Tỷ lệ hòa giải thành công đạt hơn 80%
Báo cáo kết quả sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Xuân Hương nêu rõ, thành phố hiện nay có 5.489 tổ hòa giải với 34.430 hòa giải viên. Kể từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành, công tác tổ chức và hoạt động của các Tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, đồng thời nâng cao được hiệu quả, chất lượng hòa giải.
Công tác tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ cho hòa giải viên được thành phố và các quận, huyện, thị xã quan tâm triển khai thực hiện. Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố đã trực tiếp tổ chức 40 hội nghị tập huấn cho gần 12.000 hòa giải viên ở cơ sở, cán bộ tư pháp trên toàn địa bàn và tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật như “Hòa giải viên giỏi”, “Tìm hiểu luật xử lý vi phạm hành chính”, “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam”… Việc lựa chọn các hòa giải viên được chú ý hơn về năng lực, uy tín, giúp phát huy được nhiều thuận lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo hiệu quả.
Kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở đã được thành phố quan tâm và đầu tư hơn. Trong 3 năm, thành phố đã phát miễn phí gần 20 triệu cuốn sách hỏi – đáp, tờ gấp pháp luật, đồng thời biên soạn, in ấn phát hành nhiều tài liệu khác cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của chính quyền các cấp, tỷ lệ hòa giải thành công của thành phố trong 3 năm đã đạt 80,6%.
Có thể nói, vị trí, vai trò của các tổ hòa giải, hòa giải viên trong đời sống xã hội đang ngày càng được khẳng định và được đón nhận trong cộng đồng dân cư. Qua đó, đã góp phần to lớn vào việc củng cố đoàn kết nhân dân, ngăn ngừa kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm, giảm bớt những vụ việc đưa ra cơ quan xét xử, mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội cho Nhà nước và nhân dân.
Bên cạnh những kết quả tích cực đó, trong quá trình triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở vẫn còn một số vướng mắc như chưa quy định nguồn kinh phí để chi cho công tác hòa giải nên việc bố trí kinh phí cho công tác này còn gặp nhiều lúng túng. Luật cũng chưa quy định về giá trị pháp lý của kết quả hòa giải, vì vậy có những trường hợp sau khi hòa giải thành công, các bên không thực hiện những nội dung đã cam kết trong biên bản hòa giải dẫn đến việc giải quyết các khiếu kiện của chính quyền gặp khó khăn.
Mặc dù đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở rất nhiệt tình, tâm huyết, có kinh nghiệm và uy tín trong cộng đồng nhưng chủ yếu là các bác cao tuổi nên cũng còn nhiều hạn chế về sức khỏe, nghiên cứu tài liệu, cập nhật kiến thức pháp luật mới. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương đối với công tác hòa giải có lúc, có nơi chưa được thường xuyên nên chưa thực sự phát huy được hiệu quả công tác này.
Hòa giải phải thực chất
Ghi nhận và biểu dương những kết quả mà thành phố đã đạt được trong thời gian qua, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu khẳng định Luật hòa giải ở cơ sở là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết những mâu thuẫn tranh chấp nhỏ trong đời sống của nhân dân, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế tình trạng đơn thư, khiếu nại cũng như những tranh chấp phát sinh thành điểm nóng, phức tạp, góp phần tăng cường được khối đại đoàn kết toàn dân.
Để công tác này ngày càng đạt hiệu quả, Thứ trưởng đề nghị thành phố Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh việc quán triệt, phổ biến các quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở để nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa của công tác này. Cùng với đó, cần tích cực, chủ động tham mưu cho các cấp ủy chính quyền, tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo đối với công tác hòa giải ở cơ sở.
Chính quyền các cấp cần quan tâm rà soát, củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải để phù hợp với đặc điểm của từng địa phương; xây dựng đội ngũ hòa giải viên tận tình, trách nhiệm, uy tín; có các chính sách thu hút đội ngũ luật sư tham gia vào các tổ hòa giải; tăng cường tập huấn để không ngừng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên.
Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh phải áp dụng đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng, đảm bảo tính thực chất của công tác hòa giải; gắn chặt công tác này với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân. Công tác kiểm tra, đánh giá hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở phải được thực hiện thường xuyên, thực chất; kịp thời khen thưởng các cá nhân, gương sáng điển hình trong lĩnh vực này.
Khẳng định Hà Nội là một trong những điểm sáng của cả nước trong triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở với nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả, Thứ trưởng hy vọng thành phố sẽ tiếp tục phát huy các thành tích đã đạt được đồng thời áp dụng đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để việc thi hành, áp dụng Luật trong thực tiễn ngày càng hiệu quả hơn. Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã trao Bằng khen cho 24 tập thể, 32 cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở.