Pháp chế cần được định vị rõ

 Hôm qua, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ do Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ tổ chức..

Hôm qua, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ do Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ tổ chức..

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu hội nghị

Muốn pháp chế trở thành chỗ dựa tin cậy

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường vui mừng khẳng định những thành tựu đã đạt được của các tổ chức pháp chế trong hơn 6 năm vừa qua. Đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế đã được tăng cường cả về số lượng lẫn chất lượng. Hiện nay có hơn 500 cán bộ, công chức làm công tác pháp chế tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Tại Hội nghị, Lãnh đạo Bộ Tư pháp và một số cơ quan liên quan đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho 16 tập thể và 25 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác pháp chế giai đoạn 2004 – 2010.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường phải thẳng thắn thừa nhận có sự phát triển chưa đồng bộ về tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước (DNNN), vẫn còn không ít tổ chức pháp chế chưa khẳng định được vai trò, vị trí của mình.

Từ đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị các đại biểu hiến kế cho việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định số 122 nhằm tạo ra thể chế mới, đồng bộ cho công tác pháp chế ở các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế để pháp chế thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy về pháp luật của các cơ quan quản lý hành chính và DNNN.

Cần làm rõ vị trí và chế độ, chính sách

Báo cáo tổng kết 6 năm thực hiện Nghị định 122, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đã nêu bật những kết quả cũng như những hạn chế, vướng mắc trong triển khai Nghị định. Sau khi phân tích nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho biết, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 122 sẽ có tập trung vào những nội dung cơ bản như xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức pháp chế; quy định rõ việc thành lập các tổ chức pháp chế chuyên trách hoặc bố trí cán bộ chuyên trách; tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực, trình độ và có chế độ, chính sách cho cán bộ pháp chế; quy định cụ thể các điều kiện đảm bảo cho tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế…

Tham dự Hội nghị, đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế Bộ Công an, UBND tỉnh Bắc Giang, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam… cũng đã nêu lên thực trạng công tác pháp chế tại cơ quan, DN. Là Vụ Pháp chế đầu tiên được thành lập ở một bộ (Bộ Công an), lực lượng pháp chế Công an nhân dân hiện có thể nói là rất hùng hậu nhưng không phải là không có hạn chế nhất định, nhất là ở các tổng cục chưa thành lập đầy đủ các phòng Pháp chế độc lập.

Vì vậy, Vụ trưởng Nguyễn Ngọc Anh kiến nghị, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 122 phải làm rõ được chế độ, chính sách cho cán bộ pháp chế để động viên họ phấn khởi, yên tâm cống hiến, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác pháp chế trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng:

Tăng cường pháp chế là phải đưa pháp luật đi vào đời sống xã hội(*)

“Nói đến pháp chế là nói đến pháp luật, là dân chủ, là trật tự, kỷ cương, từ ý thức cho đến việc làm. Vì vậy, công tác pháp chế có vai trò vô cùng to lớn trong phát triển kinh tế, trong quản lý nhà nước, trong đời sống văn hóa, xã hội… Cán bộ tư pháp, cán bộ pháp chế có vinh dự, tự hào được góp phần giúp Nhà nước, xã hội làm cho pháp luật ngày càng tốt hơn, trật tự, kỷ cương ngày càng chặt chẽ hơn, dân chủ hơn.

Phó Thủ tướng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Trước đòi hỏi, yêu cầu của công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, công tác pháp chế vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập.

Thực tế vẫn còn tình trạng xây dựng các chính sách pháp luật chưa sát, chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống; nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành nhưng khi đi vào cuộc sống còn lúng túng vì thiếu hoặc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành và các điều kiện khác. Vẫn có người, có nơi, có chỗ, pháp luật chưa được chấp hành nghiêm, công tác kiểm tra, theo dõi việc thi hành các chính sách, văn bản pháp luật chưa được chú trọng đầy đủ.

Công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN yêu cầu các lĩnh vực đời sống xã hội đều phải được quản lý, điều hành bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế XHCN.

Tuy nhiên, quản lý xã hội bằng pháp luật, tăng cường pháp chế không phải dừng lại ở việc ban hành pháp luật mà vấn đề là phải thi hành pháp luật, phải đưa pháp luật đi vào đời sống xã hội. Tôi đề nghị các đồng chí (ngành Tư pháp và các tổ chức pháp chế - PV) quan tâm thực hiện tốt những nhiệm vụ cụ thể như sau:

Thứ nhất, các Bộ, ngành, địa phương và DNNN cần tập trung triển khai quán triệt cho cán bộ, đảng viên về tinh thần và nội dung các Nghị quyết, chủ trương của Đảng liên quan đến công tác pháp chế.

Thứ hai, tập trung nghiên cứu xây dựng đề án thành lập mới ở những nơi chưa có tổ chức pháp chế; tăng cường, củng cố, kiện toàn các tổ chức pháp chế ở những nơi đã có tổ chức pháp chế theo quy định.

Thứ ba, phải đặc biệt coi trọng công tác cán bộ và công tác xây dựng Đảng trong các tổ chức pháp chế; thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Thứ tư, phải tập trung làm tốt nhiệm vụ xây dựng pháp luật, đây là một trong những nhiệm vụ của các tổ chức pháp chế.

Chính phủ tin tưởng, công tác pháp chế sẽ đạt được những kết quả tốt hơn trong thời gian tới, góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước ta”.

Thục Quyên (lược ghi)

(* Tiêu đề do Báo Pháp luật Việt Nam đặt)

Hoàng Thư

Đọc thêm