TAND TP Hà Nội vừa đưa bị cáo Ma Thiếu Quân (SN 1973), Vương Quang Đằng (SN 1990), Hoàng Thị Luyến (SN1979), Tô Văn Báo (SN 1993) và Lê Thị Loan (SN 1986) cùng ở Văn Lãng, Lạng Sơn ra xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Giả danh công an, Viện kiểm sát lừa đảo qua điện thoại
Theo cáo trạng, chiều 2/6/2016, bà Nguyễn Thị Hiền Hạnh (SN 1954, ở quận Đống Đa, Hà Nội) đang ở nhà thì thấy điện thoại bàn đổ chuông. Nghe máy, bà Hạnh thấy có giọng nữ, tự xưng là Thúy Lan – nhân viên tổng đài VNPT thông báo bà còn nợ cước điện thoại số tiền hơn 8,9 triệu đồng, nếu không trả sẽ bị cắt liên lạc. Khẳng định gia đình không nợ cước xong, bà Hạnh bị người tự xưng nhân viên VNPT dẫn dắt, nối máy cho nói chuyện với nam giới tự xưng là Trung úy Nguyễn Quang Trung, đang công tác tại Phòng Điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh.
Qua điện thoại, người đàn ông tên Trung nói: “Chị Hạnh có giao dịch với ngân hàng, buôn bán nhà đất để hồ sơ bị bán cho tên Nguyễn Quang Dũng (ở Móng Cái, Quảng Ninh) với giá 2,5 triệu đồng, có thể hồ sơ đó được lấy thông tin từ ngân hàng mà chị Hạnh gửi tiết kiệm”. Sau đó, Trung nối máy cho bà Hạnh nói chuyện với người phụ nữ tự xưng là Phạm Thanh Thảo – Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Quảng Ninh. Thảo nói với bà Hạnh: “Có hồ sơ của chị Hạnh tại nơi bắt giữ tên Nguyễn Quang Dũng”.
Quá trình nói chuyện, người tự xưng Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu bà Hạnh không được tiết lộ với bất kỳ ai, không được tắt di động đồng thời yêu cầu bà Hạnh chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm 840 triệu đồng vào tài khoản của lãnh đạo công an Tô Văn Báo. Tưởng thật, bà Hạnh đã làm theo mà không biết bị lừa.
Ngày 27/6/2016, bà Trần Thị Trang (SN 1947, ở Quảng Ngãi) thấy điện thoại bàn của gia đình đổ chuông nên nghe máy. Qua điện thoại, bà Trang thấy giọng nam thông báo còn nợ cước điện thoại số tiền hơn 8,9 triệu đồng của một số điện thoại mở từ tháng 9/2015 tại TP Móng Cái (Quảng Ninh). Bà Trang trả lời không đứng tên số điện thoại nào như trên và không nợ cước điện thoại thì bị người này nói liên hệ với đường dây nóng gặp người có thẩm quyền để giải quyết.
Sau đó, bà Trang được nối máy với người đàn ông tên Trung, tự nhận là Công an tỉnh Quảng Ninh hỏi về việc mua bán đất và có giao dịch với ngân hàng không mà bị đánh mất thông tin cá nhân. Bà Trang nói có gửi tiết kiệm 870 triệu đồng tại một ngân hàng nọ. Nghe vậy, Trung yêu cầu bà Trang làm việc với cấp trên của mình.
Ngay sau đó, bà Trang được chuyển máy để nói chuyện với người đàn ông tự xưng đang làm tại VKSND tỉnh Quảng Ninh. Qua điện thoại, người nói bà Trang có liên quan đến đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia do Nguyễn Quang Dũng cầm đầu. Các đối tượng này khai đã chi hoa hồng cho bà Trang số tiềng 160 triệu đồng. Do đó, ông ta yêu cầu bà Trang phải chuyển toàn bộ số tiền đang có để VKS kiểm tra xem có liên quan hay không, nếu không liên quan thì trả lại ngân hàng nơi giao dịch. Nghe vậy bà Trang tin là thật nên đã chuyển 560 triệu đồng vào tài khoản tên Tống Văn Sơn.
