Ông Pascal Ausseur nói : Chương trình hợp tác trang thiết bị quốc phòng nằm trong khuôn khổ đối tác chiến lược giữa Việt Nam – Pháp. Sự hợp tác này bắt đầu từ năm 1991 và không ngừng phát triển từ đó đến nay. Giai đoạn phát triển nhanh chóng nhất là từ 9/2013 khi hai nước ký kết quan hệ đối tác chiến lược.
Ngày 13/5 vừa qua, lần đầu tiên một Hội thảo hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa Việt Nam và Pháp về lĩnh vực an ninh biển được tổ chức. 25 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp cùng hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam đã trao đổi về lĩnh vực an ninh biển.
Mục đích chính của hội thảo này là để trao đổi, chia sẻ về khoa học công nghệ phục vụ cho công nghiệp quốc phòng của hai bên. Các doanh nghiệp Pháp rất vui mùng vì được tiếp xúc với các đối tác Việt Nam và các lãnh đạo ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam.
Pháp là một trong số những nước châu Âu có ngân sách dành cho quốc phòng nhiều nhất. Từ nhiều thập kỷ qua, Pháp đã đầu tư từ 10-15 tỷ euro để nghiên cứu phát triển công nghiệp quốc phòng trang bị cho các binh chủng của Pháp. Pháp là nước duy nhất ở châu Âu đầu tư nhiều tiền để đảm bảo duy trì các công nghệ mũi nhọn trong ngành công nghiệp quốc phòng. Điều này cho phép Pháp hoàn toàn tự chủ về công nghệ quốc phòng ở những lĩnh vực then chốt như tàu ngầm, tên lửa, vệ tinh… Chính vì vậy sẽ rất tốt nếu Việt Nam hợp tác với các doanh nghiệp Pháp, nơi có công nghệ tiên tiến và họ cũng đang mong muốn được đầu tư tại Việt Nam. Việc hợp tác này hoàn toàn nằm trong khuôn khổ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về những lĩnh vực mà Pháp có thể hợp tác với Việt Nam, Chuẩn Đô đốc Pascal Ausseur cho biết, các doanh nghiệp Pháp có mặt tại Việt Nam đều có trong tay dự án của họ. Lĩnh vực có thể hợp tác rất rộng, từ an ninh biển cho tới kiểm soát vùng trời, kiểm soát biên giới. Pháp hiểu rất rõ vấn đề này vì Pháp là nước đứng thứ hai thế giới về biển, Pháp có mặt ở rất nhiều đại dương nên vấn đề kiểm soát vùng biển Pháp cũng đang gặp phải.
Danh mục các doanh nghiệp Pháp tham dự Hội thảo cho thấy lĩnh vực hợp tác là rất rộng và hoàn toàn có thể thành hiện thực, có thể cùng hợp tác sản xuất. Các doanh nghiệp Pháp và Chính phủ Pháp sẵn sàng hợp tác để mang lại lợi ích cho quân đội nhân dân Việt Nam. Để kiểm soát được vùng biển của mình cần phải có các trang thiết bị như radar, máy bay trực thăng,… Pháp có đầy đủ các công nghệ cho phép thực thi nhiệm vụ này trên vùng biển của mình.
Các nhà công nghiệp Pháp sẵn sàng cùng hợp tác hoặc chuyển giao cho các bên dân sự hoặc quân sự nếu như Việt Nam có nhu cầu. Hy vọng Việt Nam sẽ có các trang thiết bị đó trong tương lai. Chuẩn Đô đốc Pascal Ausseur cũng cho biết, Trung Quốc đang chịu sự cấm vận vũ khí của EU mà Pháp là một thành viên nên phải tuân thủ.
Liên quan tới vấn đề Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng biển Việt Nam, Chuẩn Đô đốc Pascal Ausseur nói: “Những sự kiện xảy ra gần đây cho thấy tầm quan trọng của việc kiểm soát các vùng bờ biển, đặc biệt đối với Việt Nam. Ủy ban châu Âu đã có ra thông cáo về vấn đề này và Pháp là nước đầu tàu trong việc soạn thảo ra thông cáo đó. Trong đó nhấn mạnh đến vai trò của luật pháp quốc tế, nhất là luật biển. Pháp cũng là nước tham gia soạn thảo luật Biển này vào năm 1982. Pháp nhấn mạnh việc giải quyết vấn đề này thông qua đàm phán hòa bình. Pháp cũng như Cộng đồng chung châu Âu rất quan ngại về tình hình trên Biển Đông và mong các bên sớm tìm ra giải pháp để thoát khỏi tình hình này”.
Lý giải việc Pháp quan tâm đến tình hình Biển Đông, Chuẩn Đô đốc Pascal Ausseur cho rằng, với nước pháp khu vực Biển Đông ngày càng trở nên quan trọng, đây là một vùng nước chung, trọng tâm của thế giới sẽ dịch chuyển về khu vực này. Sự ổn định của khu vực cũng như sự phát triển của châu Á sẽ mang lại sự phồn thịnh và an ninh cho toàn thế giới. Pháp cũng có phần an ninh trong đó nên Pháp sẽ hỗ trợ để đảm bảo an ninh trong khu vực này.
Việc hai bên (Pháp và Việt Nam) có thỏa thuận hợp tác chiến lược cũng thể hiện sự quan tâm của chúng tôi đến khu vực này. Phần lớn giao thương thương mại của Pháp đến từ châu Á đi quan khu vực Biển Đông, chính vì vậy an ninh trong khu vực này ảnh hưởng cả về mặt kinh tế lẫn an toàn hàng hải.
Được biết, trước đó từ ngày 25 đến ngày 29/4/014, nữ Chuẩn đô đốc Anne Cullerre, Tư lệnh quân đội Pháp tại Thái Bình Dương cũng có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam./.