Phải mưu sinh, người lao động khó "theo tòa" để bảo vệ quyền lợi

(PLO) - Đề xuất này vừa được đưa ra tại hội thảo lấy ý kiến về nội dung tố tụng lao động trong Dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự sửa đổi được tổ chức  hôm qua (7/10).

Đình công diễn ra do tranh chấp lao động không được giải quyết triệt để. Ảnh: MH
Đình công diễn ra do tranh chấp lao động không được giải quyết triệt để. Ảnh: MH
Theo Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ), trường hợp nhiều người lao động (NLĐ), đoàn viên công đoàn trong cùng đơn vị, doanh nghiệp có cùng nội dung tranh chấp thì tập thể NLĐ có quyền ủy quyền cho một đại diện công đoàn. Chẳng hạn, tập thể NLĐ làm đơn ủy quyền cho LĐLĐ tỉnh, sau đó cơ quan này sẽ ra văn bản cử một cá nhân đại diện theo ủy quyền cho tập thể NLĐ. Việc làm này xuất phát từ thực tế: Tòa thường yêu cầu ủy quyền giữa cá nhân và cá nhân (có dấu xác nhận ủy quyền của chính quyền xã, phường), trong khi đó có những vụ tranh chấp với hàng trăm NLĐ nhưng nội dung lại giống nhau. 
Cho rằng tố tụng lao động (TTLĐ) có những đặc thù riêng so với tố tụng dân sự, bà Trần Thị Thanh Hà, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ) đề nghị bổ sung một điều luật quy định về nguyên tắc điều chỉnh trong TTLĐ, không nên quy định các nguyên tắc tranh chấp dân sự áp dụng chung cho các tranh chấp lao động; đồng thời, Dự thảo cần có một chương riêng về TTLĐ để tiến tới xây dựng một luật riêng, độc lập về TTLĐ nhằm rút gọn quy trình thủ tục, giúp NLĐ nhanh chóng quay trở lại làm việc, hạn chế ngừng việc và đình công.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Mai Đức Chính cho biết, Tổng LĐLĐ đã nhiều lần đề nghị xây dựng riêng Bộ luật TTLĐ nhưng đến giờ vẫn chưa thực hiện được; hiện các điều luật có liên quan đến TTLĐ vẫn nằm rải rác trong các chương của Dự thảo. Theo ông Chính, trường hợp Dự thảo được thông qua trong kỳ họp tới, Tổng LĐLĐ vẫn tiếp tục kiến nghị Quốc hội xây dựng luật riêng về TTLĐ. 
Phát biểu tại hội thảo, ông Erwin Scheweisshelm, Trưởng đại diện Viện FES tại Việt Nam thừa nhận trong tranh chấp lao động, NLĐ luôn ở thế yếu, do đó thủ tục TTLĐ cần phải dễ hiểu để NLĐ dễ nắm bắt. 
Cùng quan điểm này, ông Chính chia sẻ từng được NLĐ ủy quyền tham gia vào một số vụ án lao động, nhưng có vụ kéo dài tới 2 - 3 năm. “Mình là cán bộ công đoàn, được hưởng lương còn theo được, chứ NLĐ trong khi vừa mất việc, vừa phải tìm cách kiếm sống nuôi bản thân và gia đình thì làm sao mà theo đuổi được. Bởi vậy, thủ tục TTLĐ phải đơn giản để NLĐ dễ tiếp cận và rút ngắn thời gian xử án”- ông Chính đề nghị.
Ủng hộ quan điểm này, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Cù Thị Hậu nhìn nhận, để giải quyết tốt những tranh chấp liên quan đến lao động thì quá trình hòa giải cần được thực hiện theo quy trình rút gọn, việc này sẽ giúp quá trình hòa giải vụ việc của tòa án đi vào thực chất, đảm bảo quyền và lợi ích của NLĐ. 
Tổng LĐLĐ cũng đề nghị bổ sung quy định cấm xuất cảnh đối với người sử dụng lao động nợ lương của NLĐ và nợ bảo hiểm xã hội.

Đọc thêm