Vụ án sáu năm bị “ngâm tôm”
Theo hồ sơ, năm 1998, bà Bảy mua của bà Đỗ Thị Loan (ngụ phường Bửu Hòa, đã qua đời năm 2004) mảnh đất diện tích 525 m2, thửa 228, tờ bản đồ số 2 thuộc xã Bửu Hoà. Việc mua bán trên có xác nhận của chính quyền địa phương. Do đất chưa có sổ đỏ, bà Bảy đi đăng ký thủ tục xin cấp, nhưng không được UBND phường Bửu Hoà chấp nhận với lý do “có tranh chấp giữa các thừa kế sau khi bà Loan chết”.
Diễn biến mới nhất vụ kiện sáu năm bị “ngâm tôm”, bà Bảy cho biết, vào ngày 28/5 vừa qua, việc đối chất, hoà giải, kiểm tra chứng cứ không được thực hiện do ông Bắc không có mặt mà chỉ có người đại diện uỷ quyền dù các khâu này bắt buộc ông Bắc phải có mặt.
Không đồng ý, bà Bảy khởi kiện UBND phường. Tháng 1/2013, TAND tỉnh Đồng Nai đưa vụ án ra xét xử, tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Bảy. Tòa án tỉnh tuyên bố hành vi không xác nhận hồ sơ xin cấp quyền sử dụng đất của phường là trái pháp luật, buộc UBND phường Bửu Hòa chấm dứt hành vi trái pháp luật nêu trên.
Tòa cũng yêu cầu UBND phường Bửu Hòa phải thực hiện việc xác nhận hồ sơ xin cấp sổ đỏ của bà Bảy, nếu các đồng thừa kế của bà Loan không thực hiện việc khởi kiện theo quy định pháp luật.
Sau khi có bản án của TAND tỉnh, bà Bảy làm thủ tục cấp sổ đỏ thì bị ngăn trở. Sự ngăn trở xuất phát từ anh Đinh Xuân Bắc (SN 1994, con trai bà Loan). Anh Bắc khởi kiện bà Bảy, yêu cầu TAND TP Biên Hoà tuyên buộc huỷ hợp đồng mua bán đất năm 1998 giữa mẹ mình với bà Bảy. Ngày 29/8/2013, vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất” được TAND TP Biên Hoà thụ lý. Thẩm phán Trần Thị Kim Dung được phân công giải quyết.
Vậy mà từ ngày thụ lý vụ án đến nay, đã hơn 68 tháng (gần 6 năm) nhưng không thấy ngày được đưa ra xét xử. Theo trả lời của TAND TP Biên Hoà hồi giữa năm 2018 thì bất ngờ có thêm tình tiết liên quan đến mảnh đất, ngoài việc bị anh Bắc kiện, bà Bảy còn bị những người hàng xóm khác kiện. Tuy nhiên, TAND Biên Hòa không trả lời bà Bảy việc vì sao nhiều năm vẫn chưa đưa ra xét xử vụ kiện.
Sau khi Báo đăng, mới đây TAND Biên Hòa đã có Văn bản số 54/2019/TB-TA do Chánh án Trần Phương Đông ký, gửi Báo PLVN. Chánh án Đông hứa “sẽ quan tâm và có trách nhiệm chỉ đạo cho thẩm phán được phân công giải quyết vụ án để nhanh chóng, chủ động hoàn tất các thủ tục tố tụng để kịp thời đưa vụ án ra xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự”.
Cũng trong văn bản này, xuất hiện một số nội dung bị đánh giá không phù hợp pháp luật, thể hiện dấu hiệu sai sót của Thẩm phán thụ lý vụ án Trần Thị Kim Dung.
Văn bản trả lời của Chánh án TAND Biên Hòa |
Thụ lý, xác minh kiểu “lai rai”
Theo văn bản trả lời của Chánh án mới đây, ngày 9/8/2013, anh Bắc có đơn khởi kiện yêu cầu huỷ hợp đồng chuyển nhượng đất giữa mẹ mình và bà Bảy ký vào ngày 6/9/1998, yêu cầu bà Bảy trả lại phần đất 525m2. Thế nhưng mãi đến ngày 29/8/2013, nghĩa là hơn 5 năm sau toà mới thụ lý (văn bản không nêu nguyên nhân vì sao lại “ngâm” đơn lâu đến vậy - NV). Đến ngày 24/9/2013 thì tòa tạm đình chỉ chờ kết quả sao lục hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai. Ngày 9/10/2013, Toà tiếp tục giải quyết vụ việc.
