Phạm nhân giết người mau nước mắt, đau đáu hai chữ “trách nhiệm”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - 8 năm đã trôi qua, Nguyễn Văn Khánh vẫn không thể quên được cái ngày ‘định mệnh’ ấy. Cái ngày khiến Khánh phải đối diện với kết cục đau lòng, oan nghiệt, mà nguyên nhân cũng chỉ vì rượu.
Phạm nhân Nguyễn Văn Khánh (Ảnh: PV)
Phạm nhân Nguyễn Văn Khánh (Ảnh: PV)

Nguyễn Văn Khánh là lao động tự do, bị tuyên án 12 năm tù vì tội “Giết người" vào tháng 6/2022. Hiện Khánh đang chấp hành án phạt tại Trại giam Phú Sơn, thuộc huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

Bi kịch trong cơn say

Ngồi đối diện với phóng viên, Nguyễn Văn Khánh (sinh năm 1990, quê huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) gần như không cử động nhiều, đôi bàn tay luôn trong tư thế đan chặt vào nhau, đặt lên bàn phía trước ngực. Trên khuôn mặt có phần già hơn tuổi vì gió sương cuộc đời, chỉ có đôi mắt của Khánh là luôn hướng về phía xa xăm với một cái nhìn vô định. Có thể Khánh đang hồi tưởng lại những câu chuyện cũ đã qua, cũng có thể là hình dung về tương lai của 10 năm sau, khi Khánh sẽ được về đoàn tụ với gia đình. Hoặc nếu như Khánh cải tạo tốt, khoảng cách 10 năm rất có thể sẽ được rút ngắn lại...

8 năm đã trôi qua, Nguyễn Văn Khánh vẫn không thể quên được cái ngày ‘định mệnh’ ấy. Cái ngày khiến Khánh phải đối diện với kết cục đau lòng, oan nghiệt, mà nguyên nhân cũng chỉ vì rượu.

Khánh kể: Ban đầu anh chỉ đi ăn nhậu bình thường tại một quán ăn trên địa bàn huyện Yên Phong, nhưng sau khi nghe điện thoại của một người bạn, Khánh đã đồng ý đi cùng với mục đích để giảng hòa mẫu thuẫn cho bạn của người bạn nói trên. Bi kịch cũng bắt đầu từ đây, do trước đó đã uống nhiều rượu, trong cơn say Khánh bị ảo giác, hoang tưởng có người xông đến đánh mình nên đã dùng cây tuýp sắt tấn công liên tiếp 3 người. Chỉ khi mọi người can ngăn, Khánh mới dừng lại.

Và thế là chỉ vì uống quá nhiều rượu, không kiểm soát được bản thân, mục đích giảng hòa mâu thuẫn ban đầu lại biến thành một vụ ẩu đá, khiến Nguyễn Văn Khánh trở thành kẻ sát nhân.

“Sau khi uống rượu con người tôi bị mất kiểm soát, tôi không suy nghĩ được gì cả. Khi thấy có người áp sát mình, tôi nghĩ người ta định làm gì mình nên theo bản năng sinh tồn, tôi phản xạ lại”, Nguyễn Văn Khánh phân trần, hai tay càng siết chặt vào nhau hơn.

Dù sự việc đã diễn ra nhiều năm, nhưng với Khánh nó như mới vừa hôm qua và hắn tha thiết rằng nếu như được quay lại thời điểm đó, sự tình ấy chắc chắn sẽ không xảy ra: “Thay vì hành động, tôi sẽ dùng lời lẽ để thuyết phục đôi bên, tôi sẽ giúp họ giảng hòa một cách văn minh chứ không phải giải quyết bằng dao và kiếm. Nếu như hôm đó tôi không uống quá say, sự việc đã không thành ra như vậy”.

Thế nhưng cuộc đời đâu có hai chữ “giá như”. Nếu không có sự việc ngày hôm đó, đã không có một Nguyễn Văn Khánh như ngày hôm nay. Khánh tự nhận rằng trước đây hắn là một người khá nóng tính, suy nghĩ nông nổi, đôi khi thích thể hiện mình. Nhưng trải qua quá trình cải tạo, nhờ sự động viên, giáo dục của các cán bộ quản giáo, Khánh cảm nhận thấy bản thân mình thay đổi hoàn toàn, điềm tĩnh hơn, luôn suy nghĩ kỹ trước khi làm.

