(PLO) - Cho rằng bàn về cơ sở khoa học của việc tính giá điện ở thời điểm hiện tại là ảo tưởng, GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam khẳng định, Việt Nam chưa thể bàn về việc này mà cần nhìn thẳng vào sự thật để thấy người dân bức xúc như thế nào về giá điện.
Chuyên gia "bó tay" cách tính giá điện
Diễn đàn "Cơ sở khoa hoc của việc tính giá điện" do Hiệp hội các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức sáng 16/10, chủ toạ là Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường Quốc hội, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đã nhận được ý kiến góp ý của nhiều chuyên gia điện lực, chuyên gia khoa học.
Ông Ngô Đức Lâm, Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam nhận xét, ngành điện mặc dù đã có những đóng góp lớn tuy nhiên mỗi lần điều chỉnh giá điện, đề cập đến vấn đề giá điện sự đồng thuận của người dân chưa cao.
Lý giải nguyên nhân vì sao, ông Lâm đưa ra ba lý do: Thứ nhất, ngành điện còn độc quyền còn rất lớn và lâu dài mới có khả năng tiến tới cơ chế thị trường.
Thứ hai, vấn đề minh bạch giá điện vừa qua các ngành rất rõ nhưng đối với điện, đến các nhà khoa học được tiếp cận và nghe các nội dung liên quan điến cơ sở tính giá điện, biểu giá điện cũng "bó tay", không hiểu rõ và nói rõ được.
Thứ ba, báo chí và người dân lo năng suất lao động của ngành thấp, người dùng chịu hậu quả hay do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chịu.
Ông Lâm cũng cho biết, cách đây 18 năm, tại chính phòng hội thảo này, Uỷ ban Khoa học Công nghệ Môi trường cũng từng bàn về giá điện với Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam và quyết định không điều chỉnh giá vì tổn thất điện quá lớn lên đến hơn 20%.
Nhấn mạnh tính minh bạch của giá điện, ông Lâm đặt câu hỏi, Luật pháp hiện nay quy định về chính sách giá nhưng thực tế EVN hay Bộ Công Thương đã áp dụng chưa, về kỹ thuật tính giá chỗ nào còn chưa minh bạch và biểu giá điện như vậy đã hợp lý chưa.
"Hiện điều chỉnh giá đang tuân theo Luật giá và Luật Điện lực. Trong đó, Luật giá quy định 4 nguyên tắc và quyền người sản xuất và người tiêu dùng nhưng thời gian vừa qua mới chỉ tập trung vào quyền của EVN mà chưa tập trung vào quyền của người dùng", ông Lâm nhấn mạnh.
|
Diễn đàn Cơ sở khoa hoc của việc tính giá điện do Hiệp hội các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tổ chức sáng 16/10. Ảnh: N.Thảo |
Cũng theo ông Lâm, khi tính toán giá điện ông nhận thấy các Thông tư hướng dẫn quy định nhiều loại giá nằm ngoài quy định của Luật, không đúng với quy định.
Các văn bản nhà nước hiện nay đang tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp Điện lực đảm bảo tính tự chủ, có lợi cho EVN tính lợi nhuận cao sản xuất kiểu gì cũng có lãi và dẫn tới bất lợi cho quá trình cạnh tranh.
"Như vậy, chính chính sách của nhà nước làm thui chột tính phấn đấu giảm giá thành của EVN. Hiện cấp độ thị trường đến đâu cho áp dụng thị trường đến đó", ông Lâm đề xuất.
"Điều hành giá điện như đi trên dây"
GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam lại không đồng ý với tên diễn đàn "Cơ sở khoa học của việc tính giá điện". Vì theo ông, chưa thể bàn cơ sở khoa học thời điểm giá điện chưa vận hành theo cơ chế thị trường. "Giờ bàn cơ sở khoa học tính giá điện là ảo tưởng. Phải nhìn thẳng vào sự thật để thấy dân búc xúc như nào", ông Thái nói.
Ông Thái nhận xét, biểu giá điện hiện hành gây ra nhiều hiểu lầm, một trong những hiểu lầm dư luận không đồng ý là lúc tăng nhanh, tăng chậm, giá điện tính số lẻ, số chẵn và không khoa học và rất "lộn xộn".
Cũng theo ông Thái, ông ủng hộ chính sách hỗ trợ người nghèo nhưng nhà nước trực tiếp hỗ trợ thay vì giao cho EVN.
"Người giàu tính giá cao cũng được nhưng phải trích và đưa lại cho nhà nước dành tiết kiệm năng lượng. EVN không phải đại diện toàn bộ ngành điện, ngành năng lượng", ông Thái chỉ thẳng.
Phản hồi ý kiến của ông Thái, ông Lê Hồng Tịnh, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Khoa học Công nghệ Môi trường Quốc Hội đồng ý việc tính giá điện cần thuyết phục, minh bạch, khoa học. "Điều hành giá điện như đi trên dây nên rất khó", ông Thái nói.