Một ngày sau, bà Trang lại nhận được cuộc gọi của người tự xưng là Kiểm sát viên – VKSND yêu cầu chuyển tiếp 300 triệu đồng vào tài khoản mang tên Lộc Thị Loan. Sau khi chuyển tiền, bà Trang liên lạc lại với các đối tượng trên không được. Biết bị lừa, người phụ nữ quê Quảng Ngãi vội vã ra cơ quan công an trình báo. Theo kết quả xác minh của cơ quan chức năng, từ tháng 6/2016 đến tháng 7/2016, nhóm người giả danh công an, VKS lừa đảo qua điện thoại đã thực hiện 7 vụ lừa đảo với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng
Lĩnh án vì giúp sức kẻ lừa đảo
Trong vụ việc của bà Hạnh, sau khi nhận được tin nhắn báo có tiền của bà Nguyễn Thị Hạnh chuyển vào tài khoản của Tô Văn Báo thì Hoàng Chấn Lâm cùng Vương Quang Đằng, Tô Văn Báo và Ma Thiếu Quân đi taxi đến ngân hàng để rút tiền. Theo phân công của Lâm, Quân và Báo sẽ vào rút tiền còn ông ta và Đằng ở ngoài cảnh giới. Rút được tiền xong, cả bọn đến nhà chị Nông Thư Hòa (ở Lạng Sơn) để đổi ra tiền nhân dân tệ. Sau đó, họ kéo nhau tới một nhà nghỉ ở thành phố Lạng Sơn thuê phòng. Tại đây, Lâm đưa cho thuộc cấp mỗi người 600.000 đồng tiền công.
6 vụ còn lại, Quân, Báo, Loan… đều hỗ trợ, giúp Lâm tới ngân hàng rút tiền mà bị hại chuyển vào tài khoản của họ rồi đưa lại cho kẻ lừa đảo trên. Vụ việc chỉ vỡ lở sau khi các bị hại phát hiện mình bị lừa, tới cơ quan công an trình báo vụ việc. Chưa đầy một tháng sau, 5 người Việt Nam giúp Lâm rút tiền bị bắt giữ. Còn Lâm thì trốn thoát, đến nay vẫn chưa xác định được lai lịch.
Cơ quan điều tra làm rõ khoảng cuối tháng 5/2016 Hoàng Chấn Lâm (SN 1978, quốc tịch Trung Quốc, chưa xác định được lai lịch) đã bàn bạc và rủ Quân, Báo, Đằng, Loan tham gia chiếm đoạt tiền của người khác. Do hám lời nên những người này đã đồng ý tham gia. Cụ thể, Lâm đã bảo 4 người Việt Nam sống tại Lạng Sơn trên đến các ngân hàng mở tài khoản mang tên mình. Sau khi mở xong, báo lại các thông tin về tài khoản, số chứng minh nhân dân cho Lâm biết để ông ta chuyển tiền do lừa đảo của chính người dân Việt Nam vào đó. Khi có tiền, Lâm báo cho Quân, Báo, Đằng, Loan và yêu cầu họ phải đi rút ngay về rồi chuyển cho Lâm.
Theo cáo trạng, Lâm trả công cho các “trợ thủ” trên là 600.000 đồng/người/ngày. Bên cạnh đó, người đàn ông ngoại quốc này còn yêu cầu những người làm thuê cho ông ta rủ thêm càng nhiều người tham gia mở thẻ và rút tiền cho mình càng tốt. Nghe vậy, Quân đã rủ thêm người quen là Hoàng Thị Luyến cùng tham gia. Cơ quan điều tra xác định, những người này đã tham gia giúp sức cho Hoàng Chấn Lâm chiếm đoạt của nhiều bị hại số tiền hơn 5 tỷ đồng trong thời gian từ đầu tháng 6/2016 đến tháng 7/2016.
Với hành vi trên, HĐXX TAND TP Hà Nội tuyên bị cáo Quân 12 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các bị cáo còn lại lĩnh từ 6 năm tù đến 8 năm tù cùng về tội danh trên. Có thể nói, đây là bài học, là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những người hám lời, sẵn sàng bất chấp pháp luật, trợ giúp cho kẻ gian chiếm đoạt tiền của người khác.