Dù hành động của Khánh ngày hôm đó may mắn chưa cướp đi mạng sống của ai, nhưng Khánh vẫn luôn day dứt về những sai lầm của mình. Những lúc gia đình vào thăm, Khánh không quên hỏi thông tin về gia đình của các bị hại. Khi biết tin sức khỏe của họ đều ổn định, Khánh mới cảm thấy nguôi ngoai phần nào để yên tâm cải tạo tốt.

“Con vật còn có tình cảm huống chi mình là con người. Mình gây ra cho người ta như vậy mà mình không mảy may suy nghĩ, không ám ảnh thì chẳng khác nào mình là người ‘máu lạnh’. Nhiều khi nghĩ lại cũng thấy sợ, chỉ mong sao họ luôn khỏe mạnh để ổn định cuộc sống. Sự việc đã xảy ra, tôi cũng không biết cách nào để chuộc lại lỗi lầm, chỉ biết cố gắng cải tạo thật tốt để sớm được trở về. Khi đó tôi chắc chắn sẽ tìm đến họ để xin lỗi...”, Nguyễn Văn Khánh nói.

Kẻ giết người đau đáu 2 chữ “trách nhiệm”

Năm 2017, sau khi sự việc xảy ra, biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật và sợ bị bắt nên Nguyễn Văn Khánh đã bỏ trốn khỏi địa phương. Thời điểm đó, hắn lên Cao Bằng rồi sang Trung Quốc đi làm thuê, sống tạm bợ qua ngày. Suốt 2 năm liền, Khánh không dám về nhà, chỉ dám lén lút gọi điện hỏi thăm mẹ, vợ và các con. Khi đó, gia đình nhiều lần khuyên nhủ Khánh về đầu thú, nhưng hắn cương quyết không về.

Dù biết hành động bỏ trốn là vì chưa suy nghĩ chín chắn, thế nhưng Khánh vẫn ý thức được rằng bản thân phải cố gắng làm việc kiếm tiền để có trách nhiệm với gia đình mình và gia đình các bị hại.

“Tôi lúc nào cũng trong trạng thái sợ sệt vì có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Chán chường, suy nghĩ vẩn vơ quá nhiều khiến tôi không thể đưa ra được những quyết định đúng đắn. Nỗi sợ hãi lấn át khiến tôi quyết định tiếp tục lẩn trốn. Sau đó tôi nghĩ, sự việc đã xảy ra phía sau lưng thì cứ kệ đó. Trước mắt là phải đi làm để khi về đầu thú còn có tiền đền bù cho gia đình bị hại và phụ giúp gia đình, vợ con. Tôi thực sự cảm thấy phải có số tiền đó mới dám về đầu thú”, Khánh nhớ lại.

Đầu năm 2019, Khánh về Việt Nam đi làm thuê. Đến tháng 6/2022, Khánh bị phát hiện và bị bắt trong một lần đi đá gà tại Bắc Ninh. Buổi chiều cùng ngày sau khi bị bắt, được gặp lại gia đình, Nguyễn Văn Khánh chỉ biết khóc.

Giọt nước mắt muộn màng và ước mơ ngày trở về

Hối hận vì những sai lầm mình đã gây ra, thời gian đầu mới vào chấp hành án, hầu như đêm nào Nguyễn Văn Khánh cũng khóc. Hắn nghĩ về mẹ, về vợ, về các con và về những hành động sai trái mình đã gây ra và rồi nước mắt lại ứa ra ướt hết cả gối. Hàng trăm nghìn suy nghĩ ‘nhảy múa’ trong đầu khiến Khánh không đêm nào ngủ yên.

“Hối hận lắm, ngày nào tôi cũng khóc. Sợ những phạm nhân khác nhìn thấy, tôi chỉ biết trùm chăn kín đầu, cố gắng để khóc không thành tiếng. Suốt nhiều ngày như thế, rồi nhờ có sự động viên của các cán bộ quản giáo, thời gian trôi qua, nỗi day dứt của tôi cũng nguôi ngoai dần”, Khánh kể.

Những ngày ở trong trại giam là những ngày dài nhất trong cuộc đời của Nguyễn Văn Khánh. Thế nhưng chỉ cần nghĩ đến ngày được gặp lại gia đình, Khánh lại thấy thời gian như trôi nhanh hơn. Dù gặp nhau không nói được gì nhiều, nhưng Khánh vô cùng hạnh phúc. Những câu hỏi han tưởng chừng như bình dị thôi nhưng hắn ước mong được nghe mỗi ngày, đó chính là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh giúp hắn cố gắng cải tạo thật tốt.

