Phản hồi thông tin về các sai phạm của Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ Thuật Việt Nam

(PLO) - Sau khi đăng tải hai bài viết (Giám đốc Trung tâm triển lãm Văn hóa Nghệ Thuật Việt Nam bị tố “ăn chặn” tiền trang phục; Trung tâm triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam: có dấu hiệu sai phạm trong quản lý nhà nước). Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam – (TLVHNTVN) đã gửi công văn số 72/TL VHVN phản hồi thông tin mà báo Pháp luật Việt Nam phản ánh chưa chính xác.
Một phần diện tích của trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam được sử dụng dưới hình thức liên kết xây dựng gian hàng quảng bá các sản phẩm đặc trưng văn hóa của tỉnh Lào Cai nhưng hiện tại đã trở thành của hàng Bác Tôm kinh doanh thực phẩm.

Tuy nhiên, sau khi xem xét các luận điểm, các đề nghị mà trung tâm TLVHNTVN đưa ra là không có căn cứ, không có tài liệu và chứng từ kèm theo để chứng minh các thông tin báo PLVN phản ánh là chưa chính xác. Để rộng đường dư luận, Báo PLVN thông tin như sau:

Thứ nhất, việc ông Dương Văn Quynh - Giám đốc trung tâm TLVHNTVN bị tố cáo “ăn chặn” tiền trang phục là có cơ sở. Ngày 10/3/2017, Báo PLVN nhận được đơn phản ánh của một số cán bộ, nhân viên trung tâm TLVHNTVN về hàng loạt các vấn đề sai phạm trong quản lý tài chính, hoạt động của trung tâm. Trong đó, việc tố cáo đích danh ông Dương Văn Quynh với vai trò lãnh đạo đã buông lỏng quản lý, không công khai, minh bạch tài chính, không đảm bảo các quyền lợi chính đáng của cán bộ, nhân viên của trung tâm.

Trong đơn tố cáo còn nêu rõ: Ngày 11/4/2017, ông Nguyễn Thế Lực, Phụ trách phòng bảo vệ, nguyên Phó chủ tịch công đoàn trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam khi làm việc với Tổ công tác (thanh tra Bộ VHTT&DL) đã khẳng định không hề nhận được tiền trang phục năm 2012 và năm 2013. Việc ông Lực ký nhận thay 16 nhân viên bảo vệ là ký lưu không cho thủ quỹ một danh sách để chuyển tiền tết vào tài khoản ngân hàng.

Để làm rõ vấn đề này, phóng viên báo PLVN đã trao đổi trực tiếp với ông Nguyễn Thế Lực. Tại buổi làm việc, ông Lực khẳng định rằng: “Năm 2013, tôi được gọi lên ký nhận tiền giúp anh em trong phòng bảo vệ. Lúc đó, tôi được kế toán trưởng và thủ quỹ là bà Trần Thị Hoàng Yến đề nghị ký vào phiếu chi cho 16 nhân viên phòng bảo vệ, mỗi nhân viên 5 triệu đồng. Bà Yến nói với tôi đây ký để chuyển tiền, nhưng đó là tiền tết chứ không phải tiền trang phục”.

 Thông tin phản ánh các vấn đề sai phạm trong quản lý nhà nước tại trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam trên báo Pháp luật Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở, có tư liệu, hồ sơ, nhân chứng rõ ràng.

Ông Lực cũng cho biết thêm rằng: Thực tế năm 2012, 2013 quy định chỉ được 1,5 triêu/ người, riêng phòng bảo vệ phải trừ tiền trang phục riêng do bà Đặng Thị Ngọc Bích, Phó giám đốc phụ trách đã ký hàng năm. Tuy nhiên, khi có Kết luận số 80/KL-TTr của Thanh tra Bộ VHTT&DL thì anh em mới biết có chứng từ 5 triệu/ người trong hai năm liền.

