Theo thông tin ban đầu, sáng 13/6, nhóm phóng viên Ban Thời sự Đài Truyền hình Việt Nam đến UBND xã Phù Lỗ tìm hiểu về việc hồ thủy lợi ở đây bị lấn chiếm. Sau khi làm việc với đại diện chính quyền xã Phù Lỗ, nhóm phóng viên VTV đã ghi nhận thực tế tại hiện trường ở khu vực đất số 172, khối 14, xã Phù Lỗ.
Khi nhóm phóng viên VTV đang tác nghiệp, thì bất ngờ xuất hiện chiếc xe ô tô bán tải nhãn hiệu Mitsubishi (BKS: 24C - 011.25) lao nhanh từ khu vực hồ thủy lợi về phía nhóm phóng viên VTV đang tác nghiệp và đâm hỏng máy quay phim rồi phóng thẳng. Sau đó, nhóm phóng viên VTV đã trình báo đại diện chính quyền sở tại và cơ quan Công an.
Trao đổi với PV, Đại tá Lê Ngọc Ly, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT - CAH Sóc Sơn cho biết, sau khi vào cuộc điều tra, đơn vị đã ra Lệnh bắt khẩn cấp số 89 đối với Trần Văn Hạnh (SN 1961), ở khối 5, xã Phù Lỗ, về hành vi “Chống người thi hành công vụ”, quy định tại Điều 257 - Bộ Luật Hình sự”.
Cùng với Lệnh bắt khẩn cấp, Cơ quan CSĐT - CAH Sóc Sơn đã Quyết định tạm giữ hình sự Trần Văn Hạnh để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi “Chống người thi hành công vụ”.
Theo Luật sư Giang Hồng Thanh – Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thành, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, để hiểu được thế nào là chống người thi hành công vụ thì trước hết phải làm rõ khái niệm thế nào là "Người chi hành công vụ". Hiện nay có một số văn bản pháp quy đưa ra khái niệm về người thi hành công vụ như sau:
Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, khoản 1 Điều 3 quy định: "Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án."
Còn theo Nghị định số 208/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2013 quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, khoản 1 Điều 3 quy định: "Người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội."
Còn theo trang web của Tòa án nhân dân tối cao thì "Người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, nhân viên của các cơ quan Nhà nước hoặc các tổ chức đang thi hành nhiệm vụ được cơ quan, tổ chức đó giao cho hoặc theo quy định của pháp luật vì lợi ích chung"
Như vậy, có thể thấy hiện chưa có khái niệm thống nhất về người thi hành công vụ. Nhưng nếu căn cứ vào một trong những hướng dẫn nêu trên thì những phóng viên đang làm nhiệm vụ theo sự phân công của Đài truyền hình Việt Nam là những người thi hành công vụ.
Cũng theo Nghị định số 208 thì "Hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao."
Đối chiếu với quy định này thì việc làm của Trần Văn Hạnh là hành vi chống người thi hành công vụ.
Tuy nhiên pháp luật hiện nay không chỉ quy định hành vi chống người thi hành công vụ sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 257 Bộ luật hình sự mà còn quy định hành vi này có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 20 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013. Vì vậy cơ quan chức năng cần hết sức thận trọng trong việc áp dụng chế tài xử lý để đảm bảo đúng pháp luật, đúng người, đúng tội và cần phải có diễn giải cụ thể về việc tại sao lại áp dụng chế tài hình sự hoặc chế tài hành chính (nếu lựa chọn một trong hai chế tài này)