“Con gái tôi hay hỏi ‘Trong này bố ăn uống ra sao, nghỉ ngơi thế nào, công việc có vất vả không?’ và con thường động viên ‘Bố cố gắng giữ sức khỏe, cải tạo tốt để sớm về với chúng con’, nghe những câu đó tôi mừng lắm. Tôi hiểu rằng các con không ghét, cũng không giận mình, chỉ mong bố sớm về đoàn tụ cùng gia đình”, Khánh xúc động nhớ lại.

Khoảng thời gian thụ án, cũng là lúc Khánh cảm thấy yêu vợ mình hơn bao giờ hết. Khánh tâm sự: “Trước kia ở nhà nhiều khi còn mải chơi, thấy vợ vất vả nhưng tôi không nghĩ nhiều. Sau khi vào đây tôi mới thấy thương vợ vô cùng. Một mình cô ấy phải đi làm gánh vác cả gia đình, nuôi 2 con ăn học, chăm sóc mẹ già, chồng thì ngồi tù... Nghe cô ấy tâm sự tôi chỉ biết khóc và xin lỗi. Tự trách bản thân mình và cũng biết ơn vì dù tôi trong hoàn cảnh này vợ vẫn động viên và nói chờ tôi trở về”.

“Cứ nhắc đến gia đình là nghẹn ngào không nói thành lời, gia đình càng yêu thương, quan tâm tôi lại càng thấy có lỗi hơn bao giờ hết. Mẹ tôi vào thăm cũng không nói gì nhiều, chỉ động viên con cải tạo thật tốt, phải giữ gìn sức khỏe. Tôi là một đứa con bất hiếu, một người chồng, người cha chưa tốt” Khánh tự dằn vặt mình.

Sau một thời gian cải tạo tại Trại giam Phú Sơn, Nguyễn Văn Khánh đã không còn khóc như những ngày đầu. Giờ đây, mỗi ngày trước khi đi ngủ, hắn đều nhớ đến những lời động viên của mẹ, của vợ, của các con và cả của cán bộ quản giáo. Để rồi sáng hôm sau khi thức dậy, hắn đều tự nhắc nhở mình phải hoàn thành tốt công việc cải tạo để sớm được tái hòa nhập cộng đồng.

“Lúc nào tôi cũng nghĩ mình phải cải tạo thật tốt trước đã. Trong công việc cải tạo hay cả trong các hoạt động thể thao, văn nghệ, tôi đều cố gắng đạt thành tích tốt nhất để được tuyên dương. Để chứng tỏ cho mọi người thấy rằng mình đã thay đổi, mình đã tốt hơn từng ngày”, nam phạm nhân bộc bạch.

Nói được làm được, giờ đây Nguyễn Văn Khánh đã trở thành một trong những phạm nhân cải tạo khá tốt, một ‘vận động viên’ bóng chuyền ‘cừ khôi’ của Trại giam Phú Sơn mà ai cũng phải công nhận. Các cán bộ quản giáo mỗi khi nhìn thấy Khánh đều thốt lên rằng “tay này đánh bóng chuyền giỏi lắm!”

Chia sẻ về những dự định trong tương lai sau khi được trở về, Khánh chỉ có mong muốn đơn giản là tìm cho mình một công việc phù hợp, không vi phạm pháp luật để kiếm tiền lo cho gia đình, bù đắp những lỗi lầm mình đã gây ra trong quá khứ.

Khánh cũng không quên gửi lời đến những cán bộ tại trại giam, đặc biệt là cán bộ quản giáo đã luôn đồng hành, thấu hiểu để cảm hóa, khơi lại tính thiện trong con người hắn: “Thời gian ở trong này tôi được các cán bộ động viên, tiếp thêm động lực, được học hỏi nhiều điều, biết thêm các nghề. Công việc cải tạo ở trại giam giờ đã thành quen, hôm nào không phải lao động tôi cảm thấy chân tay buồn bực, mong muốn đi làm để thư thái, thoải mái đầu óc. Ngoài ra các cán bộ luôn tạo điều kiện cho chúng tôi tham gia các hoạt động văn hóa – thể thao vào cuối tuần. Nhờ các cán bộ mà tôi đã thay đổi tích cực hơn”.

Cuộc sống sau song sắt có lẽ chính là bài học đắt giá mà Nguyễn Văn Khánh phải ghi lòng tạc dạ đến cuối cuộc đời. Đây cũng là nơi đã và đang giúp những hạt giống lương thiện nảy nở trên mảnh đời lầm lỗi của một kẻ phạm tội giết người. Và một tương lai không xa, Khánh sẽ được trở về với gia đình, tái hòa nhập với cộng đồng với một con người hoàn toàn khác, có ích cho xã hội hơn.

Đọc thêm