“Chúng tôi sẵn sàng đối chứng về việc có hay không việc nhận được tiền trang phục năm 2012, 2013. Chúng tôi cũng từng đề nghị Tổ công tác của Bộ VHTT&DL khi thanh tra cần làm rõ việc này bằng việc đối chất nhưng tổ công tác không nghe”.

Thứ hai, việc trung tâm TLVHNTVN cho rằng báo PLVN dựa vào đơn phản ánh của các cá nhân không rõ tên tuổi, dẫn đến thông tin sai lệch là một luận điểm không có căn cứ, không hiểu rõ về Luật Báo chí. Bởi, Luật Báo chí năm 2016 quy định rõ: “Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin, trừ trường hợp có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”.

Vì vậy, việc trung tâm TLVHNTVN đòi công khai tên người khiếu kiện, người cung cấp thông tin cho báo chí là hoàn toàn bất hợp lý, không phù hợp với quy định của pháp luật.

Thứ ba, trung tâm TLVHNTVN cho rằng việc cắt trích thông tin bị bóp méo hoặc cố ý bịa đặt là vô căn cứ. Bởi lẽ, các thông tin phóng viên cắt trích, sử dụng trong bài viết là những thông tin do nguồn tin cung cấp bằng các văn bản, chứng từ, có cơ sở, đặc biệt có sự kiểm chứng thông tin thông qua đối chất giữa phóng viên với người cung cấp thông và cả đơn vị, cá nhân được phản ánh. Tuy nhiên, giám đốc trung tâm từ chối cung cấp thông tin cho phóng viên bằng nhiều lý do không thiết thực, không tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp theo quy định của Luật Báo chí.

Cụ thể, trong các Báo cáo khẩn cấp của bà Đặng Thị Ngọc Bích, Phó giám đốc trung tâm TLVHNTVN gửi đến Bộ VHTT&DL đều nêu rõ những vấn đề khúc mắc của trung tâm. Trong đó, có các ý kiến của các cán bộ, công nhân viên chức trong các buổi họp như: “Quỹ phúc lợi năm 2012 báo cáo với Ban Giám đốc là âm 700 triệu nhưng báo cáo quyết toán gửi về Bộ còn 658.894.503 đồng, báo cáo tại Hội nghị công nhân viên chức chỉ còn 570 triệu đồng”.  Tại Kết luận số 80/KL-TTr ngày 5/9/2014 của Thanh tra Bộ VHTT&DL cũng nêu rõ việc xác minh khoản chi trả tiền quần áo, đồng phục cho cán bộ, nhân viên của trung tâm.

Thứ tư, trung tâm TLVHNTVN cho rằng, hiện Thanh tra Bộ VHTT&DL đang tiến hành thanh, kiểm tra trung tâm, chưa có kết luận nên việc báo nêu ý kiến của một cán bộ trung tâm không ghi rõ tên nói rằng: “…Tổ công tác đang có tình báo che, tạo điều hợp lý hóa hồ sơ” hoàn toàn thiếu cơ sở là chưa chính xác. Bởi, qua tác nghiệp, phóng viên báo PLVN đã ghi nhận, phản ánh một cách trung thực các thông tin của người cung cấp thông tin và đặt ra nghi vấn, chứ không khẳng định tổ công tác có bao che sai phạm hay không?

Chưa kể, sự nghi vấn hoàn toàn có cơ sở khi người cung cấp thông tin đã đưa ra các hồ sơ, tài liệu chứng minh: Đoàn thanh tra không tập trung giải quyết vấn đề đang gây bức xúc là “tiền quần áo năm 2012-2013 có thật sự đến tay các cán bộ, nhân viên của trung tâm. Trong qua trình thanh tra, thủ quỹ của trung tâm được “tạo điều kiện” đi xin lại chữ ký của từng cán bộ, nhân viên vào danh sách đã nhận tiền quần áo các năm 2013, 2014, 2015, 2016. Đặc biệt, khi các cán bộ, nhân viên phòng bảo vệ không đồng ký vào danh sách nhận tiền này. Những người nắm giữ tài chính của trung tâm lại đề nghị các nhân viên phòng bảo vệ đến đòi người đã ký nhận thay tiền đồng phục là ông Lực - Phụ trách phòng bảo vệ.

