Phát hiện ra chiếc TV 21 inch bán với giá… 200.000 đồng
Theo Báo cáo 6 tháng đầu năm của Cục QLTT, tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp, hàng hóa vi phạm tập trung chủ yếu các mặt hàng như: rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, đường ăn, xăng dầu, thuốc lá điếu, gia cầm, vải, quần áo may sẵn, mỹ phẩm, thực phẩm, hàng điện tử, pháo nổ, đồ chơi bạo lực…
Đáng chú ý, khu vực biên giới các tỉnh Tây Nam hoạt động vận chuyển tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu ngoại, đường cát diễn biến phức tạp. Riêng đối với mặt hàng thuốc lá nhập lậu, từ khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực (ngày 01/01/2018), việc vận chuyển bằng xe gắn máy có chiều hướng gia tăng; các đối tượng chia nhỏ số lượng vận chuyển mỗi chuyến từ 500 bao đến dưới 1.500 bao để tránh bị xử lý hình sự.
Phương thức hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi hơn như vận chuyển hàng hoá trên xe ô tô cá nhân, sử dụng nhiều loại phương tiện khác nhau, thiết kế hầm bí mật trên xe, ngụy trang hàng lậu, hàng cấm lẫn với hàng hoá khác, chia nhỏ hàng hoá để vận chuyển nhiều lần, thường xuyên thay đổi tuyến đường, địa bàn hoạt động.
Tình hình gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, các hành vi gian lận chủ yếu là quay vòng hoá đơn để hợp thức hoá hàng lậu; kê khai giá trên hoá đơn bán hàng để giảm thuế GTGT; gian lận về đo lường, chất lượng xăng dầu, phân bón, sang chiết gas trái phép; sản xuất hàng hoá chưa được phép lưu hành, sử dụng phương tiện không có tem kiểm định…
Điển hình cho việc gian lận, trốn thuế này có thể kể đến trường hợp như đại diện Chi cục QLTT Quảng Ninh nhắc đến. Theo vị đại diện này, khi tiến hành xử lý 3 công ty, phát hiện hàng hoá có giá trị trốn thuế lên đến 27 tỷ đồng. Qua kiểm tra các hoá đơn chứng từ, lực lượng QLTT còn phát hiện ra cả những hoá đơn bán chiếc TV 21 inch với giá… 200.000 đồng.
Không thể để chìm xuồng các vụ việc làm hàng giả…
Hiện nay, công tác chống hàng giả đang là một hoạt động được Cục QLTT tập trung thực hiện chủ đạo. Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục QLTT cho biết, ông đã ký văn bản tiến hành kiểm tra 3 vùng trọng điểm làm hàng giả trong kế hoạch sắp tới. Tuy nhiên, vì lý do bảo mật nên ông chưa thể công bố các vùng, địa bàn lọt vào “tầm ngắm” của Tổ 334 trong dịp tới đây.
Trong khoảng 2 tuần gần đây, Tổ công tác 334 của Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra toàn bộ hàng hoá được bày bán trong hệ thống siêu thị Con Cưng. Theo những công bố ban đầu, Con Cưng đã có 7 dấu hiệu vi phạm pháp luật như kinh doanh hàng hóa nhập khẩu nhưng tại thời điểm kiểm tra các cửa hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ theo quy định, có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa nhập lậu…
Ngay sau khi đại diện Bộ Công Thương công bố các dấu hiệu vi phạm của hệ thống Con Cưng, chủ sở hữu Con Cưng một mặt thông báo sẽ có giải trình với Đoàn kiểm tra về các dấu hiệu đã bị kết luận là vi phạm, mặt khác đã lên tiếng “tặng 1 tỷ đồng cho khách hàng nào phát hiện ra việc Con Cưng nhập hàng không chính hãng”.
Tuy nhiên, mới đây, chính Con Cưng đã gửi một công văn đến các cơ quan liên quan, trình bày một số vấn đề liên quan đến giải thưởng 1 tỷ đồng này. Công văn do ông Nguyễn Quốc Minh, Chủ tịch HĐQT CTCP Con Cưng ký có ghi: “Liên quan đến đề xuất của Công ty về giải thưởng 1 tỷ đồng dành cho khách hàng đầu tiên phát hiện Con Cưng nhập hàng không chính hãng là nhằm mục đích làm người tiêu dùng yên tâm trong giai đoạn khủng hoảng của Con Cưng. Tuy nhiên Công ty chúng tôi cũng nhận thức được việc treo giải thưởng 1 tỷ đồng trong bối cảnh Đoàn kiểm tra đến làm việc là không phù hợp. Do vậy chúng tôi xin rút đề xuất về việc treo giải thưởng 1 tỷ đồng nêu trên”.
Theo đại diện Cục QLTT, hiện vẫn chưa có kết luận cụ thể liên quan đến các hoạt động của Con Cưng. Tuy nhiên, vị đại diện này cho biết, tất cả các hoạt động làm hàng giả, hàng nhái, ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng dứt khoát phải được đưa ra ánh sáng, phải được xử lý hình sự mới đảm bảo hiệu quả của hoạt động chống hàng giả mạo xuất xứ.
Ông Trần Hùng cũng khẳng định, Cục QLTT dứt khoát “theo đến cùng” các vụ việc mà QLTT đã phát hiện với đầy đủ dấu hiệu hình sự như vụ Thuận Phong, hay như vụ thuốc chống ưng thư giả của VN PHARMA… “Phải xử lý đúng người đúng tội. Vụ thuốc chống ung thư làm từ than tre Vinaca ban đầu chỉ xử phạt hành chính có 4 triệu đồng là không thể chấp nhận, chính Cục QLTT đã phải cùng phối hợp để Công an TP Hải Phòng khởi tố vụ án này trong 10 ngày...” - ông Hùng cho hay và khẳng định: “Không thể để “chìm xuồng” các vụ việc mà QLTT đã tiến hành thanh, kiểm tra và chuyển hồ sơ sang công an như vụ Khaisilk, như vụ mỹ phẩm giả TS...”