Ngày 10/4/2014, sau khi thụ lý lại được sáu tháng, thẩm phán tiếp tục tạm đình chỉ vụ án với lý do chờ trả lời của Công an phường Bửu Hoà. Thêm sáu tháng nữa, không thấy Công an phường Bửu Hòa trả lời, thẩm phán mới làm văn bản nhắc lại.
Như vậy trong hơn một năm thụ lý, thẩm phán hai lần ra quyết định tạm đình chỉ vụ án. Và vụ kiện cứ được xử lý kiểu “lai rai”. Đến tháng 11/2014, thẩm phán quyết định thụ lý, giải quyết lại vụ án, gần một năm sau vẫn không đưa vụ án ra xét xử. Tại thời điểm này, thẩm phán đã vi phạm tố tụng về thời gian giải quyết vụ án. Tuy nhiên trong văn trả lời của Chánh án không nêu được trong một năm đó thẩm phán bị trở ngại, gặp khó khăn gì mà không đưa vụ án ra xét xử.
Vụ án này chưa được đưa ra xét xử thì ngày 18/9/2015, ông Đinh Văn Tuyến và bà Đinh Thị Trại (hai con của bác ruột chồng bà Loan – NV) khởi kiện độc lập yêu cầu công nhận phần đất 525m2 trên cho hai người và huỷ hợp đồng mua bán giữa bà Loan với bà Bảy. Toà thụ lý, đồng thời gộp chung vào vụ án ông Bắc kiện bà Bảy thành một vụ án.
Gần hai năm sau thụ lý đơn của ông Tuyến, bà Trại, tháng 5/2017, thẩm phán tiếp tục ra văn bản xác minh hiện bãi giữ xe trên đất là của ai. Thêm bảy tháng nữa, thẩm phán ra tiếp văn bản đề nghị địa phương hỗ trợ cung cấp tên người đại diện hộ kinh doanh bãi xe trên đất. Một năm sau, ngày 20/3/2019, toà lại đề nghị Phòng Tài chính Kế hoạch cung cấp thông tin đăng ký kinh doanh tại khu đất trên.
Không hiểu tại sao, thẩm phán cứ 6 tháng, 7 tháng, thậm chí 2 năm mới có văn bản xác minh kiểu “lai rai” như trên? Tại sao chỉ có một bãi giữ xe, thẩm phán phải gửi văn bản ba lần để tìm thông tin đăng ký kinh doanh, tên người đại diện hộ kinh doanh?
Chánh án cho rằng vụ án “rất phức tạp nên kéo dài đến sáu năm”. Cho đến ngày 28/5/2019, toà mới tổ chức họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hoà giải.
Phản bác trả lời của Chánh án TAND Biên Hòa, bà Bảy nói: “Tôi không đồng ý với một số nội dung mà ông Bắc cũng như toà đưa ra. Toà cho rằng ông Bắc nói hợp đồng mua bán đất giữa tôi và bà Loan ngày 6/9/1998 không có công chứng, chứng thực của chính quyền địa phương. Trên thực tế, hợp đồng này được địa phương chứng thực vào năm 1999”.
Ngoài ra, như đã nói ở trên, theo bà Bảy, hợp đồng mua bán của bà và bà Loan đã được công nhận bằng một bản án. Khi bà Bảy đi đăng ký quyền sử dụng đất phần đất 525m2 đã mua thì UBND phường Bửu Hoà không đồng ý cấp. Bà Bảy khởi kiện. Tại bản án phúc thẩm năm 2012, TAND tỉnh Đồng Nai nêu rõ hành vi của UBND phường Bửu Hoà là trái luật; yêu cầu phường Bửu Hoà ký xác nhận hồ sơ xin cấp “sổ đỏ” cho bà Bảy nếu không có tranh chấp khác. “Nói cách khác, qua bản án năm 2012, toà tỉnh đã xác nhận tôi mua bán hợp pháp và đủ điều kiện được cấp “sổ đỏ””, lời bà Bảy.