Chính vì thế, ông Lực vô cùng bức xúc, đã đề nghị tổ công tác xuống đối chứng trực tiếp với các nhân viên bảo vệ xem có ai nhận được tiền trang phục năm 2012, 2012 hay chưa? Tuy nhiên, yêu cầu này không được thực hiện. Vậy, việc đặt nghi vấn việc đoàn thành tra của Bộ VHTT&DL có đang cố tình bao che, tạo điều kiện hợp lý hóa hồ sơ hay không là hoàn toàn có cơ sở.

Thứ năm, trung tâm TLVHNTVN cho rằng báo PLVN sử dụng hình ảnh và chú thích ảnh không phù, ngụy tạo thông tin, cố ý gây hiểu sai là hoàn toàn thiếu cơ sở. Bởi, hình ảnh được thể hiện trong bài viết là hình ảnh được phóng viên chụp tại trung tâm TLVHNTVN, đúng địa điểm, địa danh mà bài viết phản ánh. Chú thích ảnh cũng thể hiện rõ ràng tên cơ sở, vấn đề đang xảy ra ở trung tâm. Vì thế, hình ảnh và chú thích hoàn toàn đáp ứng đầy đủ các thông tin quy chuẩn của một bức ảnh báo chí, không hề có sự ngụy tạo thông tin.

Ngoài ra, trung tâm TLVHNTVN còn cho rằng bài viết: “Trung tâm triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam: Có dấu hiệu sai phạm trong quản lý nhà nước” là thông tin một chiều, thiếu cơ sở là hoàn toàn vô lý. Bởi, trung tâm TLVHNTVN hoàn toàn không đưa ra được các thông tin, tài liệu chứng minh nội dung bài viết thiếu cơ sở.

Trung tâm triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam có sứ mệnh, nhiệm vụ giữ gìn, truyền bá các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc nhưng hiện nay những hoạt động văn hóa được tổ chức quá ít, thay vào đó là các hoạt động kinh doanh dưới hình thức liên kết.

Trong khi đó, trong quá trình tác nghiệp, phóng viên Báo PLVN đã chủ động liên hệ với ông Dương Văn Quynh, đề nghị cung cấp thông tin để phản ánh sự việc khách quan hơn. Tuy nhiên, ông Quynh từ chối với lý do: đang thanh tra, khi nào có kết quả thì căn cứ vào đấy để trả lời. Ngoài ra, ông Quynh cũng cho biết, về tiền trang phục đã có kết luận thanh tra từ lâu rồi cho nên không có gì để trao đổi thêm.

Hơn nữa, quá trình thu thập thông tin, phóng viên đã thu thập được hàng loạt các tài liệu, văn bản, chứng từ cùng các ý kiến, đánh giá của một số cán bộ, nhân viên của trung tâm về hoạt động tài chính, hoạt động văn hóa – xã hội của trung tâm để có một cái nhìn toàn diện, khách quan, trước khi đăng tải các bài viết.

Như vậy, báo PLVN hai bài viết phản ánh về các vấn đề sai phạm trong quản lý nhà nước tại trung tâm TLVHNTVN hoàn toàn có cơ sở, có tư liệu, hồ sơ, nhân chứng rõ ràng. Các thông tin đăng tải và các nhân chứng, người cung cấp thông tin cho báo chí được bảo vệ thông tin cá nhân theo đúng quy định của Luật Báo chí. Vì thế, việc trung tâm TLVHNTVN gửi công văn số số 72/TL VHVN đề nghị xem xét trách nhiệm của phóng viên, của người cung cấp thông tin thiếu chính xác là hoàn toàn thiếu cơ sở.

PLVN sẽ tiếp tục thông tin sự việc này.

Đọc thêm