Nghị định 103/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định từ ngày 1/1/2013 bắt đầu thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu cho người lao động.. Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp ( DN) đã nghiêm túc thực hiện, thậm chí còn tăng lương cao hơn quy định, nhưng cũng có hàng loạt DN khác “lơ” luôn quy định này.
Vi phạm quy định về lương tối thiểu dễ dẫn đến tranh chấp lao động |
Tăng hơn cả quy định
Qua khảo sát của chúng tôi đến thời điểm hiện tại ở TP.HCM hàng loạt DN đã thực hiện nghiêm túc quy định của Chính phủ về điều chỉnh lương tối thiểu. Khi được hỏi đa phần các DN đều cho rằng quy định mức tăng lương tối thiểu cho DN thuộc vùng I, địa bàn TP.HCM là 2.350.000 đồng/tháng là thấp bất ngờ, thậm chí nhiều chủ DN còn cho rằng mức này quá “bèo” so với dự đoán cũng như nhu cầu sống thực tế của công nhân (CN) và họ phải tăng thêm.
Bởi thực ra trước đó, đầu năm 2012 khi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đưa ra 3 phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng gồm: Phương án 1, tăng lên 2,7 triệu đồng/tháng; Phương án 2 tăng 2,5 triệu đồng/tháng; Phương án 3 tăng 2,35 triệu đồng/tháng (đối với vùng I), thì theo đó hầu hết các chủ DN đều đã dự liệu rằng Nhà nước sẽ điều chỉnh tăng ở mức cao nhất theo phương án 1 là 2,7 triệu đồng, và các DN đã chủ động tính toán, điều chỉnh các phương án, chi phí sản xuất kinh doanh cho phù hợp.
Đến thời điểm này, các DN tại TP.HCM như Công ty nhựa Duy Tân ở Bình Tân đã điều chỉnh lương tối thiểu cho CN lên 2,7 triệu tháng. Công ty Berzen, quận Bình Tân cũng đã điều chỉnh mức cơ bản từ 2.140.000 đồng tăng lên tối thiểu là 2.490.000.
Ông Lâm Đức Tráng – Giám đốc công ty CP Tư vấn Đầu tư SVN, Tân Phú cho biết, đã trả lương cho người lao động cao hơn mức tối thiểu từ lâu, thực hiện quy định tới đây công ty sẽ nghiên cứu điều chỉnh thêm để đảm bảo mức sống cho CN.
Công ty Freetrend ở KCX Linh Trung I cũng đã điều chỉnh lương tối thiểu cho hàng ngàn CN tăng từ 2,7 triệu đồng lên 3 triệu đồng/người/tháng.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Phương Lan – Trưởng phòng tổ chức Công ty may liên doanh Vĩnh Hưng, quận 12 cho biết, công ty đã đăng ký với Sở LĐTBXH điều chỉnh mức lương của CN tăng lên là 2,64 triệu đồng. Trước đó, công ty cũng đã có sự chuẩn bị các phương án tăng lương tối thiểu theo dự thảo của Bộ LĐTBXH.
Theo Liên đoàn Lao động quận Thủ Đức, nhiều DN ở Thủ Đức có mức điều chỉnh tăng lên bình quân từ 2,5 - 2,8 triệu/tháng. Nhìn vào mặt bằng chung, hầu hết các DN có sử dụng nhiều CN, DN ngành may mặc, giầy da, DN trong sự quản lý của các KCX, KCN… đều đã thực hiện nghiêm túc quy định về tăng lương tối thiểu.
Nhiều DN “không để ý”
Tại Hội nghị triển khai thực hiện Nghị định số 103/2012/CN-CP về lương tối thiểu tổ chức tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân cho rằng, trong tình hình khó khăn chung hiện nay, việc điều chỉnh lương tối thiểu rất cần sự đồng thuận giữa tất cả các bên gồm cơ quan quản lý Nhà nước, DN, và người lao động nhằm hạn chế tối đa xảy ra tranh chấp lao động.
Đến thời điểm này dù chưa xảy ra tranh chấp liên quan đến lương tối thiểu, nhưng trên thực tế rất nhiều DN nằm ngoài địa phận quản lý của các KCX, KCN lại không mấy đoái hoài tới quy định này.
Anh Nguyễn Văn Tùng, CN tại Công ty TNHH cơ điện HV, quận 8 cho biết, hiện công ty vẫn trả lương cho CN mức 2,1 triệu đồng và không đóng BHXH cho ai cả.
Do công ty ít người nên CN cũng không thắc mắc, bởi ngoài lương thì ông chủ cũng hỗ trợ các khoản khác như xăng, nhà trọ, ăn uống… tính ra mỗi tháng cũng được hơn 4 triệu đồng nên chẳng ai có ý kiến gì.
Đây cũng là tình trạng chung, bởi nhiều DN tư nhân, DN có quy mô nhỏ vẫn chưa điều chỉnh nhưng do Tết đã cận kề, và kể cả không nắm được quy định nên CN cũng không có phản ứng gì.
Thậm chí nhiều DN còn không được vận dụng quy định này như công ty Cơ khí ô tô Vân Nam, Thủ Đức đã cho 83 CN nghỉ việc, hay công ty TNHH Hội Hưng cũng đã ngừng hoạt động. Trong khi đó nhiều DN do trước đây đã áp dụng mức lương cao hơn cho CN nên không mấy ngó ngàng tới. Một đại diện Phòng LĐTBXH quận Tân Bình cho biết, vẫn còn nhiều DN chưa hề báo cáo việc điều chỉnh lương tối thiểu.
Như vậy, những lo lắng của ông Nguyễn Phùng Trung - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Bình Dương rằng “thời điểm cuối năm, DN phải lo lương, thưởng Tết cho người lao động, ký lại hợp đồng lao động mới, cộng với những khó khăn chung của nền kinh tế, DN không có thời gian để chuẩn bị nên vào thế khó” cũng không phải là không có lý.
Tuy nhiên, đây là quyền lợi của người lao động nên các DN không được phép vi phạm, cơ quan chức năng càng không thể vì thời điểm cận Tết mà lơ là giám sát.
Lam Sơn