Phải có các chính sách rất cụ thể, rất rõ để phát triển kinh tế tư nhân

(PLVN) - Chiều 15/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Đa số ý kiến đại biểu đánh giá cao dự thảo Nghị quyết cho rằng, dự thảo bảo đảm được nguyên tắc bao trùm về các nội dung cốt lõi như cải thiện môi trường kinh doanh; nguyên tắc xử lý sai phạm và giải quyết các vụ việc cũng như có những nội dung rất cụ thể, hướng tới những chính sách rất cụ thể, đặc thù để tạo động lực và hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân…
ĐBQH Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh).

Thảo luận tại Tổ 13 gồm các Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hậu Giang, Đắk Lắk, Lào Cai, Bắc Ninh, góp ý cụ thể về một số nội dung của dự thảo Nghị quyết, ĐBQH Nguyễn Như So (Đoàn Bắc Ninh) đề nghị bổ sung một số điều khoản về hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực. Cụ thể, bổ sung một điều khoản về hỗ trợ chi phí đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời rút ngắn thời gian xử lý thủ tục liên quan, đặc biệt dành cho doanh nghiệp nhỏ, vừa và khởi nghiệp sáng tạo.

ĐB phân tích, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chuyển mạnh sang mô hình dựa trên tri thức, tài sản vô hình, đặc biệt là quyền sở hữu trí tuệ, ngày càng đóng vai trò quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia. Chẳng hạn với các startup, ĐB chỉ rõ, sản phẩm cốt lõi là công nghệ, thuật toán hoặc ý tưởng độc quyền. “Nếu không được bảo hộ kịp thời, doanh nghiệp dễ bị mất thị trường, bị sao chép công nghệ hoặc gặp rủi ro pháp lý nghiêm trọng”, ĐB So nói.

Tại Việt Nam, phần lớn startup và doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đủ năng lực tài chính, pháp lý để thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ đúng chuẩn và đúng thời điểm. Nhiều trường hợp đã mất nhãn hiệu, bị chiếm tên miền, hoặc không thể gọi vốn do thiếu chứng nhận quyền sở hữu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị doanh nghiệp và năng lực phát triển ra thị trường quốc tế. Trong khi đó, nhiều quốc gia đã có chính sách hỗ trợ cụ thể.

“Vì vậy, bảo vệ tài sản trí tuệ không chỉ là một hành vi phòng ngừa rủi ro pháp lý, mà là chiến lược phát triển năng lực lõi của doanh nghiệp. Do đó, việc bổ sung chính sách hỗ trợ tài chính và đơn giản hóa thủ tục đăng ký, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ vào Nghị quyết là không chỉ cần thiết, mà là cấp thiết”, ĐB So nhấn mạnh.

ĐBQH Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội).

Thảo luận ở Tổ 1, ĐBQH Nguyễn Thị Lan (Đoàn TP Hà Nội) đồng tình cao với dự thảo Nghị quyết của QH về việc ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân. Theo đó, các nội dung của Nghị quyết đã thể hiện rõ tinh thần thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó nêu ra nhiều chính sách rất đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân như đổi mới về thể chế, tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn”, hỗ trợ cho khoa học chuyên sâu, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế... “Đây là động lực cho toàn dân phấn khởi tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh và đổi mới công nghệ, dám dấn thân và đầu tư cho sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế đất nước”, ĐBQH Lan nhận định.

Để Nghị quyết có thể đi ngay vào cuộc sống, ĐBQH Lan cho rằng, cần phải cụ thể hóa chủ trương hỗ trợ này như thế nào cho hiệu quả. Đồng thời, cần phải có các chính sách rất cụ thể, rõ đối tượng, rõ mức hỗ trợ, rõ nguồn tài chính... vì từ trước tới nay cũng có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc áp dụng vào thực tiễn vẫn còn chưa được như mong muốn hoặc thực hiện chưa thực sự đồng bộ nên hiệu quả chưa cao.

Để hoàn thiện hơn nữa dự thảo Nghị quyết, ĐBQH đề xuất cần có chính sách ưu đãi và quan tâm đủ mạnh; đặc biệt để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng còn nhiều khó khăn, vùng mà chúng ta đang tập trung nhiều nhóm giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế. Cần chính sách ưu đãi miễn/giảm thuế, thuê đất dài hạn có thể 5 đến 10 năm cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ chi phí logistics, kho bãi, đầu tư sơ chế, chế biến để các doanh nghiệp có thể giảm chi phí giá thành sản xuất và cạnh tranh được trên thị trường…

Nhất trí việc ban hành Nghị quyết của QH, ĐBQH Lê Minh Nam (Đoàn Hậu Giang) lưu ý, các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật, nghị quyết khác đang trình QH tại Kỳ họp thứ 9 cần khẩn trương rà soát, nghiên cứu các nội dung của Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị để thể chế hóa ngay hoặc chỉnh sửa, hoàn thiện tại các dự án luật, dự thảo Nghị quyết và sớm báo cáo QH, Ủy ban Thường vụ QH để kịp thời xem xét, bổ sung, hoàn thiện sớm trình QH thông qua luôn tại Kỳ họp này.

Đọc thêm