Phán quyết khuất tất đẩy cả một gia đình vào cảnh cùng quẫn?

(PLO) -Anh Trần Thanh Long (SN 1969, ngụ thôn 9, xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) vừa bị thi hành án mất nhà trong vụ kiện “Tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản”. Anh cho rằng nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Bình (SN 1974, ngụ thôn 8, cùng xã) tự tạo dựng 2 giấy vay mượn tiền để kiện ra tòa.
Anh Long và mẹ vợ
Anh Long và mẹ vợ

Thua kiện 4 năm mới biết?

Theo anh Long, năm 2010 hoặc 2011, anh và vợ là chị Nguyễn Thị Thanh Vân (SN 1969) có vay của bà Bình 10 triệu đồng bằng việc thế chấp tài sản. “Sau đó, chúng tôi đã trả hết và lấy lại sổ đỏ. Từ đó không còn vay mượn gì với bà Bình nữa”, anh Long nói. Vợ anh cũng khẳng định sau đó không hề vay tiền của bà Bình.

Tuy nhiên, bà Bình có hai giấy vay nợ mà anh Long cho rằng được làm giả. Một giấy ghi Nguyễn Thị Thảo và Trần Thanh Long vay 25 triệu của bà Bình, thời hạn từ 20/1/2010 đến 20/2/2010.

Giấy thứ hai viết tay ghi Nguyễn Thị Thanh Thảo và Nguyễn Thanh Long (chữ Nguyễn có chữ Trần viết đè lên) với số tiền 28 triệu đồng, thời hạn từ 6/4/2011 đến hết 6/8/2011. Đáng chú ý, lần cho vay thứ nhất đã quá hạn một năm nhưng bà Bình vẫn tiếp tục cho vay lần thứ hai.

Anh Long cho biết: “Vợ tôi tên là Nguyễn Thị Thanh Vân chứ không phải Nguyễn Thị Thảo hay Nguyễn Thị Thanh Thảo như trong giấy vay nợ của bà Bình. Trong giấy vay lại viết sai cả tên tôi. Và dù có tên tôi nhưng chỉ một mình người tên Thảo ký. Tôi khẳng định không vay mượn của bà Bình và chữ ký trong giấy vay nợ cũng không phải của vợ tôi”.

Theo anh phản ánh, sau khi giấy vay nợ lần thứ hai hết hạn 2 tháng, bà Bình gửi đơn khởi kiện ra tòa vào ngày 4/10/2011. Bản án sơ thẩm năm 2012 của Tòa án huyện Bảo Lâm cho rằng vợ chồng anh Long được triệu tập hợp lệ nhưng không đến tòa. Song vợ anh Long có gửi bản tường trình phủ nhận việc vay mượn hai lần như bà Bình trình bày.

Tòa án huyện Bảo Lâm cho rằng vợ chồng anh Long không có chứng cứ về việc phủ nhận này nên chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn; buộc vợ chồng anh Long trả nợ cho bà này cả vốn lẫn lãi gần 69 triệu đồng.

Vợ anh Long kể: “Tôi có nhận được thư mời của tòa án một lần từ nhân viên bưu điện nhưng không ký nhận. Sau đó, tôi lên văn phòng luật sư tư vấn nhưng nghe họ bảo “không vay mượn thì đừng có lên tòa làm gì, lên đó người ta bắt trả nợ đó”. Vì nghĩ rằng không vay mượn của bà Bình nên tôi không lên tòa và không hề có đơn tường trình như bản án nêu”. 

Còn anh Long được coi là người bị buộc liên đới trả nợ vì tòa cho rằng số tiền vợ anh vay là để chữa bệnh cho anh khi bị tai nạn giao thông. Anh Long khẳng định:

“Tôi chưa bao giờ nhận được thư mời hoặc giấy triệu tập của tòa án. Và cũng không biết sự việc kiện tụng thế nào. Mãi đến năm 2016, khi cơ quan thi hành án xuống dán giấy đòi kê biên tài sản là căn nhà thì tôi mới tá hỏa biết bị “dính” bản án trả nợ cách đó 4 năm”.

Anh này cho rằng bản án sơ thẩm của TAND huyện Bảo Lâm cũng không được tống đạt cho vợ chồng anh. Cho đến đầu năm 2016, khi biết mình bị kê biên tài sản, anh Long khiếu nại mới được photo cho một bản. 

Anh Long nói: “Năm 2016, tôi khiếu nại mãi nhưng tòa án vẫn không đưa cho tôi bản án. Bản án photo mà tôi có được là do một chấp hành viên của thi hành án cung cấp chứ không phải là bản chính”.

Hai giấy vay tiền mà anh Long cho rằng người vay không đúng tên vợ chồng anh

Hai giấy vay tiền mà anh Long cho rằng người vay không đúng tên vợ chồng anh

Cùng quẫn mất nhà 

Cho rằng vợ chồng anh Long không tự nguyện trả tiền, cơ quan chức năng đã thi hành án bằng cách bán đấu giá thửa đất 64m2 và một căn nhà cấp 4. Theo anh Long, khi trả lời vợ chồng anh vào tháng 4/2016, cơ quan thi hành án cho rằng từ năm 2013 đến năm 2016 đã nhiều lần mời, gặp, động viên, thuyết phục vợ chồng anh nhưng không được nên buộc phải cưỡng chế. Tuy nhiên, anh khẳng định mình không được mời làm việc, không hề có ai đến nhà thuyết phục, động viên như trên.

Việc bán đấu giá được thực hiện 5 lần nhưng anh Long khẳng định vợ chồng anh không có mặt ở những buổi bán đấu giá đó. Sau 4 lần giảm giá, người mua tài sản của vợ chồng anh Long lại là bà Bình với số tiền 220 triệu đồng. 

Anh Long kể: “Tôi chỉ có chủ quyền ở thửa đất 64m2 và căn nhà 64m2 nằm trên đất. Tuy nhiên, căn nhà tôi đang ở có diện tích gần 200m2, được ghép đôi từ hai căn nhà, một của tôi và một của mẹ tôi. Hai nhà có tường gạch ngăn nhưng sau đó để tiện sử dụng, tôi đập tường gạch này ra.

Căn nhà mẹ tôi xây dựng nằm trên phần đất đã mua của người khác nhưng chưa có chủ quyền. Tôi không hiểu tại sao cơ quan thi hành án lại bán hết, không chừa lại phần nhà của mẹ tôi”.

Anh Long nói đã nhiều lần khiếu nại về việc thi hành án dân sự bán đấu giá vượt quá tài sản của mình (cụ thể là căn nhà mẹ anh xây cho anh ở nhờ). Theo anh, phía thi hành án cho rằng phần nhà trên xây dựng trên hành lang đường bộ và không có chứng cứ để chứng minh là nhà của mẹ anh. 

Anh nói: “Nhà mẹ tôi xây dựng trước khi có quy hoạch hành lang đường bộ và cũng không bị xử lý hành chính về vi phạm. Tôi không hiểu tại sao đất của tôi có 64m2 mà họ lại bán nhà xây dựng có diện tích gần 200m2 “ .Anh cho rằng cơ quan thi hành án đã nhận ra sai phạm nhưng tìm lý do để né tránh trách nhiệm.

Anh Long phản ánh khi cơ quan thi hành án cưỡng chế nhà, vợ anh bị bắt trói đưa về UBND xã đến chiều mới cho về. Riêng anh bị nhiều công an khống chế không cho liên lạc với người thân hoặc thu dọn đồ đạc. “Đồ đạc trong nhà là của mẹ vợ tôi nhưng họ vứt ra ngoài gây hư hỏng không còn sử dụng được”, anh nói.

“Tôi khẳng định hai chữ ký trên giấy vay nợ là giả mạo, không phải của vợ tôi và vợ chồng tôi không vay mượn tiền của bà Bình. Tôi yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý”, anh cho biết.

“Chủ nợ” nói gì?

Về phía người được thi hành án, trao đổi với PV, bà Bình phủ nhận việc cho vợ chồng anh Long mượn 10 triệu đồng và thế chấp bằng sổ đỏ. Bà Bình khẳng định từ trước đến giờ chỉ biết vợ anh Long có tên gọi là Thảo, còn giấy tờ tên họ gì, bà Bình không quan tâm. 

Bà Bình nói: “Thời điểm đó hai bên chơi khá thân. Năm 2010, Thảo (ý chỉ vợ anh Long) vay tiền làm ăn nhưng không trả. Đến năm 2011, Thảo tiếp tục đến vay mượn và hứa sau khi vay được của ngân hàng thì trả nợ cho tôi. Chính mẹ ruột của Thảo có đánh tiếng nhờ tôi.

Nhưng sau đó, Thảo vay được tiền ở ngân hàng nhưng không trả nợ cho tôi mà mua xe, mua đồ dùng cá nhân. Tôi nhiều lần đòi nhưng không được nên đành phải khởi kiện”.

Anh Long trước căn nhà đã bị thi hành án
 Anh Long trước căn nhà đã bị thi hành án

Bà Bình cho biết mình mua lại tài sản của vợ chồng anh Long là do không ai mua và sợ không thu hồi được số tiền nợ. Bà nói: “Tôi mua đất 64m2 đất và căn nhà rộng gần 200m2. Phần nhà còn dư nằm trên đất của mẹ Thảo mua của người dân tộc. Tôi chỉ mua nhà của thi hành án bán, đúng pháp luật”.

Trao đổi với PV về vụ việc, ông Võ Thiên Bình, Chủ tịch UBND xã Lộc Nam cho biết: “Vụ kiện kéo dài nhiều năm, việc bán đấu giá, cưỡng chế, phía UBND cũng chỉ hỗ trợ cho cơ quan cấp trên. Việc thi hành án kéo dài là do vợ chồng anh Long chỉ có một căn nhà duy nhất. Trước lúc cưỡng chế có thuê cho hai vợ chồng một căn nhà để ổn định nhưng họ không chịu”. 

Ông Phan Nguyên Cừ, Trưởng công an xã Lộc Nam, khẳng định trong hồ sơ đăng ký thường trú chỉ có tên Trần Thanh Long và Nguyễn Thị Thanh Vân, ngoài ra không đăng ký tên khác hay tên thường gọi. “Còn việc họ có tên khác là gì thì đó là chuyện ở ngoài đời, không hề có đăng ký trong hồ sơ”, ông Cừ nói. 

Về vấn đề anh Long phản ánh trói, khống chế người lúc cưỡng chế, ông Cừ cho rằng chỉ mời vợ anh Long lên trụ sở răn đe cho lực lượng chức năng làm việc và sau đó cho về. Đối với anh Long, do có thông tin anh chuẩn bị dao nên lực lượng công an ập vào khống chế để tránh tình trạng nguy hiểm.

Được biết, hiện Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án cấp cao tại TP HCM đã nhận được đơn, hồ sơ khiếu nại giám đốc thẩm vụ án của anh Long.

Đọc thêm