Vụ 12 cây tràm: Có dấu hiệu "buộc án, gán tội"?

(PLO) - Trước vành móng ngựa, các bị cáo liên tục kêu oan, đưa ra chứng cứ khẳng định họ không phạm tội. Đại diện Viện kiểm sát thừa nhận, nghiên cứu hồ sơ vụ án chưa tìm thấy được dấu hiệu phạm tội của các bị cáo.

Các bị cáo khẳng định họ không có tội.
Các bị cáo khẳng định họ không có tội.
“Buộc án, gán tội”?
Theo nội dung vụ án, ông Yến đượcTrung tâm lâm nghiệp Biên Hòa (TTLNBH) giao 1ha đất rừng tại khu phố 8, phường Long Bình, Biên Hòa để trồng rừng. Năm 2001, ông Yến giao lại cho ông Hiền. Đến năm 2005, ông Hiền làm giấy viết tay bán lại cho 8 bị cáo Đinh Trọng Thúc, Vũ Thị Mộng Thu, Nguyễn Tồn Chí, Ngô Quang Tuyên, Vũ Thị Mộng Huyền, Đỗ Thị Le, Nguyễn Thị Anh, Nguyễn Thị Thu Hường cùng ngụ TP. Biên Hòa  2.600m2. 
Ngày 13/10/2013, những người được nhượng lại đến lô đất trên để dọn cỏ và chặt cây tràm. Hành động này khiến 8 người trên bị khởi tố về tội “Hủy hoại tài sản”. 
Tại phiên tòa sơ thẩm dù liên tục kêu oan nhưng họ vẫn bị tuyên phạt. Theo đó, Thúc, Thu, Tuyên, Huyền, Hường bị tuyên án 5 tháng 4 ngày tù (bằng ngày tạm giam), các bị cáo Anh, Chí, Le cùng mức án 6 tháng tù treo. Ngay sau khi tuyên án, các bị cáo đồng loạt kháng cáo kêu oan.cho rằng họ đã bị cơ quan tố tụng cố tình “buộc án, gán tội”. 
Trong phiên xét xử phúc thẩm mới đây, các bị cáo tiếp tục kêu oan, cho rằng mình không hề phạm tội. Vị đại diện TTLNBH cũng xác nhận thiệt hại của TTLNBH là không có. “Chúng tôi đã thu hồi thiệt hại bằng việc bán hóa giá số cây tràm trên cho một công ty” đại diện TTLNBH cho biết. 
Vị đại diện Viện kiểm sát (VKS) cho rằng không có thiệt hại thì tại sao TTLNBH lại yêu cầu khởi tố vụ án. Đại diện TTLNBH ấp úng, không trả lời mà cho rằng trong hồ sơ đã thể hiện rõ. VKS nói: “Theo đúng luật, nếu không xác định được thiệt hại thì không thể khởi tố tội "Hủy hoại tài sản" như cáo trạng nêu”.
Luật sư bào chữa cho các bị cáo yêu cầu cơ quan công tố chứng minh 12 cây tràm trên là do TTLNBH trồng và quản lý. Tuy nhiên, TTLNBH cho biết những giấy tờ như biên bản nghiệm thu, chăm sóc, bàn giao cây đã thất lạc, không còn lưu trữ tại cơ quan.
Luật sư cũng yêu cầu phía đại diện TTLNBH đưa ra bằng chứng cho thấy 12 cây tràm lai được bán hóa giá đúng là 12 cây đã bị các bị cáo chặt. Nhưng phía TTLNBH không đưa ra được những chứng cứ như biên bản làm việc, ngày giờ, loại xe vận chuyển, hình ảnh, giám định của cơ quan chức năng.
Trong phần xét hỏi của mình, đại diện VKS hỏi tang vật vụ án đang ở đâu? Phía TTLNBH cho rằng “đã bán” để thu hồi thiệt hại. VKS giải thích, việc bán tang vật vụ án mà không được sự cho phép của cơ quan chức năng là hành vi sai phạm gây khó khăn trong quá trình điều tra vụ án.
Tại sao cần 5 ngày nghị án?
Tại tòa, VKS cho biết: Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ vụ án, thấy rằng trong hồ sơ chưa có chứng cứ nào chứng minh các bị cáo phạm tội. Việc tuyên án của tòa sơ thẩm là vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng hình sự”. Với những lập luận như tang vật đã bị bán, không lưu trữ hình ảnh, thiệt hại trong vụ án là không có, VKS đề nghị Hội đồng xét xử tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại theo đúng thủ tục ở Điều 250 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, luật sư bào chữa cho rằng vụ án từng gia hạn 2 lần để điều tra bổ sung nhưng không tìm được chứng cứ mới; thậm chí đã từng có quyết định hủy án vì không tìm được chứng cứ buộc tội nhưng sau đó lại phục hồi ngay trên những hồ sơ, chứng cứ cũ. Vì vậy, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử hủy án, tuyên các bị cáo vô tội. 
Phần nghị án kéo dài hơn 1h trước sự hồi hộp, lo lắng của các bị cáo. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử đã quyết định ngừng phiên tòa, kéo dài thời gian nghị án đến ngày 13/4 sẽ tuyên án. Việc kéo dài nghị án khiến các bị cáo hy vọng được lấy lại công bằng, đồng thời nghi vấn có điều gì “khó xử” khiến Tòa băn khoăn giữa việc tuyên trả hồ sơ để điều tra lại, hủy án để điều tra lại và tuyên vô tội cho các bị cáo./.

Đọc thêm