Hàng ngàn vụ đình công không hợp pháp tại khu vực phía Nam

Từ năm 2008 đến năm 2012, cả nước xảy ra 3.016 cuộc ngừng việc tập thể, trong đó hơn 63% số vụ tập trung ở các tỉnh, thành phố trọng điểm phía Nam.

Trong 2 ngày 5- 6/4 tại TP.HCM, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) tổ chức Hội thảo “Hoạt động Công đoàn (CĐ) trong việc thi hành Bộ luật Tố tụng Dân sự và các quy định khác của pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động” đã tập trung “mổ xẻ” các cơ sở pháp lý trong tranh tụng lao động và vai trò của tổ chức CĐ.

Một vụ đình công không do tổ chức CĐ lãnh đạo
Một vụ đình công không do tổ chức CĐ lãnh đạo

Theo TLĐLĐVN, kể từ khi Bộ luật Lao động có hiệu lực thi hành (từ năm 1995 đến hết năm 2012) cả nước đã xảy ra 4.922 cuộc ngừng việc tập thể, đình công, trong đó doanh nghiệp nhà nước xảy ra 100 cuộc chiếm 2,03%, DN có vốn đầu tư nước ngoài xảy ra 3.526 cuộc, chiếm 71,64%; doanh nghiệp tư nhân xảy ra 1.296 cuộc, chiếm 26,33%.

Trong đó, chỉ tính riêng 5 năm từ năm 2008 đến năm 2012, cả nước đã xảy ra 3016 cuộc ngừng việc tập thể, đình công trên địa bàn của 29 tỉnh, thành phố; năm 2011 xảy ra 981 cuộc (là năm xảy ra nhiều cuộc ngừng việc tập thể, đình công nhất trong 5 năm gần đây).

Như vậy, theo tổ chức CĐ Việt Nam, ngừng việc tập thể, đình công chủ yếu diễn ra ở 3 tỉnh, thành phố trọng điểm phía Nam là: TP.HCM (592 cuộc, chiếm 19,63%), Bình Dương (757 cuộc, chiếm 25,10%) và Đồng Nai (563 cuộc, chiếm 18,67%), là những địa phương tập trung nhiều công nhân lao động. Qua phân tích, nguyên nhân chủ yếu của các cuộc đình công trong năm 2008-2012 vẫn là người lao đông (NLĐ) yêu cầu trả tăng lương, tiền thưởng, phụ cấp, tăng tiền ăn trưa, tăng các chế độ phúc lợi. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như DN yêu cầu NLĐ tăng ca liên tục, điều kiện lao động không đảm bảo, chất lượng bữa ăn giữa ca kém, trốn đóng BHXH, BHYT cho NLĐ, không ký hợp đồng lao động, sự quản lý hà khắc và đối xử thô bạo của của các ông chủ…

Tuy nhiên, với sự tham gia tích cực của CĐ trong các vụ tố tụng tranh chấp lao động, nên chỉ tính trong vòng 4 năm qua (2008- 2012) đã có tới 1.397 NLĐ được nhận trở lại làm việc, được chi trả trợ cấp thôi việc là 3.085 người, nâng lương 5.940 người, đóng BHXH cho 5.379 người, với tổng số tiền đòi bồi thường là hơn 31 tỉ đồng…

Thực tế trên đặt ra vấn đề cần xét lại quy trình tố tụng trong một vụ tranh chấp lao động tập thể, bởi mới đây tại tỉnh Đồng Nai đã có một số chủ DN thuê luật sư khởi kiện yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công, nhưng do không chứng minh CĐ cơ sở hoặc đại diện NLĐ lãnh đạo đình công nên Tòa Lao động không thụ lý các vụ án này. Ngoài ra, tuy là một loại việc về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, nhưng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Tố tụng Dân sự, mà được quy định tại Chương XIV của Bộ luật Lao động (BLLĐ).

Trên thực tế khi BLLĐ có hiệu lực thi hành năm 1995, ngành Tòa án lao động chưa thụ lý vụ việc nào khởi kiện yêu cầu xét tính hợp pháp của đình công của các cấp CĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ), vì 100% các vụ đình công đều không có chủ thể hợp pháp khởi xướng và lãnh đạo đình công. Đặc biệt tại các Tòa án cấp huyện, Thẩm phán không chuyên trách về án lao động nên chưa hiểu rõ quy định của pháp luật, không nắm rõ trình tự thủ tục giải quyết các vụ án lao động dẫn tới án bị hủy, gây khó khăn cho NLĐ do kéo dài thời gian.

Theo Phó Chủ tịch TLĐLĐVN Mai Đức Chính, tới đây tổ chức CĐ sẽ xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp hoạt động giữa TANDTC và TLĐLĐVN, đặc biệt là nội dung liên quan đến thực hiện quyền, trách nhiệm CĐ trong việc tham gia tố tụng tại Tòa án; phối hợp với Tòa Lao động (TANDTC) tổ chức Hội nghị gặp mặt hàng năm giữa các Chánh án, Thẩm phán Tòa Lao động các tỉnh, TP lớn với Giám đốc các trung tâm, chủ nhiệm các Văn phòng tư vấn pháp luật của CĐ, nhằm trao đổi thông tin, nghiệp vụ về công tác giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án. Bởi chỉ có giải quyết thấu đáo quyền lợi của các bên và minh bạch trong xét xử thì mới nâng cao chất lượng hoạt động tố tụng lao động, đồng thời giảm thiểu tỉ lệ đình công.

Lam Sơn

Đọc thêm