Phan Văn Vĩnh bị phạt 9 năm tù, Nguyễn Thanh Hóa lĩnh 10 năm tù

(PLO) - Mức án 2 cựu tướng công an phải nhận cao hơn mức đề nghị của viện kiểm sát (lần lượt với ông Vĩnh, ông Hóa là 7-7,5 năm tù và 7,5-8 năm tù).
Phan Văn Vĩnh bị phạt 9 năm tù, Nguyễn Thanh Hóa lĩnh 10 năm tù

Chiều 30/11, TAND tỉnh Phú Thọ tuyên án Phan Văn Vĩnh và 91 bị cáo trong vụ đánh bạc qua mạng quy mô nghìn tỷ đồng, xảy ra tại nhiều địa phương. 

Căn cứ kết quả xét xử công khai tại tòa, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Văn Dương 5 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc, năm tù về tội Rửa tiền. Tổng hình phạt chung là 10 năm tù. 

Phan Sào Nam bị TAND tỉnh Phú Thọ tuyên 2 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc, 3 năm tù về tội Rửa tiền. Tổng hình phạt chung là 5 năm tù. 

Ông Phan Văn Vĩnh bị tòa sơ thẩm tuyên 9 năm tù về Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cùng về tội danh này, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa lĩnh 10 năm tù. 2 cựu tướng công an còn bị xử phạt bổ sung mỗi bị cáo 100 triệu đồng. Mức án 2 người này phải nhận cao hơn mức đề nghị của viện kiểm sát (lần lượt với ông Vĩnh, ông Hóa là 7-7,5 năm tù và 7,5-8 năm tù).

"Bóng hồng" Lưu Thị Hồng bị tuyên án bằng thời hạn tạm giam, tuyên trả tự do cho Lưu Thị Hồng tại tòa, phạt bổ sung 50 triệu đồng.

Về các biện pháp tư pháp khác, HĐXX buộc Nguyễn Văn Dương nộp lại hơn 1.300 tỷ đồng tiền thu lời bất chính từ hành vi phạm tội; Tịch thu 329 tỷ mà Dương rửa tiền, ghi nhận đã thu hồi được trên 211 tỷ đồng, còn lại Dương phải nộp bổ sung ngân sách và kê biên, tạm giữ các tài sản khác để đảm bảo thi hành án.

Buộc Phan Sào Nam nộp lại 926 tỷ đồng tiền thu lời bất chính từ hành vi phạm tội để sung ngân sách; Tịch thu 518 tỷ do Nam rửa tiền, xác nhận đã thu hồi 236 tỷ và gần 60 tỷ từ các hành vi khác, còn lại Nam phải nộp bổ sung ngân sách.

Đối với các công ty trung gian thanh toán Home Direct, VNPT EPAY, Ngân Lượng được hưởng lợi từ hoạt động tổ chức đánh bạc bằng game bài Rikvip/Rikvip, xét thấy đây là khoản thu lời không có căn cứ pháp lý nên cần truy nộp ngân sách.

Đối với 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone và Mobifone được hưởng tổng số tiền hơn 1.230 tỷ đồng (Viettel là hơn 913 tỷ; Vinaphone là gần 150 tỷ; Mobifone là hơn 171 tỷ), đây là số tiền thu lời không chính đáng đã được chứng minh là nguồn gốc tiền do đánh bạc mà có, nên việc hưởng lợi của các nhà mạng là không có căn cứ pháp lý.

HĐXX xét thấy, cần phải trừ các chi phí hợp lý trước khi buộc nộp lại tiền bất chính. Do đó, Vietel hưởng lợi hơn 913 tỷ đồng nhưng chỉ phải nộp lại hơn 90 tỷ đồng; Vinaphone hưởng gần 150 tỷ đồng nhưng chỉ cần nộp hơn 13 tỷ đồng; Mobifone hưởng lợi hơn 171 tỷ đồng nhưng chỉ phải nộp lại hơn 15 tỷ đồng.

Đối với các bị cáo là đại lý, để phát triển game bài Rikvip và tăng doanh thu tổ chức đánh bạc, Hoàng Thành Trung lập 2 đại lý tổng cùng 25 đại lý cấp 1. Người được Trung tuyển làm đại lý cấp 1 chủ yếu là người chơi bạc, đại lý cấp 2 có số lượng lớn trong giao dịch mua bán rik, hoặc thông qua giới thiệu của các đại lý cấp 1 khác.

Đại lý cấp 1 sau khi được tạo tài khoản và công cụ quản lý đại lý, tiếp tục mở rộng, xây dựng hệ thống cấp 2 cho mình. Các đại lý còn lập ra nhiều trang mạng xã hội, treo băng rôn, biển quảng cáo tại các địa điểm để quảng bá, giới thiệu về các hình thức đánh bạc, mua bán rik.

Từ tháng 7/2015 - 3/2017, Trung phát triển mạng lưới hơn 5.800 đại lý cấp 2 tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc để lôi kéo đối tượng tham gia đánh bạc; tạo điều kiện cho các đối tượng đánh bạc giao dịch mua, bán rik liên tục 24/24 giờ.

HĐXX xét thấy đối với số tiền các đại lý đã thu lời bất chính cần phải nộp bổ sung ngân sách. Tang vật phục vụ việc mua bán rik để đánh bạc cần được thu hồi hoặc tiêu hủy theo quy định. Xét tính chất mức độ hành vi phạm tội, một số bị cáo có tình tiết giảm nhẹ theo Bộ luật Tố tụng hình sự nên cần được xem xét, một số khác cần thiết phải cách ly khỏi xã hội./.

Đọc thêm