TNHH Thương mại Khiên Hà (gần chân cầu Khuể-PV). Sau khi neo đậu tàu chắc chắn, các công nhân đã “xẻ thịt” con tàu với mục đích chính là… bán sắt vụn.

Qua tìm hiểu, được biết, doanh nghiệp tiến hành phá dỡ con tàu trên là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Cơ khí Thắng Lợi (trụ sở tại khu Cảng Vật Cách, xã An Hồng, huyện An Dương, Hải Phòng; Giám đốc là ông Phạm Văn Thắng).

Theo Quyết định số 4711/QĐ-BGTVT ngày 31/12/2015 về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết cơ sở phá dỡ tàu giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ GTVT, dự kiến cả nước sẽ chỉ có 5 nhà máy có khả năng xử lý chất thải, đảm bảo môi trường được chuyển thành các điểm phá dỡ tàu cũ. Theo đó, khu vực phá dỡ được xác định sẽ tập trung tại Hải Phòng và một số vùng phụ cận. Hiện có 5 cơ sở nằm trong quy hoạch có khả năng tham gia vào phá dỡ tàu, trong đó có 4 nhà máy tại Hải Phòng, Quảng Ninh và 1 nhà máy ở miền Trung. 

Thừa nhận Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Cơ khí Thắng Lợi không nằm trong số 4 nhà máy nói trên tại Hải Phòng nhưng ông Phạm Văn Thắng vẫn biện minh: “Chúng tôi có Đăng ký kinh doanh với hạng mục phá dỡ tàu, có đánh giá tác động môi trường việc phá dỡ và liên doanh với 1 đơn vị để xử lý chất thải nguy hại. Toàn bộ giấy tờ của doanh nghiệp đã được cơ quan chức năng kiểm tra rồi”.

Tuy nhiên, khi PV Báo Pháp luật Việt Nam đề nghị cung cấp các giấy tờ liên quan thì ông Thắng từ chối cung cấp.

Ông Thắng làm việc với PV
Ông Thắng làm việc với PV

Cũng theo ông Thắng, toàn bộ thủ tục pháp lý trên áp dụng với hoạt động của doanh nghiệp tại địa chỉ Cảng Vật Cách, xã An Hồng, huyện An Dương. Còn tại đê Văn Úc (đoạn sát chân cầu Khuể, thuộc địa bàn huyện An Lão) nói trên thì doanh nghiệp chưa khai báo với cơ quan chức năng. Hiện, phần đất doanh nghiệp này phục vụ việc tháo dỡ tàu được thuê lại của ông Phạm Ngọc Kỷ (trú tại xã Chiến Thắng, huyện An Lão) theo thỏa thuận miệng. 

Liên quan đến tính pháp lý trong hoạt động của doanh nghiệp, ông Thắng cho biết, đầu tháng 6 vừa qua, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP Hải Phòng) đã kiểm tra và đã xử phạt về việc doanh nghiệp chưa xử lý triệt để chất thải nguy hại từ con tàu. 

Trong quá trình làm việc, ông Thắng cũng cho rằng, với những con tàu có trọng tải nhỏ như con tàu mà đơn vị ông đang phá dỡ, thủ tục gồm những bước đơn giản như: xóa đăng ký tàu, xin phương án bảo vệ môi trường ở UBND huyện An Lão. 

Tuy nhiên, đơn vị này bỏ qua toàn bộ quy trình làm việc với cơ quan chức năng. Vậy, có hay không việc các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý hoặc “làm ngơ” cho hoạt động phá dỡ tàu theo kiểu “ngoài luồng” của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Cơ khí Thắng Lợi.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm