Phán quyết “kỳ lạ” đem đất công giao cho… đương sự

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong vụ kiện tranh chấp diện tích đất 831m2 (thửa 377, tờ bản đồ 28, xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), mặc dù Tòa và VKS đều xác định đối tượng tranh chấp là đất công, do UBND xã Phước Thiền quản lý. Thế nhưng, Hội đồng xét xử lại tuyên… công nhận cho người dân.
Ông Trương Hữu Phủ bên phần đất trong vụ án.
Ông Trương Hữu Phủ bên phần đất trong vụ án.

Xác định đất tranh chấp là “đất công”

Ngày 21/5/2020, TAND huyện Nhơn Trạch xử sơ thẩm vụ tranh chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) giữa nguyên đơn bà Nguyễn Thị Trung (xã Phước Phiền, đã mất năm 2019) và bị đơn là ông Trương Hữu Phủ (ngụ cùng địa phương).

Theo Bản án sơ thẩm số 10/2020/DS-ST của TAND Nhơn Trạch, phía bà Trung yêu cầu ông Phủ trả lại diện tích 831m2 (thửa 377, tờ bản đồ 28) đồng thời yêu cầu Tòa tuyên hủy quyết định giao đất và Giấy chứng nhận QSDĐ (GCN) của ông Phủ. Theo nguyên đơn, diện tích này thuộc phần đất ông Cao Văn Hai (chồng bà Trung) được thừa kế từ gia đình, đã từng nộp hồ sơ nhưng không được cấp GCN.

Trong khi đó, phía bị đơn trình bày, phần đất trên nằm trong diện tích 4.233m2 bố ông để lại cho ông từ 1973, trên đó có nhiều mồ mả của người thân trong gia tộc do ông trông coi, thờ cúng. Từ 1997 - 2013, ông Phủ nhiều lần xin cấp GCN.

Từ Quyết định giải quyết khiếu nại 3218/QĐ.CT-UBT ngày 7/9/2001 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, năm 2013 UBND huyện Nhơn Trạch ra Quyết định 2865/QĐ-UBND. Theo đó, giao 831m2 (thửa 377, tờ bản đồ 28) và cấp GCN cho ông Phủ (số BK 399467 ngày 24/9/2013).

Ông Phủ cho rằng mình là người quản lý phần đất trên và việc cấp GCN cho ông là hợp pháp. Trong một số văn bản trình bày với Tòa, UBND huyện Nhơn Trạch cho rằng, việc cấp đất cho ông Phủ là “đúng trình tự, thủ tục pháp luật”.

Trong khi đó, đại diện VKSND Nhơn Trạch cho rằng: “Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án, kết quả tranh tụng tại phiên tòa thể hiện nguồn gốc diện tích đất tại thửa 377, tờ bản đồ số 28, là đất công thuộc quản lý của Nhà nước. Từ năm 1990, ông Hai (chồng bà Trung – PV) mượn đất để trồng tràm, sau khi ông Hai chết thì ông Hiếu (con ông Hai) tiếp tục sử dụng ổn định đến nay. Thực tế thì ông Phủ không quản lý sử dụng diện tích đất trên”.

Tương tự, HĐXX nhận định: “Qua xác minh thì UBND xã Phước Thiền cung cấp nguồn gốc diện tích tranh chấp tại thửa 377 tờ bản đồ 28 là đất công thuộc quản lý Nhà nước”.

Đem “đất công” giao cho đương sự

Tòa sơ thẩm cho rằng việc cấp GCN cho ông Phủ là không đúng thủ tục quy định pháp luật, bởi phía bà Trung trực tiếp quản lý, sử dụng đất và có đăng ký kê khai, trên đất có nhiều cây tràm phía bà Trung trồng. Chính vì vậy, Tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn

Nhiều tài liệu chứng cứ thể hiện đất tranh chấp có nguồn gốc đất công.

Nhiều tài liệu chứng cứ thể hiện đất tranh chấp có nguồn gốc đất công.

.Mặc dù trước đó đã xác định nguồn gốc đất tranh chấp là “đất công”, như tại biên bản xác minh của Tòa ngày 7/6/2017, ông Cao Văn Hai (chồng bà Trung) khi đang là Trưởng Trạm Y tế xã đã làm đơn mượn một phần đất công để trồng tràm và được UBND xã chấp thuận cho mượn vào ngày 11/7/1990. Thế nhưng, TAND huyện Nhơn Trạch đưa ra nhận định: “Do việc cấp giấy cho ông Phủ không đúng (như phần nhận định trên) nên cần buộc ông Phủ trả lại QSDĐ cho bà Trung”.

Từ đó, Tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, tuyên hủy Quyết định 2865/QĐ-UBND và GCN số BK 399467 mà UBND huyện Nhơn Trạch cấp cho ông Phủ, với thửa đất 377. Buộc ông Phủ “trả lại đất cho phía bà Trung”.

Ông Phủ kháng cáo. Ngày 30/10/2020, TAND tỉnh Đồng Nai đưa vụ án ra xử phúc thẩm. Theo Bản án phúc thẩm 183/2020/DS-PT, HĐXX tiếp tục nhận định nguồn gốc diện tích tranh chấp là “đất công thuộc quản lý Nhà nước”. Nhưng đưa ra những lập luận tương tự như Tòa cấp dưới, TAND tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng bản án sơ thẩm tuyên “có căn cứ, phù hợp quy định pháp luật”. Tòa phúc thẩm quyết định đem phần đất có nguồn gốc “đất công thuộc quản lý Nhà nước” giao cho phía nguyên đơn.

Một số ý kiến đánh giá, trong vụ án này, lời khai nguyên đơn về nguồn gốc đất hết sức chung chung, không có tài liệu chứng cứ chứng minh, nhiều nội dung mâu thuẫn với lời khai của bị đơn và trình bày của chính quyền địa phương; nhưng 2 cấp Tòa đã không xác minh làm rõ. Ngoài ra, Tòa không làm rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý đất công, cụ thể là UBND xã Phước Thiền, nên Tòa mới đem đất công giao cho người dân.

Cho rằng 2 bản án trên không phù hợp pháp luật, ông Phủ đã có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy 2 bản án để xét xử lại.

Theo LS Trần Đức Phượng (Đoàn LS TP HCM), tòa sơ và phúc thẩm chưa làm rõ về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, việc mượn đất công nhưng không trả, nên nhiều nhận định của Tòa không phù hợp. Cả hai cấp tòa đều xác định đất tranh chấp là “đất công” do UBND xã Phước Thiền quản lý nhưng lại không đưa chính quyền xã tham gia tố tụng với tư cách bên đang trực tiếp quản lý “đất công”, dẫn đến “đất công” biến thành “đất ông”. Đây là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự của 2 cấp Tòa.

“Nếu đã là “đất công”, không công nhận cho ông Phủ thì 2 bản án tuyên “trả lại” “đất công” cho phía bà Trung là nhầm lẫn. Ông Phủ chưa quản lý đất, sao vẫn phải trả lại đất? Tại sao không trả lại đất cho UBND xã Phước Thiền? Tôi cho rằng cần xem xét hủy 2 bản án để giải quyết lại”, LS nói.

Đọc thêm