Tổng giám đốc công ty Inox chiếm đoạt 204 tỷ đồng của 5 ngân hàng như thế nào?

(PLO) - Làm inox giả bỏ vào kho qua mặt các ngân hàng khi kiểm tra tài sản thế chấp; Lập công ty đứng tên người khác rồi tạo khống hợp đồng mua bán hàng. Với những thủ đoạn như trên, Lê Quốc Dương (SN 1971, Tổng giám đốc công ty CP Thương mại xuất nhập khẩu Inox châu Âu) cùng đồng phạm đã chiếm đoạt của các ngân hàng 204 tỷ đồng. 
Bị cáo Lê Quốc Dương và đồng phạm tại tòa
Bị cáo Lê Quốc Dương và đồng phạm tại tòa

Qua mặt ngân hàng

Ngày 4/6, TAND Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử Lê Quốc Dương cùng hai đồng phạm Trần Thị Nhung (SN 1975, ngụ phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Trần Thị Kim Dung (SN 1973, ngụ phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cơ quan công tố, trong quá trình điều hành công ty CP Thương Mại xuất nhập khẩu Inox Châu Âu (trụ sở tại tập thể thiết bị Bưu điện Tân Mai, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai) Dương vay vốn nhiều ngân hàng. Đến năm 2011, công ty nợ các ngân hàng với số tiền đặc biệt lớn, không có khả năng thanh toán.

Sau đó, Dương thành lập các công ty khác nhờ người thân đứng tên đại diện pháp luật, trong đó có Dung và Nhung. Để tiếp tục vay vốn đáo nợ, Dương lập khống các hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các công ty này với nhau để đưa vào hồ sơ, tài sản đảm bảo là inox được mua từ nguồn vốn vay.

Khối lượng hàng hóa là inox thế chấp cho các ngân hàng hơn 5.400 tấn nhưng thực tế trong kho chỉ có 632 tấn. Để che giấu việc thiếu hụt hàng hóa, Dương đã làm các cuộn inox giả để vào kho nhằm đối phó khi các ngân hàng đi kiểm tra. Dương sử dụng các thanh sắt chữ V, các tấm tôn, inox phế liệu và một số nguyên liệu khác để sản xuất các cuộn inox giả.

Theo cáo buộc, Dương làm giả 930 cuộn inox từ tháng 6/2012 đến tháng 12/2012 và dùng 532 cuộn inox giả đưa về kho Công ty Inox châu Âu thế chấp cho các ngân hàng.

Mỗi khi cán bộ một ngân hàng đi kiểm tra, Dương dồn các cuộn Inox trong kho cho đủ số lượng. Với thủ đoạn trên, bị cáo chiếm đoạt của năm ngân hàng tổng số tiền 204 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền chiếm đoạt được, Dương khai đã sử dụng để đầu tư nhà xưởng, máy móc, mua phương tiện vận tải, mua bất động sản, trả lãi cho các ngân hàng, trả lãi vay ngoài... Tuy nhiên, bị cáo không trình ra được bằng chứng.

Tạm hoãn làm rõ thêm trách nhiệm các bên liên quan

Tại tòa, Dương thừa nhận hành vi sai phạm: "Bị cáo trả hết nợ cũ, còn thừa mới để kinh doanh. Tuy nhiên, việc kinh doanh không có lãi nên công ty dần mất khả năng thanh toán", Dương khai.

Đại diện một ngân hàng thiệt hại gần 55 tỷ đồng, cho hay, có quan hệ với Công ty châu Âu từ năm 2007, đôi bên có nhiều hợp đồng tín dụng (ngắn, trung, và dài hạn). Mặc dù công ty châu Âu liên tục vi phạm vì chậm trả lãi, gốc, song trong hợp đồng tín dụng 100 tỷ đồng, ngân hàng này giải ngân tới 75 lần, điều này dẫn đến việc thất thoát số tiền lớn trên.

HĐXX cũng phân tích khi nhận tài sản thế chấp, ngân hàng cũng chỉ kiểm tra qua loa nên không phát hiện được Dương đã làm giả các cuộn inox. "Công ty không trả lãi thì ngân hàng phải thực hiện việc ngừng cho vay mới đúng quy định pháp luật", chủ tọa nói.

Trong quá trình xét hỏi buổi chiều cùng ngày, một số cá nhân, tổ chức liên quan tiếp tục vắng mặt nên HĐXX thông báo tạm hoãn phiên tòa, rời sang ngày khác.

Đọc thêm